Còn nhiều gian nan

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm kết quả thực hiện Đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến

Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, đến nay đã có ba cơ sở được chứng nhận ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, bốn cơ sở đã được hướng dẫn và đang xem xét, thẩm định để đưa ra khỏi danh sách. Hiện nay, còn duy nhất Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chưa xây dựng xong trạm xử lý nước thải mà nguyên nhân là do có sự thay đổi về địa điểm đặt trạm và công nghệ xử lý.

Về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, trong năm 2009, đã có 267 cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố được tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện 256/267 cơ sở có hành vi vi phạm, 71/256 cơ sở bị phạt với tổng số tiền là hơn một tỷ đồng. Các cơ sở vi phạm còn lại sẽ tiếp tục bị xử lý. Việc xử lý các chất thải rắn như chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và công nghiệp nguy hại, chất thải rắn y tế cũng được thực hiện khá nghiêm túc. 

Về việc xử lý nước thải trong khu công nghiệp (KCN) tập trung. Hiện tại địa bàn Hà Nội có 17 KCN tập trung, trong đó có tám KCN đã chính thức đi vào hoạt động. Qua kiểm tra tại tám KCN này, đều phát hiện hành vi vi phạm môi trường, đặc biệt về xử lý nước thải công nghiệp. Tại 16 bệnh viện trung ương quản lý đóng trên địa bàn Hà Nội có đến năm bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Kế hoạch xử lý khẩn cấp một đoạn đầu nguồn sông Tô Lịch để phục vụ 1000 năm Thăng Long, hiện tại có ba đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm và các bên liên quan mới họp đánh giá để báo cáo trình UBND thành phố Hà Nội.

Hàng loạt phần việc giảm thiểu ô nhiễm không khí do bụi và khí thải giao thông đều có chuyển biến nhưng cũng chưa rõ nét. Trong khi đó, ở ngoại thành, rác thải nông thôn cũng trong tình trạng tương tự, một số huyện, xã đã có mô hình thu gom rác thải nhưng việc đổ rác bừa bãi và chôn lấp chưa hợp vệ sinh vẫn tồn tại.

Theo ông Phạm Văn Khánh, nguyên nhân chính của sự chậm trễ nêu trên do một số sở, ngành, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; một số chương trình, dự án thực hiện chậm. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thủ tục đầu tư quá phức tạp khiến cho tiến độ thực hiện các dự án chậm.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu, khẩn trương nạo vét toàn tuyến, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ để bảo đảm thoát nước đề phòng mưa lớn trong mùa bão lũ. Đồng thời Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết, xử lý dứt điểm, kiên quyết những trường hợp lấn chiếm, vi phạm về đất đai hai bờ sông Nhuệ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng xử phạt nặng các xe chở đất, cát không tuân thủ quy định gây bụi bẩn khắp phố phường, thậm chí là phạt lũy tiến với trường hợp cố tình tái phạm. Việc quy hoạch các điểm rửa xe vào nội thành cũng phải khẩn trương hiện thực hóa, tránh việc chỉ dừng lại ở ý tưởng.