Nam Định có thời tiết, khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa; có bốn mùa rõ rệt trong năm, trong đó có mùa đông rất thích hợp cho việc phát triển các giống cây trồng và vật nuôi. Bên cạnh đó, Nam Định còn có một nguồn lao động dồi dào, có trình độ và kinh nghiệm thâm canh, đồng thời có nhiều mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật khá hiệu quả, tạo cho ngành nông nghiệp một nền móng vững chắc để phát triển lâu dài.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII về phát triển nông nghiệp “Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo bước chuyển biến mạnh hơn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn”. Nam Định đã xây dựng mục tiêu và những giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006- 2010:

Mục tiêu:

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã theo luật. Khuyến khích dồn điền đổi thửa giữa các hộ nông dân nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất hợp lý, tạo điều kiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác.

- Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Qui hoạch vùng sản xuất hàng hoá, mở rộng diện tích vụ đông, đẩy mạnh thâm canh tăng năng xuất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân là 2,95%/năm.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, cải tạo đàn giống gia súc, gia cầm để cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mở rộng thị trường trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ, phấn đấu 2010 sản phẩm thịt các loại đạt 112.000 tấn, trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 100.000 tấn, tổng đàn lợn đạt 1 triệu con và tổng đàn bò là 60.000 con.

- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, thực hiện liên kết “4 nhà”, tạo điều kiện phát triển sản xuất, tiêu thụ tốt sản phẩm hàng hoá cho nông thôn.

Một số giải pháp cụ thể:

- Tăng cường sự tập trung lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và nhân dân nhận thức rõ quan điểm đường lối phát triển nông lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.

Rà soát toàn bộ diện tích đất trên địa bàn, bổ sung qui hoạch từ huyện đến cơ sở nhằm bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, đê điều phù hợp với thâm canh và phòng chống lụt bão.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nhằm thực hiện tốt các nội dung của chương trình thông qua xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực từ cấp tỉnh, huyện đến hợp tác xã theo kế hoạch của Tỉnh.

Nâng cấp mở rộng các cơ sở chế biến sẵn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây, giống con, thuốc bảo vệ thực vật…

Tiếp tục xây dựng và bổ sung cơ chế chính sách mới nhằm khuyến khích phát triển sản xuất. Củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo luật. Có chính sách huy động vốn đầu tư: vốn trong dân, vốn vay, vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển của các tổ chức trong và ngoài nước.

 

    Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

 

  • Tags: