Ứng dụng thương mại điện tử
Thương mại điện tử chắp cánh cho sản phẩm các dân tộc, vùng miền đi xa. Bắc Giang có những yếu tố đặc thù của điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đã tạo ra rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng vùng miền.
Để phát huy giá trị đặc biệt này, những năm qua, Bắc Giang có nhiều chính sách xây dựng phát triển thương hiệu và tạo ra những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng, có những cái lợi thế cạnh tranh riêng. Hiện Bắc Giang có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng, vừa là sản phẩm tiềm năng; và có 180 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này đều được áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Việt GAP và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Do đó đã tạo được thương hiệu riêng và cũng chiếm được một số tiêu chí về chất lượng trong niềm tin của khách hàng.
Nhưng cũng chính vì thế mà đặt ra bài toán tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân cho các đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất mùa vụ cao và sản lượng lớn, tạo nên áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, Bắc Giang đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử, trong một số năm qua, đặc biệt trong năm 2021 là năm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, vào mùa thu hoạch vải thiều, Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương tìm cách để đẩy mạnh kênh thương mại điện tử.
Năm 2023 Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp để mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh thế nào, tiếp nhận đơn hàng chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay với người tiêu dùng như thế nào.
Với các hợp tác xã, đầu tiên cũng không biết làm thế nào, nhưng đến nay bà con cũng đã đầu tư tiền mở gian hàng, đầu tư tiền để xây dựng thương hiệu, đóng gói sản phẩm, tem nhãn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là động lực để thúc đẩy các nội dung khác trong quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo tổng hợp của Sở Công Thương Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, đã phối hợp với các huyện, thành phố hỗ trợ 15 doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, khởi tạo gian hàng, hướng dẫn kỹ năng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao nhận thức và kỹ năng
Mặc dù vậy, trong số 15.540 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh, mới có khoảng 800 doanh nghiệp được hỗ trợ khởi tạo gian hàng và tham gia TMĐT. Hầu hết các doanh nghiệp Bắc Giang có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nhân lực nên phương pháp quản lý điều hành vẫn theo mô hình truyền thống, ngại thay đổi, khó tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Nhiều doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT nhưng gần như không có nhân viên quản trị mạng, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp nhận, giải quyết các thông tin, đơn hàng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho từng doanh nghiệp, tháng 5 năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho các đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Giang và hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bản tỉnh.
Trước đó, ngày 18/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 2509/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 60% doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sàn giao dịch TMĐT và các sàn cung cấp dịch vụ TMĐT khác; ứng dụng TMĐT, sử dụng hệ thống thư điện tử, có kết nối Internet để tìm kiếm thông tin, thị trường; 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Đây là động lực quan trọng giúp Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực đặc trưng, sản phẩm tiềm năng của tỉnh. Bởi lẽ, TMĐT có khả năng xây dựng mạng lưới đối tác gồm các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và các bên liên quan khác trong ngành nông sản, sản phẩm địa phương, hàng công nghiệp tiêu dùng ... Mạng lưới này giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và tăng cường hợp tác vùng miền, xây dựng mô hình hợp tác giữa các vùng sản xuất nông sản để tạo ra sức mạnh tập trung và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường.