Tăng trưởng nhu cầu điện dự báo ở mức khiêm tốn
Theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành Điện mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2023 theo kịch bản thận trọng dự báo sẽ đạt mức 6%, tương đương với mức dự báo của Bộ Công Thương cho kế hoạch cung cấp điện 2023.
Tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện được dự báo ở mức khá khiêm tốn do ảnh hưởng bởi nhu cầu sử dụng điện của nhóm Công nghiệp - Xây dựng, đặc biệt là trong sản xuất xi măng, sắt thép sẽ bị hạn chế trong năm nay khi nhu cầu thấp tại thị trường bất động sản nhà ở dự kiến sẽ kéo dài cho đến hết năm nay, kéo theo sự suy yếu về nhu cầu vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc hoạt động đầu tư công trong năm nay dự kiến sẽ được giải ngân mạnh mẽ hơn so với năm ngoái được kỳ vọng sẽ bù đắp lại phần nào sự sụt giảm nhu cầu sử dụng điện của nhóm ngành này.
Mặt khác, nhiệt độ mùa hè năm nay có thể sẽ ở mức cao khi pha El Nino dự kiến trở lại từ tháng 5/2023, cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ đang dần phục hồi về mức trước dịch COVID-19 sẽ hỗ trợ nhu cầu điện đột biến của nhóm ngành Tiêu dùng dân cư - Dịch vụ. Theo đó, phần nào hỗ trợ bù đắp mức tiêu thấp nhóm Công nghiệp - Xây dựng.
Nhiệt điện hưởng lợi với sản lượng huy động tích cực hơn
Về phát triển công suất nguồn 2023, Chứng khoán VNDIRECT nhận định nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng tỉ trọng lên 34% nhờ sự bổ sung của 2.632MW đi vào vận hành, theo sau là thủy điện, chiếm 29% tổng công suất với 1.636MW nguồn bổ sung. Công suất suất các nguồn điện khác không thay đổi nhiều và chỉ có năng lượng tái tạo ghi nhận các dự án chuyển tiếp nhưng chưa rõ thời gian đi vào vận hành.
Về huy động sản lượng, dự báo sản lượng thủy điện giảm mạnh trong 2023 do điều kiện thời tiết không thuận lợi và phục hồi từ 2024. Nhiệt điện than sẽ tiếp tục ghi nhận tỉ trọng huy động thấp, chủ yếu do các nhà máy điện than trộn và nhập khẩu được huy động ít hơn. Nhiệt điện khí có thể sẽ ghi nhận tình trạng huy động tích cực hơn với 12% tổng tỷ trọng nhờ thủy điện thoái trào và giá khí đầu vào hạ nhiệt. Sản lượng điện năng lượng tái tạo dự kiến tăng nhờ 2.000MW dự án chuyển tiếp bổ sung. Cụ thể:
Đối với nhiệt điện khí, giá khí ghi nhận xu hướng giảm, neo theo đà giảm của giá dầu Singapore FO. Hiện tại, giá dầu FO đã giảm từ mức đỉnh 2022 - khoảng gần 700 USD/tấn xuống dưới 400USD/tấn trong tháng 3/2023. Mặc dù đây vẫn là mức giá cao hơn nhiều so với trung bình 5 năm gần đây, Chứng khoán VNDIRECT đánh giá đây là tín hiệu tích cực, hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn điện khí trong bối cảnh giá than nhập đang neo rất cao.
Theo đó, khoảng cách giá điện khí và điện than đang được thu hẹp dần do giá than hiện tại đang neo cao hơn nhiều so với quá khứ. Trong giai đoạn 2023-24, Chứng khoán VNDIRECT dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở khoảng 85- 80 USD/thùng, hỗ trợ giá khí giảm. Giá bán điện khí đang có tính cạnh tranh hơn và rẻ hơn nhiều so với các nhà máy điện than nhập khẩu. Đồng thời, điện khí vẫn đóng vai trò quan trọng, là nguồn điện chạy nền đảm bảo tính đầy đủ của hệ thống cũng như hưởng lợi từ giá trung bình trên thị trường điện cạnh tranh (giá CGM) neo cao.
Chứng khoán VNDIRECT ước tính sản lượng điện khí trong năm nay sẽ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; trong giai đoạn 2023/2024 sẽ tăng 9%. Do đó, các doanh nghiệp điện khí như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty Cổ phần (PGV) sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong 2 tháng đầu năm nay, một số nhà máy điện khí vẫn ghi nhận sản lượng huy động khả quan như Nhơn Trạch 2, Cà Mau 1&2 nhưng nhìn chung tổng sản lượng cả ngành điện khí vẫn giảm nhẹ do nhu cầu điện yếu đặc biệt tại các khu công nghiệp phía Nam.
Đối với nhiệt điện than, Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng sản lượng điện than sẽ dần cải thiện trong năm nay, tăng 8 – 12% so với mức huy động thấp năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng của nguồn điện này sẽ có sự khác biệt tùy theo khu vực và loại than đầu vào. Dự kiến giá than thế giới sẽ vẫn neo cao do nhu cầu lớn khi Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế, trong khi về phía cung, Australia đã thông qua những đạo luật mới nhằm hạn chế phát thải, yếu cầu các mỏ than cắt giảm sản lượng, gây áp lực lên năng lực xuất khẩu của nước này. Australia hiện là một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đặc biệt là cho khu vực châu Á.
Các nhà máy nhiệt điện than mới sử dụng hoàn toàn than nhập như Sông Hậu 1, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2 cũng như các nhà máy sắp đi vào hoạt động như Thái Bình 2 và Vân Phong 2 sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động điện do mức giá cao hơn nhiều các nhà máy khác.
Ở chiều ngược lại, các nhà máy nhiệt điện sử dụng chủ yếu than nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn như Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Cụ thể, miền Bắc ghi nhận mức tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước do tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn và đang phát triển rất nhanh.
Ngoài ra, Trung tâm Khí hậu Thủy văn Quốc gia cũng dự báo về một mùa hè nắng nóng hơn với nhiệt độ tăng khoảng 0,5°C so với trung bình nhiều năm, kéo nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc tăng đột biến trong mùa hè. Bên cạnh đó, mặt bằng giá than trong nước ổn định là lợi thế lớn cho các nhà máy nhiệt điện than nội địa trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao. Hơn nữa, các nhà máy than miền Bắc thường ghi nhận chi phí vận chuyển thấp hơn với nguồn đầu vào được đảm bảo do vị trí gần mỏ than.
Trong hai tháng đầu năm nay, sản lượng điện than giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục nối dài tình trạng huy động sản lượng thấp hơn tiềm năng từ 2022. Giá than nhập khẩu tăng phi mã là nguyên nhân chính, bên cạnh nhu cầu điện Việt Nam tăng trưởng chậm lại từ nửa cuối 2022, trong khi thủy điện – nguồn điện giá rẻ nhất đang trong pha thời tiết thuận lợi. Cụ thể, giá than hợp đồng tương lai Newcastle – mức giá tiêu chuẩn cho thị trường than châu Á đã tăng lên gần 450 USD/tấn trong quý 4/2022, và tiếp tục neo cao đến đầu năm 2023, trước khi giảm xuất mức thấp nhất 14 tháng khoảng 173 USD/tấn kể từ giữa tháng 3/2023.
Thủy điện chính thức kết thúc pha thời tiết thuận lợi từ tháng 3
Pha La Nina đã kéo dài hơn dự kiến từ giữa 2020 đến đầu 2023 (khoảng 28 tháng), do đó, ít có khả năng pha La Nina tiếp tục duy trì trong 2023. Theo Viện nghiên cứu quốc tế (IRI), dự báo hiện tượng thời tiết Dao động Nam (ENSO) đã chính thức chuyển sang pha trung tính từ tháng 3/2023 với xác suất xảy ra cao đạt 97%.
Đáng chú ý, IRI dự báo khả năng sảy ra pha El Nino sẽ cao hơn từ tháng 5/2023. Pha El Nino sẽ gây ra thời tiết nóng hơn với những đợt hạn hán kéo dài hơn dự kiến. Do đó, Chứng khoán VNDIRECT dự báo sản lượng thuỷ điện trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ giảm 13 - 17% so với mức nền cao 2022.
Trong quý 1/2023, sản lượng điện toàn quốc giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 61,83 tỷ kWh do nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam giảm 2,2% so với cùng kỳ, trong đó, nhiều nhóm ngành thâm dụng điện như thép giảm 2,4% và xi măng giảm 9,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh hoạt động xây dựng giảm sút khi thị trường bất động sản nhà ở đóng băng cũng như những chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công. Do đó, nhu cầu điện thấp ảnh hưởng lên mức giảm sản lượng của hầu hết các nguồn điện.
Về cơ cấu huy động nguồn, thủy điện ghi nhận mức sản lượng giảm nhẹ và chiếm tỉ trọng tương đương cùng kỳ năm ngoái, 25% tổng sản lượng. Thông thường giai đoạn quý 1 là thời gian các nhà máy thủy điện mục tiêu tích nước để phục vụ cho mùa khô và các đợt nắng nóng. Điện than ghi nhận sự cải thiện từ mức thấp trong nửa cuối 2022, chiếm 45% tổng sản lượng điện, chủ yếu nhờ giá than nhập hạ nhiệt từ tháng 2/2023. Tỉ trọng sản lượng điện khí ổn định, chiếm 12% tổng sản lượng điện phát.
Trong khi đó, điện mặt trời ghi nhận mức cắt giảm công suất mạnh trong bối cảnh nhu cầu điện yếu tại miền Nam trong khi công suất nguồn đang dư thừa. Ngược lại, điện gió đóng góp mức sản lượng tích cực nhờ mùa gió tốt, hỗ trợ tỉ trọng nhóm điện năng lượng tái tạo tăng đáng kể, đạt 17% tổng sản lượng.
Trong hai tháng đầu năm nay, giá điện toàn phần (FMP) trên thị trường điện cạnh tranh (CGM) tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.685đ/kWh do tỉ lệ huy động các nguồn nhiệt điện giá cao tăng. Theo Kế hoạch vận hành thị trường điện năm 2023 của Bộ Công Thương, mức trần của giá điện năng thị trường điện (SMP cap) áp dụng trong thị trường điện năm này là 1778,6 đồng/kWh; qua đó, hỗ trợ nhóm nhiệt điện.