Cải tiến lương công chức: Cần giải pháp đột phá!

Lâu nay, tiền lương cán bộ công chức vốn mang nặng tính bình quân, “cào bằng”, thấp không đủ sống... nhưng tại sao nhiều người cứ “đua vào” các hệ thống công vụ? Bên cạnh đó, cũng không ít người có nă
Kể từ năm 1985 đến nay, chúng ta đã 3 lần cải cách tiền lương công chức nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu trong chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ. Tiền lương cho công chức hiện vẫn được đánh giá là còn quá nhiều bất cập, gây nên mâu thuẫn về tiền lương với giá trị lao động trên thị trường lao động.

Qua các lần cải cách hệ thống tiền lương, hiện kết quả lương trả cho các công chức được chia thành nhiều thang, bảng lương với nhiều ngạch, bậc. Hệ số lương tối thiểu - trung bình - tối đa đã được mở rộng hơn so với trước ( từ 1 - 1,78 - 8,5 lên 1 – 2,34 – 10), mức lương tối thiểu cũng đã được điều chỉnh lên gần hai lần và đến tháng 5/2011 sẽ là 830.000 đồng (năm 2010 là 730.000đ). Ngoài thu nhập trên thì họ còn được hưởng phụ cấp ngoài lương theo quy định về chế độ đối với cán bộ công chức (CBCC).

Với thang bảng lương rất phức tạp như bây giờ, nếu một công chức mới vào nghề được xếp ngạch chuyên viên hành chính bậc 1, hệ số lương 2,34 sẽ có mức lương khoảng 1.700.000 VND. Nếu 3 năm được nâng một bậc lương mà không có đột biến gì khác với mỗi lần tăng theo hệ số 0,3 thì sau 30 năm công tác lương công chức đó sẽ được tăng thêm khoảng 3 lần so với mức lương tối thiểu, tăng được gần 2.200.000 VND tức là được nhận mức lương là 3.900.000 VND. Với mức lương đó, không một cán bộ, công chức nào dám nói là đủ lo được mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế lại cho thấy lương chỉ chiếm khoảng 30% thu nhập trung bình của cán bộ công chức mà thôi. Số tiền còn lại sẽ bao gồm trợ cấp, thưởng, thu nhập bổ sung… Ngoài những công chức có thêm tiêu chuẩn nhà ở, cước điện thoại, xe phục vụ… thì hiện đang có 8 loại trợ cấp, cộng thêm với thưởng, hai loại này chiếm khoảng 10% thu nhập của cán bộ công chức. Tóm lại, để đủ trang trải cho gia đình thì thu nhập chủ yếu của cán bộ công chức không phải là từ lương và chính điều này đang gây ảnh hưởng xấu đến tư cách đạo đức công chức, là trở ngại lớn nhất cho công cuộc cải cách hành chính của nhà nước. Đó là một nghịch lý. Tiền lương khiêm tốn mà nhiều công chức đều sống đàng hoàng, lý do có thể là do thu nhập từ nguồn ngoài lương là rất lớn.

Một vấn đề nữa không phải là vấn đề tiền lương nhưng nó liên quan mật thiết đến lương, đó là vấn đề nhân sự. Hiện đội ngũ cán bộ công chức nói chung của chúng ta quá lớn và tổ chức rất cồng kềnh. Công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm cả những người làm trong các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và an ninh; người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước. Số người hưởng lương từ ngân sách, theo thống kê của Bộ Nội vụ lên đến gần 6,1 triệu người trong cả nước. Con số này bao gồm 1,6 triệu người có công; 1,4 triệu hưu trí; 1,6 triệu viên chức sự nghiệp; 300 ngàn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã; 370 ngàn công chức cơ quan Đảng và đoàn thể... Do đó, chỉ mới điều chỉnh nâng lương tối thiểu thôi thì ngân sách nhà nước cũng đã chi tốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng rồi. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, Quốc hội đã có nghị quyết chi ngân sách 27.000 tỷ đồng cho năm 2011 để điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng vào 1/5/2011 tới. Trong khi đó đối với công chức thì việc điều chỉnh này tuy là một tin vui nhưng trên thực tế cũng chẳng thấm tháp gì so với mặt bằng giá cả ngày càng “leo thang”.

Vậy có giải pháp nào để giải quyết cho vấn đề đã, đang tồn tại quá lâu và gây ra nhiều hệ quả xấu đến đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội này không? Câu hỏi này đã được đưa ra tại diễn đàn "Cải cách tiền lương 2011 - 2020" vừa mới diễn ra tại Hà Nội do Viện Các vấn đề phát triển và UNDP tổ chức. Rất nhiều ý kiến tham gia thảo luận, phản biện cũng các giải pháp được đưa ra. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất lương công chức phải đủ sống, đủ cho bản thân công chức và gia đình công chức; các bất cập của chế độ tiền lương hiện nay có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức, phẩm chất, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức...

