Tại buổi giao lưu, các sinh viên đã được nghe lãnh đạo Tổng cục giới thiệu về quá trình hình thành phát triển của lực lượng Quản lý thị trường, sau này là Tổng cục QLTT. Đồng thời các sinh viên còn được Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh giải đáp các thắc mắc liên quan đến chuyên ngành Quản lý thị trường.
Theo Tổng cục trưởng, từ khi thành lập lực lượng quản thị trường đến trước năm 2021, chưa có một trường lớp nào đào tạo riêng về chuyên ngành quản lý thị trường. Trước đó, các công chức quản lý thị trường thường tự học tập, tự trao đổi nghiệp vụ với nhau và tự trau dồi kinh nghiệm trong quá trình làm việc thực tế.
Do vậy, với quyết tâm nâng cao chất lượng cho cán bô QLTT trong tương lai, tháng 3/2021, Tổng cục phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế quốc dân ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành Quản lý thị trường với mục tiêu đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.
Việc ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý thị trường phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Điểm nhấn nổi bật trong việc thực hiện thỏa thuận hợp tác này là Chương trình đào tạo Quản lý thị trường theo hình thức chính quy - POHE đã được xây dựng, phê duyệt, và 26 sinh viên đầu tiên của Chương trình đào tạo cử nhân Quản lý thị trường đã trúng tuyển và nhập học vào tháng 9/2021.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, đào tạo đại học chuyên ngành quản lý thị trường là định hướng chiến lược, quan trọng của lực lượng quản lý thị trường giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030; là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng quản lý thị trường theo hướng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương, Giáo sư tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Phạm Đức Thân - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại kinh tế quốc tế cho biết, Chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực Quản lý thị trường thuộc ngành Kinh doanh thương mại (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) có sự khác biệt với các chương trình đào tạo truyền thống, bởi, đây là chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Song song với các kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên sẽ được thực tập, trau dồi các kiến thức thực tế tại Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục. Kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng trong các chương trình học cũng được thiết kế tương đương chương trình đào tạo chứng chỉ Kiểm soát viên thị trường của Bộ Công Thương. Đặc biệt, có sự tham gia giảng dạy và hướng dẫn của cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường cũng như các giảng viên dày dặn kinh nghiệm của Viện kinh tế quốc tế cũng như của Trường Đại học kinh tế Quốc dân.
Tại buổi gặp mặt, GSTS Phạm Đức Thân đề nghị Tổng cục quản lý thị trường tạo điều kiện để các sinh viên được thực tập tại Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc Tổng cục quản lý thị trường để các em có điều kiện cọ sát thực tế, được trang bị những kiến thức thực tiễn sâu sắc.
Trả lời câu hỏi của các em sinh viên về việc sinh viên khi kết thúc học phần có bắt buộc phải thực tập ở lực lượng Quản lý thị trường hay không? Hay là được thực tập ở các đơn vị bộ ngành khác. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh hứa sẽ tạo mọi điều kiện để các em sinh viên được tiếp cận thực tế với công việc của cán bộ quản lý thị trường. Ngoài ra, nếu các em muốn thực tập tại các bộ, ngành liên quan hoặc các doanh nghiệp, Tổng cục sẽ giới thiệu để các em đến thực tập.
Sau buổi gặp mặt tại văn phòng Tổng cục QLTT, các em sinh viên được tham quan phòng trưng bày Nhận diện sâm Ngọc Linh thật trên thị trường tại 62 Tràng Tiền. Tại đây, các em đã được cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn cách phân biệt sâm Ngọc Linh Kon Tum với sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác, đồng thời hướng dẫn cho các em biết thế nào là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ...
Chiều cùng ngày, thầy cô và các bạn sinh viên sẽ tiếp tục có buổi tham quan thực tế tại Cục QLTT Thành phố Hà Nội. Tại đây, sau khi giới thiệu về cơ cấu chức năng nhiệm vụ của đơn vị, các em sinh viên K63 đã được đại diện Cục chia sẻ để hiểu thêm về hoạt động nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường của một Đội QLTT, các công việc, nhiệm vụ của một kiểm soát viên thị trường sẽ phải đảm nhiệm trong thực thi công vụ được giao.