Theo đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà đã thông báo trên mạng xã hội Twitter vào tối ngày 27/5 (tức sáng 28/5 theo giờ Hà Nội) rằng ông và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ đã đạt được “thoả thuận sơ bộ phù hợp với người dân Hoa Kỳ”.
Tổng thống Joe Biden cũng đã ra thông báo cho biết các nhà đàm phán đang hoàn thiện văn kiện và sẽ chuyển nó cho quốc hội. "Tôi kêu gọi lưỡng viện (Hạ viện và Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ) thông qua thỏa thuận ngay khi nhận được", ông nói.
Hãng tin Reuters cho biết ông Joe Biden và ông McCarthy đã điện đàm trong 90 phút để đi tới thỏa thuận sơ bộ. Nội dung chi tiết chưa được hoàn thiện nhưng thỏa thuận sẽ bao gồm nâng trần nợ công trong hai năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi quỹ hỗ trợ đại dịch Covid-19 chưa sử dụng, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình dành cho người nghèo tại Hoa Kỳ.
Bước đột phá đến sau thời gian dài bế tắc khi cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ đều kiên quyết giữ vững các điều kiện cuộc mình trong các cuộc đàm phán trước đây. Nếu không đạt được thoả thuận nâng trần nợ công, Hoa Kỳ sẽ chính thức phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 5/6 tới đây, theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Trao đổi với giới truyền thông, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy cho biết “Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận, dự kiến trong ngày 28/5. Hạ viện sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận vào 31/5".
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh thỏa thuận sơ bộ là "sự thỏa hiệp, đồng nghĩa không phải ai cũng đạt được điều họ muốn".
"Tuy nhiên, động thái này sẽ ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc, nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế và hàng triệu việc làm bị mất", ông Joe Biden cho biết.
Hồi tháng 1/2023, Hoa Kỳ đã chạm trần nợ công 31.400 tỷ USD do Quốc hội nước này thiết lập. Bộ Tài chính Hoa Kỳ sau đó phải áp dụng các "biện pháp đặc biệt" để tiếp tục cấp ngân sách cho hoạt động của chính phủ, trong thời gian chờ Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ nhất trí về nâng trần nợ công.
Tuy nhiên, đảng Cộng hoà cho biết chỉ đồng ý nâng trần nợ công khi Chính phủ của ông Joe Biden cắt giảm chi tiêu mạnh tay để làm chậm tốc độ tăng nợ công cũng như thay đổi một số nội dung của chương trình phúc lợi dành cho người có thu nhập thấp, làm giảm số người được bảo hiểm và nhận trợ cấp.
Nhưng đảng Dân chủ không đồng ý việc cắt giảm chi tiêu công, nhất là các khoản dành cho an sinh xã hội, vốn được coi là trụ cột trong chính sách điều hành của ông Joe Biden. Đồng thời, đảng Dân chủ đề xuất đánh thuế cao hơn vào các doanh nghiệp và tầng lớp thu nhập cao để gia tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tình trạng bế tắc kéo dài trong đàm phán giữa hai đảng đã khiến thị trường tài chính Hoa Kỳ biến động trong thời gian gần đây, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Hoa Kỳ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Mặc dù đã đạt được thoả thuận sơ bộ nhưng giới quan sát vẫn cảnh báo thoả thuận nâng trần nợ công có thể gặp trở ngại khi trình lên Quốc hội Hoa Kỳ. "Tôi nghe nói thỏa thuận sẽ tăng trần nợ thêm 4.000 tỷ USD. Nếu đó là sự thật thì không một người theo phe bảo thủ nào có thể bỏ phiếu thuận", nghị sĩ Bob Good thuộc đảng Cộng hoà nói.
Lần gần nhất Hoa Kỳ trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011, khi vị trí Tổng thống và nắm quyền kiểm soát đa số Thượng viện cũng thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc Hoa Kỳ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm và thị trường tài chính hứng chịu một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.