[Truyền thống Công Thương] Nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê và bản hùng ca trên những dòng sông

Từ Thác Bà, ta hoàn toàn dựa vào thiết kế thi công của Liên Xô, đến Hòa Bình, kỹ sư của ta bắt đầu tự vẽ chi tiết đến biện pháp, tổ chức thi công; và ở Sơn La, chúng ta tự khảo sát, thiết kế, xây dựng; đồng thời, toàn bộ thiết bị thủy công do cơ khí trong nước chế tạo, khiến cho bản hùng ca trên những dòng sông càng thêm ý nghĩa.
ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương)
Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương)

Năm 1964, khi ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) mới tốt nghiệp phó tiến sĩ ở Liên Xô về, được điều động lên xây dựng thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình xây dựng, Thủy điện Thác Bà chịu rất nhiều trận ném bom của không quân Mỹ.

Nhưng nói như nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê “nó đánh thì ta chữa”, đến tháng 10 năm 1971 khánh thành tổ máy số 1,  tháng 3 năm 1972 khởi động tổ máy số 2, tháng 5 năm 1972 khởi động chạy tổ máy số 3. Nhà máy đi vào vận hành cả 3 tổ máy đạt công suất thiết kế 108 MW. Để hình dung con số này, thử so sánh Thủy điện Thác Bà với Nhiệt điện Uông Bí, cũng được Liên Xô giúp ta xây dựng, hoàn thành toàn bộ 4 tổ máy với công suất 48 MW vào năm 1965, thấp hơn Thủy điện Thác Bà hơn 2 lần, cũng đã được mệnh danh là công trình điện lớn nhất miền Bắc thời điểm đầu thập niên 60 thế kỷ XX.

Dòng điện Thác Bà ngay lập tức được kết nối lên mạng lưới điện đầu tiên của miền Bắc, chảy tới các khu công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên… và Thủ đô Hà Nội. Năm 1972, máy bay Mỹ ném bom phá hủy Nhà máy điện Yên Phụ và hùng hồn tuyên bố, ít nhất 2-3 năm sau Hà Nội mới có điện. Nào ngờ chỉ sau 2 ngày, ta chắp nối được lưới điện của nhà máy Yên Phụ với cáp điện của hệ thống tại trạm biến áp Đông Anh, nhận điện từ Thủy điện Thác Bà phát lên, và ánh sáng bừng lên trên thành phố Hà Nội.

Sau đó, không quân Mỹ biết nguồn điện lớn nhất miền Bắc là Thác Bà thì tập trung đánh phá. Nhật ký Thủy điện Thác Bà còn ghi lại từng thời khắc trong những năm tháng mưa bom bão đạn ấy:

- Ngày 2/6/1972 máy bay Mỹ tăng cường ném bom phá hủy nhà máy bằng khoảng 2000 quả bom bi nổ chậm. Cán bộ công nhân viên nhà máy và công trường Thác Bà dũng cảm phối hợp nhặt bom bi, xử lý hậu quả và khôi phục nhà máy trở lại vận hành và phát điện sau 48 giờ phải ngừng máy.

- Ngày 10/6/1972, Mỹ lại huy động một lực lượng lớn các loại máy bay ném bom hòng hủy diệt toàn bộ nhà máy, làm nhiều thiết bị hư hỏng nặng.

- Ngày 12/8/1972 đã khởi động chạy lại và phát điện tổ máy số 2 với công suất thiết kế.

- Ngày 22/4/1975 đã khởi động lại và phát điện tổ máy số 3.

Từ khi tiếp nhận và vận hành sản xuất, Thủy điện Thác Bà đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp thu nhanh nhạy kỹ thuật quản lý vận hành. Công suất và sản lượng điện phát ra của Thác Bà trong thời kỳ chiến tranh và sau khi hoà bình lập lại chiếm 70% sản lượng của hệ thống điện miền Bắc.

