Trách nhiệm công vụ và câu chuyện từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan

Việc “thay mặt doanh nghiệp”quảng bá sản phẩm thanh long xuất khẩu của Việt Nam của thương vụ Việt Nam tại Pakistan là câu chuyện điển hình cho phong cách, tác phong, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ngành Công Thương mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu trong Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP.
Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tại TP. Hồ Chí Minh

Dự liệu trước diễn biến không thuận lợi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm, như Mỹ giảm 21,6%, EU giảm 10,8%, Hàn Quốc giảm 69,6%, Trung Quốc giảm 13,1%...

Nguyên nhân chính xuất phát từ kinh tế toàn cầu suy giảm, đơn hàng xuất khẩu nước ta bắt đầu thiếu hụt từ tháng 10 năm trước. Mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 3% vào năm 2023 và duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tiếp theo.

Theo dữ liệu của Reuters, dự báo kể trên là mức tăng trưởng trung hạn thấp nhất hơn 30 năm qua, kể từ năm 1990, và dưới mức trung bình 3,8% từng được ghi nhận trong hai thập niên từ 2000 đến 2020 vừa qua. Bắt đầu từ năm 2022, tăng trưởng toàn cầu lao dốc mạnh mẽ với mức giảm gần một nửa, từ mức 6,1% của năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, giảm tiếp xuống dưới 3% vào năm nay.

Kinh tế trong nước hiện đang chịu áp lực rất lớn khi tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Nhất là các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Dự liệu trước diễn biến không thuận lợi trên thị trường thế giới, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó đặc biệt đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ngành Công Thương. Đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính Phủ. Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội ngành hàng đã bày tỏ sự nhất trí cao với các quan điểm, mục tiêu cùng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Tiếp đó là hàng loạt các hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như Hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương về thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023; Hội nghị Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp…

Các hội nghị nói trên đã thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, các hiệp hội, hội ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp lớn trong các ngành hàng. Qua đó, tập hợp hàng trăm ý kiến hiến kế gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Các ý kiến hiến kế đã góp phần giúp Bộ Công Thương kịp thời ra những quyết sách, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thuộc Bộ. Bên cạnh đó, có những đề xuất cụ thể với các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế và các nước có nhu cầu. Đề nghị NHNN khẩn trương có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh (nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm); ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu; nghiên cứu để có các chính sách về khoanh, giãn, hoãn và giảm nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn cứu cả thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.

“Thay mặt doanh nghiệp” quảng bá sản phẩm

Tại các hội nghị từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhấn mạnh đến trách nhiệm công vụ của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, phải có nhiều hình thức, biện pháp cụ thể hơn nữa trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Trên thực tế, hoạt động của hệ thống thương vụ kể từ khi có quyết định giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, bắt đầu từ tháng 7/2022 sôi nổi hơn rất nhiều. Thương vụ không chỉ cập nhật tình hình thị trường nước ngoài; thông tin những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hay khuyến nghị các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà trong những trường hợp cụ thể, còn sẵn sàng thay doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm Việt Nam. Chúng ta đều biết từ năm 2021 sản phẩm thanh long Bình Thuận đã được bày bán tại các siêu thị Pakistan nhưng do phải nhập số lượng nhỏ từ Dubai qua đường hàng không nên giá bán lẻ quá cao so với giá xuất khẩu của Việt Nam (8 USD/kg so với 1,2 USD/kg). Vì vậy có thể thấy thanh long Bình Thuận cũng chưa thành công tại thị trường này.

Tại Hội chợ Quốc tế “My Karachi-Oasis of Harmony” 2023 vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia với nhiều sản phẩm đặc sắc, nhưng không có sản phẩm thanh long. Để không bỏ lỡ cơ hội, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã tự đứng ra “thay mặt doanh nghiệp” tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm thanh long xuất khẩu của Việt Nam.

Theo thương vụ Việt Nam tại Pakistan, để có nguyên liệu tổ chức hoạt động quảng bá, Thương vụ phải đặt mua thanh long ruột đỏ từ Việt Nam và thanh long ruột trắng nhập khẩu từ Dubai. Một thiếu nữ Việt kiều duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam được huy động để tiếp khách và giới thiệu quảng bá sản phẩm thanh long.

Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc hội chợ, gian hàng Việt Nam đã nổi bật với giỏ thanh long đỏ tươi được trưng bầy bắt mắt. Và chỉ sau một thời gian ngắn sản phẩm thanh long Việt Nam đã nổi tiếng toàn hội chợ. Khách tham quan nườm nượp kéo đến. Ban tổ chức hội chợ đã phải đến gian hàng Việt Nam đăng ký đón các đoàn lãnh đạo cao cấp và đoàn ngoại giao. Sản phẩm thanh long Việt Nam không chỉ chiếm được cảm tình của hầu hết khách tham quan mà còn trở thành sự kiện nổi bật nhất của Hội chợ Quốc tế “My Karachi-Oasis of Harmony” 2023, góp phần nâng cao uy tín của hội chợ đối với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền sở tại.

Câu chuyện của thương vụ Việt Nam tại Pakistan không phải là trường hợp hy hữu. Thương vụ Việt Nam từ nhiều thị trường cũng có những cách thức khác nhau, hoặc làm trực tiếp, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam tiến thêm những bước quan trọng trên con đường thâm nhập vào thị trường phụ trách. Nhưng việc “thay mặt doanh nghiệp”quảng bá sản phẩm thanh long xuất khẩu của Việt Nam của thương vụ Việt Nam tại Pakistan là câu chuyện điển hình cho phong cách, tác phong, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ngành Công Thương mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu trong Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP: “Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

Những tín hiệu tích cực

Trong 4 tháng đầu năm, tuy kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4 năm 2023 (từ16/4 đến 30/4) đạt 14,55 tỷ USD, tăng 9,9% (tăng 1,3 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 4/2023 (từ 01/4 đến 15/4).

Đáng lưu ý là, trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 4/2023 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 4/2023 đều nằm ở một số nhóm hàng chế biến chế tạo: sắt thép các loại tăng 123,2%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng tăng 12,1%; hàng dệt may tăng 15,6%; giày dép tăng 6,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11,7%; điện thoại và linh kiện tăng 2,6%... Hơn nữa, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 88,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguyễn Văn