Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương từ 5 - 6%

Lương tối thiểu vùng là nội dung "nóng" được thảo luận trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra vừa qua.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, tổ chức Công đoàn đã tiến hành khảo sát 3.000 người lao động tại 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh.

Theo đó, 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% người lao động trả lời thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. 11,2% người lao động không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Đáng chú ý, 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Ngoài ra, có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.

tăng lương tối thiểu vùng
Người lao động mong muốn tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hằng ngày

Theo ông Lê Đình Quảng, khi lấy ý kiến của người lao động, họ muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận thấy giai đoạn này cũng rất cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song tiền lương cũng cần được điều chỉnh để bù đắp phần trượt giá, cải thiện đời sống.

“Chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, vì vậy mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5 - 6%”, ông Lê Đình Quảng phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn khi giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 đã tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. 

Trước tình hình đó, việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để đảm bảo đời sống của người lao động. Tuy nhiên, để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu, khả năng chi trả của doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng.

Để tiền lương thực sự là động lực thúc đẩy người lao động làm việc, góp phần phát triển doanh nghiệp đồng thời phải hài hòa với khả năng chi trả luôn là một bài toán không đơn giản.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ cần được tính toán kỹ lưỡng.

Theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Ngọc Châm