Tuy nhiên, đang có nhiều đề xuất khác nhau về giải pháp, thậm chí đòi hỏi tư duy mới về cải cách tiền lương, nghĩa là phải chú ý tới nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và theo đó cần nhìn vấn đề theo quan điểm hệ thống thì nền công vụ gắn liền với mô hình tổ chức nhà nước và mô hình kinh tế trong từng giai đoạn. Vì vậy, quan điểm về xây dựng Nhà nước và phát triển kinh tế có quan hệ trực tiếp đến tư duy về nền công vụ, trong đó có vấn đề tiền lương và thu nhập của công chức. Tư duy mới về cải cách tiền lương và thu nhập của công chức phụ thuộc vào phân tích mối quan hệ trực tiếp ấy… Cũng có giải pháp đòi hỏi đột phá về cách tiếp cận tiền lương, chuyển từ cách tiếp cận tiền lương tối thiểu sang cách tiếp cận tiền lương trung bình, trả lương theo từng gói cho từng vị trí công vụ khác nhau trong hệ thống cùng với quá trình chuyển đổi từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống vị trí việc làm…

Một số đề xuất khả thi hơn, mà trước hết cần thống nhất mục tiêu: chính sách tiền lương khu vực hành chính nhà nước phải bảo đảm tiền lương là thu nhập chính (khoảng 75% - 80%) và mức sống của công chức có ngạch, bậc thấp nhất phải ở mức trên trung bình của xã hội để họ gắn bó với khu vực nhà nước và làm tròn trách nhiệm công vụ của mình, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng. Hiện nay, do đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được xác định quá rộng rãi, chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ công quyền của nhà nước cho nên không thể tăng ngân sách vô tội vạ để nâng lương, trong khi mức chi ngân sách cho tiền lương đã chiếm trên 30% chi ngân sách và 60% chi thường xuyên của ngân sách. Thực ra, việc cải cách tiền lương này đã được đưa vào chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, nó là một trong 9 mục tiêu cụ thể của chương trình mà chúng ta chưa hoàn thành vì tiền lương của cán bộ, công chức chưa trở thành động lực của nền công vụ và cũng chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình. Về lâu dài, chính sách tiền lương cần phải được xem xét nghiên cứu theo hướng đổi mới tư duy và có đề ra lộ trình cải cách cho phù hợp. Đó là xây dựng chính sách tiền lương khu vực này sao cho hợp lý trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường, đặc biệt đưa tiền lương về đúng nghĩa của nó.

Trước mắt nên tiến hành tách tiền lương khu vực hành chính nhà nước thành hệ thống tiền lương riêng có nguồn từ ngân sách nhà nước, gắn với vị trí, chức danh, công việc trong hệ thống hành chính nhà nước và hiệu quả công tác, đồng thời có chính sách thu hút và giữ nhân tài cho khu vực này. Tiếp tục thực hiện tiền tệ hoá những khoản chi công vụ có thể đưa vào lương (đất ở, nhà ở, phương tiện đi lại, xăng xe…) nhằm xoá bao cấp, tiết kiệm chi tiêu công dù có thể làm tăng thêm khoảng cách về tiền lương giữa quan chức với công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

Có thể, trước mắt, chưa thực hiện ngay cơ chế làm việc gì trả lương theo việc đó bởi trong thời gian qua chế độ bố trí, quản lý công chức, viên chức hoàn toàn theo chỉ tiêu biên chế mà ít chú ý tới công việc. Vì thế trên cơ sở chương trình cải cách hành chính của Chính phủ nên đưa ra mốc thời gian để từ đó mạnh dạn trả lương cao cho một bộ phận công chức đáp ứng tốt được yêu cầu công việc theo từng vị trí (kể cả cũ và mới tuyển dụng) mà nhất là đối với các nhân tài và từ mốc đó trở về sau loại bỏ chế độ chỉ tiêu định biên. Kể từ đó có lộ trình cụ thể để sắp xếp lại nhân sự và dần dần đưa về một cách trả lương thống nhất. Đây là cách làm nhằm tránh sự kéo dài lê thê, rất khó cho việc cải cách tiền lương vì động chạm lớn đến toàn hệ thống. Thiết nghĩ, đây cũng là một tư duy đột phá chính sách về tiền lương cho cán bộ công chức, thể hiện bằng việc Nhà nước có thể ban hành những cơ chế đặc thù và có thể thực hiện thí điểm cho riêng từng lĩnh vực. Tất nhiên, nên chú ý tới lĩnh vực nào có thể thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay./.