HĐND tỉnh Hậu Giang vừa thông qua nghị quyết về quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang bao gồm toàn bộ tỉnh Hậu Giang với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.622km2, với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và 5 huyện (Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A).
Phía Bắc của tỉnh giáp thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.
Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hậu Giang là tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong khu vực; đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng kinh tế 7-7,5%/năm (hoặc cao hơn trung bình cả nước và khu vực 0,5%); phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 15%/năm; cải thiện môi trường kinh doanh, đưa Hậu Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế 10-12%/năm (hoặc cao hơn trung bình cả nước và khu vực 1%). Đến năm 2030 cân đối được thu - chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn trung ương hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp 40% GRDP và tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 15%; phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng ĐBSCL.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 84 triệu đồng (tương đương 3.600 USD), năm 2030 đạt 150 triệu đồng (tương đương 6.383 USD). Dân số toàn tỉnh năm 2030 khoảng 835 nghìn người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 32%, năm 2030 đạt 37%. Giảm hộ nghèo mỗi năm 1%...
Mục tiêu đến năm 2050, xây dựng Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL , trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000 USD/người/năm, đạt ngưỡng các nước thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. Quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người, tương đương tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 1%/năm.
Quy hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển. Cụ thể, 5 nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
4 đột phát gồm: “Một tâm”; “Hai tuyến”; “Ba thành”; “Bốn trụ”.
Cụ thể, một tâm: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.
Hai tuyến: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.
Bốn trụ: Phát triển 4 trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7-7,5%/năm (hoặc cao hơn trung bình cả nước và khu vực 0,5%); phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 15%/năm; cải thiện môi trường kinh doanh, đưa Hậu Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất vùng ĐBSCL.
Công nghiệp được xác định là ngành giữ vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang, được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác.
Theo định hướng chiến lược, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển 3 vùng sinh thái công nghiệp.
Vùng công nghiệp thứ nhất nằm ở khu vực huyện Châu Thành, Châu Thành A. Trọng tâm của khu vực này là phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dược, mỹ phẩm, các cụm ngành logistics, chế biến nông sản, có liên quan tới đầu vào là sản phẩm nông nghiệp quy mô vùng.
Vùng công nghiệp thứ hai ở khu vực giao giữa hai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tại huyện Phụng Hiệp. Vùng công nghiệp này tận dụng thế mạnh ở điểm giao hai cao tốc, liên kết theo trục dọc sông Hậu và trục Bắc - Nam. Vùng này chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, công nghệ môi trường, công nghiệp chế tạo.
Vùng công nghiệp thứ ba ở khu vực giao giữa hai cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại huyện Long Mỹ.
Định hướng 3 vùng công nghiệp này tập trung thành những vùng công nghiệp lớn, cấu trúc đất xây dựng công nghiệp được đan xen với những yếu tố sinh thái, cảnh quan, đô thị.