Tiền Giang: Thị xã Gò Công lên thành phố từ ngày 1/5/2024

Từ ngày 1/5/2024, thị xã Gò Công chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Tiền Giang với 10 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Ngày 19/3/2024, với 100% phiếu thuận, phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.

Tiền Giang
Từ ngày 1/5/2024, thị xã Gò Công chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Gò Công, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,36 km2 và quy mô dân số là 10.228 người của phường 4 vào phường 1. Sau khi nhập, phường 1 có diện tích tự nhiên là 1,81 km2 và quy mô dân số là 19.589 người. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,09 km2 và quy mô dân số là 9.992 người của phường 3 vào phường 2. Sau khi nhập, phường 2 có diện tích tự nhiên là 1,80 km2 và quy mô dân số là 19.500 người.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công. Cụ thể, thành lập phường Long Chánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,87 km2 và quy mô dân số là 8.596 người của xã Long Chánh; thành lập phường Long Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,59 km2 và quy mô dân số là 10.380 người của xã Long Hòa; thành lập phường Long Hưng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,51 km2 và quy mô dân số là 11.201 người của xã Long Hưng; thành lập phường Long Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,45 km2 và quy mô dân số là 11.538 người của xã Long Thuận.

Thành phố Gò Công được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 101,69 km2 và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

Sau khi sắp xếp lại, thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung (giảm 02 đơn vị hành chính cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2023 định hướng phát triển 3 vùng kinh tế - xã hội.

Trong đó, Vùng trung tâm bao gồm: Thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Thành phố Mỹ Tho là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh Tiền Giang; là đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng phía Tây bao gồm: Thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung phát triển công nghiệp; cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và phát triển đô thị, du lịch sinh thái.

Vùng phía Đông bao gồm: Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông, tổ chức lại không gian ven biển, tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gồm đô thị, du lịch, logistic và năng lượng để trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Tiền Giang cũng xác định phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý, văn hóa của từng đô thị và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất. Mở rộng phạm vi, ranh giới các đô thị hiện hữu chưa đảm bảo tiêu chuẩn diện tích. Phát triển đô thị đa dạng về công năng đáp ứng yêu cầu kinh tế đô thị và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 01 đô thị loại I (thành phố Mỹ Tho), 02 đô thị loại III (thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy), 08 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Tân Hòa, Vàm Láng), 14 đô thị loại V trong đó có 02 đô thị xây dựng mới là Phú Thạnh và Tân Điền. Huyện Châu Thành đạt một số tiêu chí của thị xã.

Thanh Hà