Trong một báo cáo mới đây của Ủy ban châu Âu cho thấy, EU là thị trường đồ gỗ và nội ngoại thất lớn nhất thế giới. Tổng tiêu thụ nhóm hàng này của cả 27 nước thuộc khối EU năm 2008 trị giá khoảng trên 80 tỷ Euro, trung bình đạt 161 Euro/ người, trong đó các nước Áo, Luxembourg và các nước Bắc Âu chi tiền nhiều nhất cho đồ gỗ và nội thất. Năm 2007 tiêu thụ đồ gỗ và nội thất của EU tăng mạnh, nhưng đến năm 2008 đã giảm và năm 2009 tiếp tục giảm xuống do khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2010, khủng hoảng nợ tài chính ở Hy Lạp tiếp tục ảnh hưởng làm suy giảm thị trường xây dựng nhà ở và giảm tiêu thụ đồ nội thất. Tuy nhiên, tiêu thụ tăng lên tại các nước thành viên mới của EU, nhất là các nước Đông Âu, đã bù đắp suy giảm tại các nước khác giúp EU giữ được mức tiêu thụ như năm 2009.

Các mặt hàng đồ gỗ và nội – ngoại thất tiêu thụ ở châu Âu bao gồm các sản phẩm ghế có bọc đệm hoặc không bọc, đồ gỗ nội thất trong phòng ăn và phòng khách, nội thất phòng bếp, nội thất trong phòng ngủ, phòng làm việc, trong vườn… được làm từ gỗ, sắt thép và các kim loại khác, nhựa và vật liệu tổng hợp, kính, mây, liễu, tre, các vật liệu khác và các vật liệu kết hợp.

Trong số các mặt hàng nội thất, đồ gỗ lắp đặt trong phòng bếp (tủ bếp) được bán mạnh hơn, do nhà bếp ngày càng trở thành trung tâm của căn nhà và xu hướng người dân thay đổi nhà ở nhiều hơn. Tương tự như vậy đối với bàn, ghế văn phòng làm việc tại nhà và các kệ, tủ bày thiết bị âm thanh, tivi và thiết bị giải trí cũng có doanh số bán hàng tăng đáng kể.

Thời gian tới thị trường đồ gỗ và nội thất EU chịu tác động bởi xu thế:
- Các thành viên gia đình ngày càng dành thời gian nhiều hơn để ở nhà nghỉ ngơi và sinh hoạt.

- Việc cải tạo thay đổi không gian sử dụng trong nhà cũng được làm thường xuyên hơn.
- Sự phát triển của các thiết bị công nghệ cao trong sinh hoạt gia đình.
- Mốt nội thất thời trang thay đổi nhiều hơn, thời gian sử dụng ngắn hơn. Các sản phẩm nội thất theo phong cách hiện đại, cách điệu cũng được nhiều gia đình trẻ ưa thích.
- Xu hướng kết hợp sử dụng đồ nội thất đa chức năng, như bàn, ghế làm việc và học tập ở nhà, đồ gỗ trong phòng trẻ em, đồ gỗ dành cho các căn nhà có diện tích nhà nhỏ.
- Nhu cầu tăng lên đối với đồ gỗ và nội thất nhỏ, tiện dụng trong các căn nhà cỡ nhỏ dành cho người độc thân hay thanh niên.
- Những thay đổi về sở thích tiêu dùng, thay đổi cơ cấu dân cư, xu hướng xây dựng nhà ở với các căn hộ cỡ nhỏ… cũng làm cho nhu cầu tiêu dùng luôn luôn thay đổi.
- Xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm làm từ gỗ cứng thay cho gỗ công nghiệp, ngoài ra các nhà nhập khẩu cũng tìm kiếm các mặt hàng làm từ mây, tre đan và các sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc các sản phẩm nội thất kết hợp gỗ, tre với nhôm, thép, nhựa.

Sản xuất đồ gỗ và nội thất tại châu Âu

Năm 2008, gần 100.000 cơ sở sản xuất tại 27 nước EU đã làm ra các sản phẩm nội thất đạt trị giá gần 74 tỷ Euro, trong đó 75% là đồ gỗ nội thất. Giai đoạn 2004 – 2008 tốc độ tăng trưởng sản xuất trung bình 0,9%/năm, nhưng tại hầu hết các nước EU sản xuất suy giảm trong năm 2008 và 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tại châu Âu, sản xuất đồ gỗ và nội thất vẫn chiếm 37% sản lượng của thế giới. Tuy nhiên, ngày nay việc sản xuất đồ gỗ và nội thất tại EU đang được chuyển sang làm tại các nước thành viên Đông Âu của EU và các nước đang phát triển khác, nhất là ở châu Á, do giá nhân công và nguồn nguyên liệu rẻ hơn, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường thấp hơn. Số việc làm trong ngành công nghiệp này liên tục giảm do nhiều thiết bị, công nghệ chế biến gỗ mới được ứng dụng. Đồ gỗ nhà bếp và ghế bọc đệm là các nhóm mặt hàng được sản xuất nhiều nhất tại EU. Về tổng thể, các nước có ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ và nội thất lớn nhất EU là Italia và Đức. Hiện Ba Lan cũng đang nổi lên là nhà sản xuất lớn.