Sau khi khánh thành tổ máy số 1 vào tháng 10 năm 1971, nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê, lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật được gọi về để chuẩn bị cho đại dự án Thủy điện Hòa Bình, có công suất lắp đặt gấp gần 18 Thủy điện Thác Bà. Khi đặt câu hỏi, ai là người khởi ra ý tưởng xây dựng Thủy điện Hòa Bình, ông Nê cho biết, đại dự án trị thủy, phát điện này xuất phát từ… 2 trận lũ lịch sử.

Đó là trận lũ năm 1945, xảy ra trước Cách mạng tháng 8, lấy đi sinh mạng của gần 2 triệu người. Trận đại hồng thủy thứ hai, làm sạt lở nhiều đoạn đê phía trái Sông Hồng vào tháng 8 năm 1971, được xem là lớn nhất trong 100 năm qua ở vùng đồng bằng sông Hồng, làm ngập lụt nhiều vùng ở đồng bằng Bắc bộ, đã đi vào ký ức không thể xóa nhòa của rất nhiều người dân sinh sống ở khu vực này.

Có thể nói rằng, sau giải phóng miền Bắc năm 1954, Nhà nước đã nghĩ ngay việc chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1959 thành lập Ủy ban Khai thác và trị thuỷ sông Hồng. Ủy ban này thành lập Văn phòng ủy ban sông Hồng, tập hợp đông đảo chuyên gia lập luận chứng kinh tế kĩ thuật cho Thủy điện Hòa Bình. Ông Nê rất tự hào vì Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu sông Hồng sớm, nên những đề xuất của chúng ta rất đúng. Ví dụ, tuyến đập của Nhà máy Thủy điện Hoà Bình hiện nay là do Việt Nam chọn từ những năm 60 của thế kỷ trước, bất chấp những phức tạp về mặt kỹ thuật.

Và trận đại hồng thủy năm 1971 đẩy nhanh tốc độ và quyết tâm xây dựng đại dự án này. Sau khi xảy ra trận vỡ đê ở miền Bắc năm 1971, có chuyến đi thăm của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô Nikolai Podgorny, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đưa đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô đi thị sát lụt ở Hà Bắc (nay gồm Bắc Ninh và Bắc Giang). Đứng trên triền đê nhìn ra mênh mông nước, Thủ tướng mong muốn Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng một công trình để cắt lũ cho đồng bằng sông Hồng. “Xây dựng thủy điện Hòa Bình” - ông Nikolai Podgorny trả lời. Ngay trong năm 1971, Liên Xô có chỉ thị giúp Việt Nam nghiên cứu lập luận chứng kinh tế kĩ thuật xây dựng Thủy điện Hoà Bình.

Như vậy, sự ra đời của Thủy điện Hòa Bình vừa là sự kỳ vọng vào nguồn năng lượng phục vụ công nghiệp hóa miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là sự thúc bách của vấn đề trị thủy, ổn định sinh kế người dân. Điều đó cũng giải thích vì sao sau trận lũ lịch sử tháng 8 năm 1971, đến tháng 10 năm đó, khi tổ máy số 1 Thủy điện Thác Bà đi vào vận hành, phó tiến sĩ thủy công Thái Phụng Nê được gọi về Ủy ban Sông Hồng để tham gia vào đại dự án trị thủy, phát điện Hòa Bình.

Ngày khoác ba lô lên Hòa Bình, Giám đốc Ban Quản lí dự án Thủy điện Hoà Bình Thái Phụng Nê thấy xung quanh chỉ có rừng núi, hoang vu. Suốt 3 năm trèo đèo lội suối, ông và các đồng nghiệp tập trung vào nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình, lựa chọn tuyến, đi dọc sông Đà từ thượng nguồn đến hạ du, đo đạc, khảo sát những nơi dự kiến xây đập, để lập tổng quan khai thác sông Đà, tạo ra một công trình thủy điện có khả năng chống được trận lũ như năm 1971.

