I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu chung.

Quy hoạch hệ thống y tế vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao và đa dạng của người dân, phục vụ tốt việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Tập trung phát triển và ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao ngang tầm các nước trong khu vực cho nhân dân trong vùng và cả nước, kể cả người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Phát triển y tế dự phòng.

- Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và dập tắt các dịch bệnh, kể cả các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh. Kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, khống chế sự gia tăng của HIV/AIDS và ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh lao.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm; mọi người có chế độ dinh dưỡng hợp lý và có lợi cho sức khoẻ.

- Triển khai thực hiện rộng rãi các hoạt động nâng cao sức khoẻ tại các tỉnh trong vùng, xây dựng các cộng đồng an toàn, thực hiện lối sống lành mạnh.

- Cải thiện môi trường sống, tăng cường giám sát môi trường lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

b) Tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, phát triển phục hồi chức năng.

- Sắp xếp lại hệ thống khám chữa bệnh một cách hợp lý; bảo đảm tính hệ thống và liên tục trong hoạt động chuyên môn của các tuyến điều trị, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ khám, chữa bệnh ở các tuyến.

- Phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp tục hoàn thiện các trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng và phát triển các bệnh viện đa khoa vùng và bệnh viện đa khoa chất lượng cao để giảm tải cho các bệnh viện thuộc các trung tâm y tế chuyên sâu.

- Phát triển cân đối và hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền giữa khám chữa bệnh và phục hồi chức năng.

- Khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển nhanh các bệnh viện ngoài công lập để giảm tải cho các cơ sở y tế công lập; đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

- Xây dựng, phát triển và hiện đại hoá mạng lưới vận chuyển cấp cứu tại các tỉnh, thành phố trong vùng để người bệnh có thể được cứu chữa kịp thời và thuận tiện.

c. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

- Sắp xếp lại mạng lưới các phòng khám đa khoa khu vực, giảm dần số lượng tại vùng đồng bằng và chỉ duy trì ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Tiếp tục củng cố và phát triển các trạm y tế xã, phường về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cán bộ y tế phù hợp nông thôn và thành phố. Đến năm 2010 có 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, tất cả các thôn, tổ dân phố đều có nhân viên y tế thôn hoặc công tác viên y tế.

- Xây dựng và phát triển các mô hình bác sỹ gia đình và chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

II. Định hướng

- Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế.

- Tăng cường xã hội hoá các hoạt động y tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; huy động mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội để phát triển hệ thống y tế trong vùng.

- Đẩy mạnh đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, đồng thời củng cố mạng lưới y tế cơ sở; phát triển các cơ sở y tế theo cụm dân cư. Kết hợp hài hoà giữa phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ với chữa bệnh và phục hồi chức năng; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.

- Quy hoạch phát triển hệ thống y tế vùng Đồng bằng sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

III. Các giải pháp         

Để thực hiện được những mục tiêu và các nội dung trong quy hoạch phát triển hệ thống y tế vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020, cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp và cơ chế chính sách sau đây.

1. Tài chính    

- Tăng đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới y tế vùng kinh tế trọng điểm từ ngân sách nhà nước thông qua vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương, các đề án xây dựng và nâng cấp cơ sở y tế các tuyến từ ngân sách trung ương, vay vốn ODA từ các tổ chức quốc tế và các nước. Bố trí ngân sách đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải kéo dài. Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng, nhi khoa, phát triển khoa học kỹ thuật cho các cơ sở trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm y tế vùng.

- Có cơ chế ưu đãi riêng về lãi suất vốn vay cũng như ưu đãi về thuế cho các cơ sở y tế trong vùng khi huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng và hiện đại hoá trang thiết bị y tế, đặc biệt để hoàn thiện nhanh các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội. Ban hành quy định về việc hợp tác, liên kết, huy động vốn để đầu tư phát triển và hoàn trả theo thoả thuận; bảo đảm lợi ích chính đáng về vật chất, tinh thần và quyền sở hữu đối với phần vốn góp và lợi tức của các cá nhân và doanh nghiệp.

- Thực hiện thí điểm cổ phần hoá một số bệnh viện trong vùng để thu hút các nguồn vốn đầu tư cho y tế; đồng thời phải có cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi của người bệnh, các cổ đông cũng như cán bộ công chức trong những bệnh viện này.

- Nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư phát triển công nghiệp dược và trang thiết bị trong nước. Kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển sản xuất nguyên liệu hoá dược, kháng sinh và trang thiết bị y tế hiện đại với các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế.

2. Phát triển nhân lực y tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

- Các cơ sở y tế trong vùng xây dựng kế hoạch dài hạn và bố trí kinh phí để tăng cường đào tạo cán bộ y tế sau đại học trong nước, kể cả ở nước ngoài. Tạo điều kiện làm việc và có chế độ đãi ngộ thích hợp cho những cán bộ y tế có trình độ cao để tránh tình trạng thuyên chuyển đi nơi khác sau khi được đào tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong y tế, nhằm nâng cao trình độ cán bộ y tế trong vùng, đặc biệt tại các cơ sở y tế thuộc trung tâm y tế chuyên sâu.

- Thực hiện việc hợp đồng đào tạo nhân lực y tế trình độ cao, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như chuyển giao và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật y tế hiện đại cho các cơ sở y tế ngoài công lập. Nghiên cứu và bổ sung luật pháp để bảo vệ sinh mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của người bệnh và của cán bộ y tế trong lúc làm nhiệm vụ; thực hiện bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ y tế khu vực công lập cũng như ngoài công lập.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác đa phương và song phương với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là với các tổ chức ngân hàng quốc tế và các chính phủ đã và đang có chính sách hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam. Khuyến khích viện trợ cho xây dựng chính sách phát triển ngành và cho nghiên cứu khoa học. Hoàn chỉnh cơ chế sử dụng viện trợ có hiệu quả.

- Xây dựng các đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm để kêu gọi đầu tư, phát triển trung tâm y tế chuyên sâu, y tế vùng, y tế tỉnh và huyện cho từng lĩnh vực của ngành, trong từng giai đoạn quy hoạch. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế tại các nước phát triển, nhằm tiếp thu các thành quả tiến bộ khoa học trên thế giới và khu vực.

- Khuyến khích các tổ chức viện trợ không hoàn lại cho nhu cầu khám, chữa bệnh người nghèo, trẻ em, người tàn tật và phòng chống một số loại bệnh, dịch nguy hiểm như lao, sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh, dịch mới xuất hiện…

- Mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực của ngành. Tăng cường đầu tư dây chuyền công nghệ và chuyển giao công nghệ hiện đại cho các lĩnh vực sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế.

4. Đổi mới cơ chế và tăng cường công tác quản lý

- Chuyển cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ; Nhà nước không bao cấp cho các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, mà bao cấp trực tiếp cho những người sử dụng dịch vụ y tế. Thí điểm thực hiện cổ phần hoá một số bệnh viện trong vùng. Khuyến khích các cơ sở y tế công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước.

- Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 43 /2006/NĐ-CP ngày 25 /4/2006 của Chính phủ, Quy định tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Hoàn thiện việc phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động, trách nhiệm của các địa phương và các cơ sở y tế. Gắn quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, tập thể và cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính, các cơ sở y tế; gắn phân cấp nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tài chính, tổ chức và nhân sự theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở y tế. Tăng cường chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập thực hiện các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật y tế như ăn uống, vệ sinh trong các cơ sở y tế công lập để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Nguồn: Quy hoạch hệ thống y tế Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn nhìn đến 2020.              

  • Tags: