Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (24/2 - 28/2)

Tổng thống Pháp cảnh báo các cuộc đàm phán tới đây về thoả thuận thương mại tự do giữa khối EU và Anh sẽ rất căng thẳng. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Ấn Độ đang kỳ vọng sẽ đạt được một thoả thuận thương mại song phương thông qua chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đến Ấn Độ.

Thứ Hai – 24/2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông “không chắc chắn” khối EUAnh sẽ đạt được một thoả thuận tự do thương mại vào ngày 31/12/2020 (thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi hậu Brexit của Anh) và cảnh báo các cuộc đàm phán giữa Anh và khối EU tới đây sẽ diễn ra rất “căng thẳng”.

Hiện khối EU đang theo đuổi đường lối đàm phán cứng rắn, thúc đẩy bởi ông Emmanuel Macron, yêu cầu Anh phải cam kết mạnh mẽ hơn về liên kết pháp lý nhằm đổi lấy các nhượng bộ về thương mại. Trong khi đó, Anh cho biết nước này mong muốn một thoả thuận thương mại “hợp tác dựa trên việc tôn trọng chủ quyền”.

Thứ Ba – 25/2

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm chính thức Ấn Độ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thực hiện chuyến công du Ấn Độ chính thức đầu tiên trong bối cảnh hai nước đang có nhiều bất đồng trong đàm phán một thoả thuận thương mại song phương. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài đàm phán, hy vọng về thoả thuận thương mại Hoa Kỳ - Ấn Độ đang giảm dần.

Ấn Độ hiện muốn Hoa Kỳ khôi phục các ưu đãi về thuế quan theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sau khi nước này bị Hoa Kỳ loại khỏi danh sách hưởng ưu đãi vào năm ngoái. Về phía Hoa Kỳ, nước này bày tỏ quan ngại về lập trường của Ấn Độ trong việc tăng thuế, kiểm soát giá và thương mại điện tử.

Kim ngạch thương mại song phương Hoa Kỳ - Ấn Độ hiện đạt 160 tỷ USD và nếu ông Donald Trump có thể giành được một thoả thuận với Ấn Độ, đây sẽ là một thắng lợi chính trị lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang chịu sức ép lớn khi tình trạng thất nghiệp tăng cao và nền kinh tế nước này đối mặt với nhiều khó khăn.

Thứ Tư – 26/2

Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh vì dịch virus Covid-19

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm phiên thứ năm liên tiếp trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát tại hàng loạt quốc gia trong thời gian ngắn như Hàn Quốc, Italy, Iran và các nước khu vực Trung Đông. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo các quốc gia nên chuẩn bị cho sự bùng phát của dịch bệnh. Giới chức y tế Hoa Kỳ cũng thay đổi quan điểm, chuyển sang cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát tại nước này.

Những thông tin xấu dồn dập về dịch bệnh đã khiến giới đầu tư trở nên bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bán tháo cổ phiếu. Tại Hoa Kỳ, chỉ số S&P 500 đã giảm tổng cộng 7,6% chỉ trong 4 ngày giao dịch. Trong khi đó, chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử có hai phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm.

Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh chạm mức thấp nhất kể từ 2/2019. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm mạnh 3,3% trong ngày.

Thứ Năm – 27/2

Lễ hội hoá trang Carnival tại Venice phải huỷ bỏ vì dịch virus Covid-19

Sự bùng phát nhanh của dịch virus Covid-19 tại Italy đã buộc nước này phải đóng cửa hàng loạt cơ sở kinh doanh tại vùng LombardyVeneto - khu vực công nghiệp quan trọng nhất và đóng góp đến 30% tổng GDP, gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Italy. Các hoạt động du lịch, giải trí như lễ hội hoá trang Carnvial nổi tiếng vốn đóng góp nguồn thu lớn cho Italy cũng buộc phải huỷ bỏ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo dịch virus Covid-19 đang đào “hố chôn” sâu hơn cho một nền kinh tế trì trệ như Italy. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và lớn thứ 8 toàn cầu, nền kinh tế Italy thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế thấp nhất Châu Âu. Trong 10 năm trở lại đây, Italy đã rơi vào suy thoái 3 lần; dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của nước này sẽ giảm 0,5% - 1,5% vì dịch bệnh và đẩy nước này vào đợt suy thoái thứ 4.

Thứ Sáu – 28/2

Dịch virus Covid-19 tại Vũ Hán Trung Quốc

Ngân hàng Bank of America (BofA) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 chỉ đạt 2,8%, đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu tụt xuống dưới mức 3% kể từ thời điểm Đại suy thoái toàn cầu hồi năm 2009; nguyên nhân chủ yếu do sự bùng phát của dịch virus Covid-19.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế học của BofA cũng cho biết tác động từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, sự yếu kém của nền kinh tế Nhật Bản và một số quốc gia ở Nam Mỹ cũng gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

BofA dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ chỉ đạt 5,2%, giảm so với mức 6,1% của năm 2019 – mức thấp nhất trong vòng 29 năm qua. Nếu như không tính tăng trưởng của Trung Quốc thì tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ chỉ còn ở mức 2,2%.

Quang Đặng (Tổng hợp)