Nguyên Giám đốc Ban Quản lí dự án Thủy điện Hoà Bình Thái Phụng Nê khẳng định, Thác Bà đã tạo ra một đội ngũ cán bộ, công nhân hùng hậu, chuyên nghiệp, có sự tiến bộ vượt bậc khi làm Thủy điện Hòa Bình. Ở cả hai nhà máy thủy điện, Liên Xô đều giúp ta trên 3 mặt. Một là thiết bị toàn bộ của nhà máy; hai là thiết bị, vật tư phục vụ thi công như xe, máy khoan, cần trục tháp, sắt thép, thuốc nổ… Ba là chuyên gia kỹ thuật. Và cũng ở hai nhà máy, kỹ sư của ta đều tham gia khâu giám sát thiết kế. Nhưng đến Thủy điện Hòa Bình, trong thiết kế thi công, chi tiết đến biện pháp, tổ chức thi công thì kỹ sư của ta bắt đầu tự vẽ.

Tháng 4/1994, khi tổ máy cuối cùng hòa lưới điện quốc gia, đưa công suất lắp đặt trọn vẹn 1.920 MW thì đường dây 500 kV mạch 1 từ trạm Hòa Bình vào đến Phú Lâm, TP HCM cũng chuẩn bị đưa vào vận hành. Mạch điện xương sống nối hệ thống điện ba miền đã giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng cho miền Trung và miền Nam. Thủy điện Hòa Bình cung cấp khoảng 27% (trước năm 2010) nguồn điện của cả nước. Sau hơn 30 năm vận hành đã sản xuất khoảng 245 tỷ kWh điện.

Thủy điện Hòa Bình không chỉ góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội; mà còn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu, nhất là trong mùa khô; điều tiết mực nước sông, đẩy nước mặn ra xa các cửa sông; cũng như cải thiện việc đi lại bằng đường thủy ở cả thượng lưu và hạ lưu. Năm 2004, công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được vận chuyển chủ yếu bằng con đường này.

Bên cạnh đó, ông Thái Phụng Nê nhấn mạnh, một cái “được” vô cùng quý giá, đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ quản lý, thiết kế, kỹ sư xây dựng đến những công nhân lành nghề. Hàng vạn thanh niên mới học xong phổ thông, được rèn luyện trong đại công trường ấy đã trở thành công nhân đào hầm, khoan lộ thiên, khoan hầm. Lớp kỹ sư mới ra trường có nơi thực hành, biết xử lý màn chống thấm. Đội ngũ ấy sau này tiếp tục xây dựng đường dây 500 kV Bắc Nam, Thủy điện Sơn La, hầm đèo Hải Vân...

Có lẽ, rất nhiều người thắc mắc, bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước, công cuộc Đổi mới phả một làn gió mới vào nền kinh tế, công nghiệp và thương mại tăng tốc, vì sao ta không làm luôn Thủy điện Sơn La sau khi hoàn thành Thủy điện Hòa Bình? Ông Thái Phụng Nê giải thích, năm 1991 Liên Xô tan rã, mình không còn chỗ dựa nữa, muốn xây một công trình lớn phải vay vốn, mà trước năm 1995, ta bị  Mỹ cấm vận, chẳng ai cho mình vay. Lúc đó chỉ còn có cách là đi đường vòng, làm những thuỷ điện vừa tầm mình hơn, mình có thể thiết kế, thi công, có thể huy động vốn được, như Thủy điện Thác Mơ, công suất 150 MW, nhỏ hơn Thủy điện Hòa Bình 12,8 lần!

Với tư cách Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Nê sang Ucraina đàm phán mua tổ máy cho Thủy điện Thác Mơ. Ucraina chào giá 37 triệu USD, rất thấp so với LB Nga và Nhật Bản. Nhưng vẫn quá sức với Việt Nam lúc đó, (cũng thời điểm này, Việt Nam phải nhờ đến khoản viện trợ 18 triệu USD của Thụy Điển mới có thể nhập 1 vạn tấn bông “cứu” ngành Dệt may khỏi bị gián đoạn sản xuất). Cái khó ló cái khôn, đoàn Việt Nam đề xuất, chấp nhận giá 37 triệu USD, nhưng 35% trả bằng tiền mặt, 65% trả bằng… quần áo, giày dép, cao su… tức là hàng đổi hàng. Cơ chế 35/65 tiếp tục được ông Nê đàm phán với LB Nga và Ucraina mua tổ máy và thiết bị cho Thủy điện Yaly, công suất 720 MW chỉ kém Thủy điện Hòa Bình 2,6 lần.

