Khánh Hoà có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng. 

Tài nguyên biển:
Với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, khí hậu lý tưởng, nhiều di tích lịch sử và công trình văn hoá nên Nha Trang đã trở thành một trong mười trung tâm du lịch lớn của cả nước, đặc biệt là du lịch biển với rất nhiều bãi tắm nổi tiếng như như bãi biển Nha Trang, Bãi Tiên, Dốc Lết, Đại Lãnh. 

Dọc bờ biển còn tập trung nhiều đảo lớn, nhỏ có khả năng tổ chức du lịch, lặn biển, vui chơi giải trí trên các đảo. Đặc biệt, đảo Hòn Tre là đảo lớn, quanh năm có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trũ, bãi Tre, Bích Đầm, trong đó khu du lịch Hòn Ngọc Việt (Vinpearl Land) trên đảo Hòn Tre là khu du lịch, nghỉ mát sang trọng bậc nhất ở Việt Nam. 

Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt, khu vực Hòn Mun của Vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới. 

Trữ lượng hải sản thuộc vùng biển Khánh Hòa ước khoảng 150 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%). Khả năng cho phép hàng năm khai thác khoảng 70.000 tấn. Ngoài các hải sản như cá, mực và các loại ốc, biển Khánh Hòa còn là nơi trú ngụ của chim yến, hàng năm cho phép khai thác khoảng 2.000 kg yến sào. Đây là một đặc sản quý mà không phải tỉnh nào trong cả nước cũng có thể có được, là nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến dược liệu bổ dưỡng cao cấp. 

Biển Khánh Hòa còn có ý nghĩa với việc sản xuất muối do nước biển có nồng độ muối tương đối cao, thuận lợi cho việc sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp. 

Tài nguyên rừng:
Diện tích rừng hiện có 186,5 nghìn ha, trữ lượng gỗ 18,5 triệu m3, trong đó 64,8% là rừng sản xuất, 34% rừng phòng hộ và 1,2% rừng đặc dụng. Rừng phòng hộ có 34%, song hầu hết là rừng giàu ở khu vực núi cao, đầu nguồn các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Ninh Hòa. Độ che phủ của rừng là 38,5%, lớn nhất là ở huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn.
Tài nguyên khoáng sản:
Khánh Hòa có nhiều loại khoáng sản như than bùn, môlíp đen, cao lanh, sét, vàng sa khoáng, nước khoáng, sét chịu lửa, cát, san hô, đá granite..., trong đó, đáng chú ý nhất là cát thủy tinh Cam Ranh, đáp ứng yêu cầu của sản xuất thủy tinh quang học, pha lê... trữ lượng 52,2 triệu m3. 

Nước khoáng với tổng lưu lượng khoảng 40l/s, khả năng khai thác 3400 - 3500 m3/ngày. Một số nơi đã đưa vào khai thác công nghiệp như nước khoáng Đảnh Thạnh (57 triệu lít/năm). Tài nguyên khoáng sản Khánh Hòa là một trong những loại tài nguyên có thể tái khai thác trong tương lai để phát triển các sản phẩm cạnh tranh thị trường. 

Khánh Hòa cũng là địa phương phát triển công nghiệp mạnh trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Các thế mạnh công nghiệp truyền thống của Khánh Hòa là công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy hải sản, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng có nhiều loại khoáng sản; Tỉnh có 72 mỏ quặng được phát hiện và đăng ký trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2009 của Khánh Hòa đạt 14.095 tỷ đồng. Các khu công nghiệp lớn trong tỉnh như Khu công nghiệp Suối Dầu, khu công nghiệp Ninh Hòa, khu công nghiệp Bắc và Nam Nha Trang, cùng với những cảng biển lớn đang được đầu tư xây dựng, giúp cho Khánh Hòa trở thành một trong 10 tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước. 

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đến năm 2015 có 5 khu công nghiệp được thành lập theo quy định của Chính phủ, gồm: Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Khu công nghiệp Ninh Thuỷ (huyện Ninh Hòa), Khu công nghiệp Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh), Khu công nghiệp Nam Cam Ranh và Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh (thị xã Cam Ranh). 

Cụ thể như sau: 

1. Khu công nghiệp Suối Dầu:
Khu công nghiệp Suối Dầu được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 951/TTg ngày 11/11/1997 thành lập và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Suối Dầu, tỉnh Khánh Hoà. Chủ đầu tư là Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà, quy mô khu công nghiệp theo dự án được duyệt là 152 ha. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: sản xuất hàng may mặc, điện tử, linh kiện vận tải, lắp ráp xe máy ô tô, hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp, chế biến thủy sản. Đến nay Khu công nghiệp Suối Dầu đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng của giai đoạn I (78,17 ha) và thu hút đầu tư gần lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê với tỷ lệ 85%. Chủ đầu tư đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng của giai đoạn II (phần diện tích còn lại) ; các hạng mục đã thực hiện là: Trạm xử lý nước sạch mở rộng, san nền kè đá, hệ thống cấp thoát nước (hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải và cấp nước sạch); các hạng mục đang hoàn tất hồ sơ chuẩn bị thực hiện là: Trạm bơm nước thô số 2 và hệ thống đường giao thông. 

2. Khu công nghiệp Ninh Thuỷ:
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2627/QĐ-UB ngày 07/10/2004 thành lập Khu công nghiệp Ninh Thuỷ, huyện Ninh Hòa (với quy mô 206,4ha) và Văn bản số 1088/UB ngày 13/4/2004 và 1594/UB ngày 20/5/2004 thỏa thuận dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Thuỷ. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, hiện nay đang tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: sản xuất hóa chất, linh kiện thiết bị phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu; Sản xuất vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội ngoại thất; Dịch vụ. 

3. Khu công nghiệp Vạn Thắng:
Khu công nghiệp Vạn Thắng đã có quy hoạch chi tiết với quy mô 144,42 ha và đã được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt theo Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 12/8/2005. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: Công nghiệp hóa dầu, công nghiệp vi sinh, sản xuất hóa chất, vật liêu xây dựng, chế biến thủy sản. Khu công nghiệp Vạn Thắng đang lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. 

4. Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh:
Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh có quy mô dự kiến 150ha, địa điểm tại xã Cam Phúc Bắc và Cam Phúc Nam, thị xã Cam Ranh; đang lập quy hoạch chi tiết, trình UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt. Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh được quy họach là khu công nghiệp sạch, sử dụng ít nước, ưu tiên sử dụng nhiều lao động, tập trung vào các ngành như may mặc, lắp ráp điện tử, cơ khí chính xác …; đang kêu gọi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. 

5. Khu công nghiệp Nam Cam Ranh:
Khu công nghiệp Nam Cam Ranh có quy mô khoảng 233 ha tại xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: chế biến nông lâm, thủy sản, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng...; đang kêu gọi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

  • Tags: