Trả lời trước các phóng viên tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Guo Shuqing, Bí thư đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết “Chúng tôi (Trung Quốc) thực sự lo ngại rằng bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài đến một ngày nào đó sẽ vỡ”. Niềm tin vào thị trường Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới, ông Guo Shuqing cho biết.
Lời cảnh báo của ông Guo Shuqing được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia phân tích trên thế giới lo ngại tình trạng bong bóng đầu cơ đang lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ đều đang ở gần mức cao kỷ lục bất chấp thực trạng nền kinh tế nước này vẫn đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19.
Các ngân hàng đầu tư lớn tại Hoa Kỳ cho biết nhiều khách hàng lo ngại tiếp theo sau sự gia tăng mạnh mẽ của các cổ phiếu sẽ là sự sụp đổ của thị trường tương tự như bong bóng Dotcom vỡ tung cách đây 21 năm. Ông Guo Shuqing nhận định việc thị trường tài chính Hoa Kỳ và Châu Âu khởi sắc không phản ánh thực sự những khó khăn mà hai khu vực kinh tế này đang phải đối mặt.
Báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư Mizuho Bank (Nhật Bản) nhận định nếu bong bóng tài chính tại những khu vực kinh tế lớn khác vỡ thì dòng vốn ngoại có thể chảy mạnh vào Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, việc đón nhận một lượng vốn lớn, bất ngờ gia tăng mạnh có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp bất ổn, đồng Nhân dân tệ sẽ chịu áp lực tăng giá cao cùng với đó là sự lên giá của các loại tài sản khác.
Ông Guo Shuqing cũng bày tỏ lo ngại về khả năng biến động trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Giới quan sát nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đã sẵn sàng cho việc thắt chính sách tiền tệ.
Tại một hội nghị kinh tế vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho biết nước này cần ổn định thị trường bất động sản trong năm 2021. Chính phủ Trung Quốc hiện đã triển khai một số biện pháp như hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản kể từ tháng 12/2020.
Tại Trung Quốc, đã có một số nhận định về việc nước này cần giảm bớt sự hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng việc ngưng nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ. Trong tháng 12/2020, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lou Jinwei nói rằng việc "từ từ rút lui" khỏi chính sách nới lỏng sẽ giúp mang lại sự ổn định và cuối cùng sẽ làm giảm tỷ lệ nợ của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tung ra hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra, qua đó đạt tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020. Hiện Trung Quốc đang tìm cách duy trì đà tăng trưởng kinh tế và cân nhắc mức độ hỗ trợ tiền tệ sao cho phù hợp.