Phải đến năm 1996, sau khi Mỹ bỏ cấm vận, và nền kinh tế nước ta mạnh lên, ngoại thương đặc biệt phát triển mới đặt vấn đề lập luận chứng kinh tế kĩ thuật cho Thủy điện Sơn La, có công suất 2.400 MW, lớn nhất Đông Nam Á. Thủy điện Sơn La có nhiều kỳ tích về quy mô, dung lượng, thiết bị… nhưng kỳ tích lớn nhất là về đích sớm 3 năm, làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,5 tỷ USD.

Nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê
Nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) giới thiệu với Đoàn công tác Quốc hội về dự án Thủy điện Sơn La năm 2006

Ông Nê giải thích con số 3 năm: Thứ nhất, với tư cách Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó ban chỉ đạo Thủy điện Sơn La, ông đề xuất với Chính phủ cho thiết kế kỹ thuật 2 bước, bước đầu bố trí tổng thể công trình, và giải quyết được kết cấu của đập, sau khi thực nghiệm chứng minh thì tiếp tục làm sau, như vậy là đầu năm 2004 chúng ta đã có giải pháp và đào kênh dẫn dòng tháo lũ thi công để ngăn sông. Biện pháp này đẩy nhanh tiến độ 1 năm.

Thứ hai, thiết kế khả thi Thủy điện Sơn La gồm 8 tổ máy x 300 MW = 2.400 MW để phù hợp trong vận chuyển thiết bị nặng. Nhưng khi tìm hiểu về khả năng vận chuyện thiết bị nặng, Ban quản lý dự án biết có 1 đơn vị ở trong Đà Nẵng có thể vận chuyển được chi tiết thiết bị 280 tấn để lắp đặt tổ máy 400 MW, nên ông đồng ý thay đổi thiết kế thành 6 tổ máy x 400 MW = 2.400 MW. Công việc lắp ráp thì phải theo trình tự, cứ nửa năm thì mới lắp được tổ máy tiếp, do đó, giảm được 2 tổ máy tương đương với giảm được 1 năm tiến độ.

Thứ ba, làm đập theo công nghệ bê tông đầm lăn. Thiết kế khả thi, xây dựng theo công nghệ đầm dùi, mỗi tháng nâng được đập thêm 4,5m, trong khi công nghệ đầm lăn nâng đập được 9m. Theo tính toán, công nghệ đầm dùi mỗi tháng nhanh nhất đổ được 40.000 m3 bê tông, còn công nghệ đầm lăn mỗi tháng ít nhất đổ được 80.000 m3, nhưng thực tế tại hiện trường đổ được 180.000 m3! “Và như thế, chúng tôi tiết kiệm được 1 năm tiến độ nữa”, nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê chia sẻ. Thủy điện Sơn La hoàn thành vào năm 2012, trước 3 năm so với kế hoạch, góp phần loại bỏ hẳn tình trạng cắt điện luân phiên trước đó.

Từ Thác Bà, ta hoàn toàn dựa vào thiết kế thi công của Liên Xô, đến Hòa Bình, kỹ sư của ta bắt đầu tự vẽ chi tiết đến biện pháp, tổ chức thi công; và ở Sơn La, chúng ta tự khảo sát, thiết kế, xây dựng; đồng thời, toàn bộ thiết bị thủy công do cơ khí trong nước chế tạo, kể cả cần cẩu có sức nâng 1.000 tấn, khiến cho bản hùng ca từ những dòng sông càng thêm ý nghĩa.

Biên Hòa