Sản xuất đồ gỗ và nội thất của EU hiện phát triển theo hướng:
- Ứng dụng nhiều công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong chuỗi cung cấp hàng hóa.
- Phát triển ra các thị trường bên ngoài EU.
- Hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Sử dụng hệ thống cung cấp theo chuỗi cung ứng dọc, từ trên xuống.
- Tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, công nghệ.
- Tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm và đưa ra nước ngoài để sản xuất đại trà.

Cơ hội xuất nhập khẩu cho các nước đang phát triển.
Giai đoạn 2004 – 2008 xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của EU tăng 1,4% hàng năm về trị giá, đạt 32,7 – 34,5 tỷ Euro và tăng 0,9%, về khối lượng đạt 10 – 10,5 triệu tấn, chủ yếu do bổ sung thêm kim ngạch từ các nước thành viên mới là Ba Lan, Hy Lạp, Tiệp Khắc và Lithuania. Italia là nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 22% tổng xuất khẩu của EU. Tuy nhiên, khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu là trong nội khối, trong đó 18% là xuất khẩu sang Đức. Nước xuất khẩu nhiều nhất trong nội khối EU cũng chính là Đức (14%), sau đó là Italia và Ba Lan. Đối với ngoài khối EU, thì Mỹ, Thụy Sỹ và Nga là các thị trường nhập khẩu lớn nhất đồ gỗ nội thất của EU.

EU cũng là thị trường khu vực nhập khẩu đồ gỗ và nội thất lớn thứ hai thế, giới, sau khối NAFTA (gồm Mỹ, Canada, Mehicô). Tuy nhiên, nếu tính cả nhập khẩu giữa các nước trong nội khối thì EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với khối lượng tới 11,4 triệu tấn, trị giá 32,4 tỷ Euro (số liệu 2009). Đức là nước nhập khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất EU, chiếm 21% tổng trị giá nhập khẩu của EU (19% về khối lượng).

Phụ kiện đồ gỗ và nội thất là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất năm 2009 đạt trên 11 tỷ Euro, sau đó là đến nhóm các loại ghế bọc đệm đạt 5,4 tỷ Euro. Nhóm các loại đồ nội thất khác đạt trị giá 4 tỷ Euro (trong đó gồm nhiều đồ bằng kim loại và nhựa). Tổng nhập khẩu của ba nhóm này chiếm 2/3 tổng kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ và nội thất của EU.

Năm 2009, EU nhập khẩu từ các nước đang phát triển đạt 3,4 triệu tấn đồ gỗ và nội thất, trị giá 8,5 tỷ Euro. Giai đoạn 2004 – 2008, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng từ 21% lên 26% về trị giá và từ 24% lên 30% về khối lượng. 60% các mặt hàng làm từ mây, tre và 50% số ghế không bọc đệm là nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Trung Quốc hiện là nước đang phát triển xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất vào EU, năm 2009 đạt 4,5 tỷ Euro (chiếm 14% tổng trị giá nhập khẩu của EU và 55% tổng nhập khẩu từ các nước đang phát triển).

Hầu hết các mặt hàng đồ gỗ và nội thất đều do các nhà nhập khẩu/ bán buôn phân phối đến các cửa hàng bán lẻ, hoặc được các hãng bán lẻ lớn mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Năm 2009, cả EU có khoảng 125.000 cửa hàng bán lẻ đồ gỗ và nội thất với khoảng 450.000 nhân viên bán hàng.

Hệ thống cửa hàng bán lẻ đồ gỗ và nội thất tại EU được phân theo nhiều loại cửa hàng, từ cửa hàng chuyên bán một loại sản phẩm cho đến các cửa hàng lớn bán đủ các loại đồ nội thất và phụ kiện. Do có số lượng đông đảo, nên các cửa hiệu bán lẻ chuyên mặt hàng có doanh số bán hàng chiếm tới 80% tổng doanh thu toàn EU. Tại Italia, Tây Ban Nha và các nước thành viên mới hầu hết là các cửa hàng nhỏ, trong khi tại Pháp, Đức, Anh và Hà Lan hầu hết là các cửa hàng nhượng quyền và chuỗi cửa hàng lớn.

Ngày nay, các siêu thị và đại siêu thị đang có nhiều ưu thế trong việc tiêu thụ đồ gỗ và nội thất. Ngoài ra, bán hàng qua interrnet cũng ngày càng phổ biến và tác động nhiều đến quyết định mua của khách hàng.

Tuy nhiên, hiện nay EU cũng đưa ra nhiều quy định khắt khe đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU. Theo quy định của luật FLEGT do EU ban hành, mọi sản phẩm bằng gỗ, hoặc có một phần cấu thành từ gỗ, dù là rất nhỏ, cũng sẽ bị kiểm soát và khai báo chi tiết đối nguồn gốc và xuất xứ của từng loại thực vật sử dụng trong thành phần sản phẩm để truy nguyên nguồn gốc gỗ nguyên liệu, nhằm ngăn chặn việc chặt phá rừng trái phép.

  • Tags: