Tổng thống Joe Biden ký duyệt dự luật nâng trần nợ công, Hoa Kỳ thoát nguy cơ vỡ nợ phút chót

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa ký thông qua dự luật đình chỉ trần nợ công của Chính phủ Hoa Kỳ ở mức 31.400 tỷ USD cho đến ngày 1/1/2025. Dự luật được thông qua khi chỉ còn cách 1 ngày nữa là đến thời điểm Hoa Kỳ dự kiến phải lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố vỡ nợ.
Tổng thống Joe Biden ký nâng trần nợ công của Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký thông qua dự luật đình chỉ trần nợ công của Hoa Kỳ đến ngày 1/1/2023. (Ảnh: CNBC)

Với tên gọi chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, đạo luật này đình chỉ trần nợ công của Hoa Kỳ đến năm 2025, cho phép Chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp tục vay để chi trả các nghĩa vụ tài chính của mình đến ngày 1/1/2025 nhưng sẽ buộc nước này phải hạn chế chi tiêu trong thời gian tới nhằm giảm thâm hụt ngân sách liên bang, gồm giảm chi tiêu phi quốc phòng, tăng thêm điều kiện với các chương trình phúc lợi cho người nghèo, thu lại một số quỹ hỗ trợ COVID-19 chưa dùng hết. Đồng thời, đạo luật này sẽ tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng tại Hoa Kỳ.

Trước đó, đàm phán trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà đã bế tắc kéo dài do các quan điểm trái ngược nhau về việc giảm thâm hụt ngân sách liên bang. Điều này khiến các thị trường tài chính tại Hoa Kỳ biến động mạnh và lãi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tăng lên mức cao kỷ lục. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo việc Chính phủ Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, thậm chí đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một đợt suy thoái.

Bước đột phá chỉ đạt được vào ngày 27/5 khi ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy đạt được sự thoả hiệp. Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ cũng gấp rút thông qua dự luật nhằm kịp thời hạn ngày 5/6 - thời điểm Hoa Kỳ sẽ phải tuyên bố vỡ nợ nếu trần nợ công không được dỡ bỏ.

Trong đó, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ lệ 314 phiếu thuận trên 117 phiếu trống để thông qua thỏa thuận và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ lệ 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống.

Sau khi dự luật được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Việc đạt được thỏa thuận này rất quan trọng và đó là tin rất tốt cho người dân Hoa Kỳ. Không ai có mọi thứ họ muốn, nhưng người dân Hoa Kỳ đã có những gì họ cần".

Lần gần nhất Hoa Kỳ đối diện nguy cơ vỡ nợ là vào năm 2011, khi vị trí Tổng thống và Thượng viện cùng thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hoà kiểm soát. Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm và một đợt bán tháo cổ phiếu lớn diễn ra.

Hiện cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vẫn giữ nguyên xếp hạng "AAA" của Hoa Kỳ ở diện theo dõi tiêu cực, dù thỏa thuận về trần nợ công được phê chuẩn.

Fitch Ratings nhận định việc trần nợ công của Hoa Kỳ được đình chỉ và thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến sẽ ở mức thấp hơn trong hai năm tới là một diễn biến tích cực. Tuy nhiên, những bất đồng liên tục về vấn đề trần nợ công và việc đình chỉ trần nợ vào phút chót đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị các vấn đề tài khoá và nợ công của Chính phủ Hoa Kỳ.

Quỳnh Trang