Hành trình 60 năm ghi đậm nhiều dấu ấn
Theo Bộ trưởng, Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội là ngôi trường có bề dày truyền thống và là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín của ngành Công Thương. Trải qua gần 2/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với trên 10 vạn cán bộ nghiệp vụ, cán bộ kỹ thuật và quản lý kinh tế được đào tạo ở các trình độ khác nhau, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chỉ có vài chục cán bộ, giáo viên với cơ sở vật chất đơn sơ, quy mô một vài trăm học viên ở một số ít ngành, nghề đào tạo trong những ngày đầu thành lập, đến nay Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo có uy tín của ngành Công Thương và cả nước với trên 200 cán bộ, giáo viên, phần lớn được đào tạo chính quy, bài bản; quy mô đào tạo trên 4.000 học sinh, sinh viên ở hàng chục ngành, nghề, trình độ khác nhau (từ sơ cấp đến cao đẳng).
Hướng đến đào tạo đa ngành/nghề thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức tổ chức đào tạo khác nhau, nhà trường tập trung nguồn lực để xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo bồi dưỡng để chuyển đổi, bổ sung đội ngũ giảng viên, đầu tư mua sắm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng/xưởng thực hành. Chỉ tính trong 5 năm 2016-2021, nhà trường đã xây dựng mới tổng số 40 bộ chương trình, giáo trình đào tạo; tuyển mới 61 giảng viên; đầu tư, mua sắm, xây dựng mới 27 phòng thực hành với tổng số tiền đầu tư là trên 40 tỷ đồng. Hợp tác với các trường đại học đào tạo liên thông cấp bằng đại học cho gần 1.000 sinh viên, đào tạo bồi dưỡng trên 5.000 lượt cán bộ công chức, viên chức và người lao động cho các cơ quan doanh nghiệp.
Sự đa dạng các ngành nghề, loại hình đào tạo đã tạo thêm nhiều lựa chọn cho người học làm cho công tác tuyển sinh, và thu hút nhiều học sinh sinh viên, học viên vào học, tạo thêm việc làm và nguồn thu của nhà trường cũng tăng lên. Kết quả, từ năm học 2016-2017 đến nay, số lượng học sinh sinh viên tuyển mới liên tục tăng, năm học 2021-2022, số lượng học sinh sinh viên tuyển mới gấp hơn 3 lần năm học 2015-2016 (1.500/400).
Giai đoạn 2016-2021, cán bộ giáo viên nhà trường đã chủ trì thực hiện hoàn thành 9 đề tài, đề án cấp bộ cấp tỉnh, gần 100 đề tài cấp trường và hàng trăm sáng cải tiến. Tất cả các kết quả nghiên đề tài, các sáng kiến đều được chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy, quản lý của nhà trường và cơ quan, đơn vị liên quan.
Đặc biệt, Trường đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường tạo tiền đề chuyển đổi số và hướng tới xây dựng trường học số, trường học thông minh. Từ năm học 2021-2022, toàn bộ hoạt động đào tạo của nhà trường từ khâu tuyển sinh, tổ chức dạy, học và quản lý toàn bộ quá trình đào tạo từ khi học sinh sinh viên vào trường đến khi tốt nghiệp ra trường và theo dõi học sinh sinh viên sau tốt nghiệp được thực hiện trên phần mềm tích hợp QMC E-learning.
Nhờ vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội vẫn chủ động trong việc thực các hoạt động tuyển sinh, dạy học và các hoạt động khác. Kết quả tuyển sinh năm học 2021-2022 tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020 và hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra, thực hiện hiệu quả phương châm vừa phòng chống dịch vừa thực hiện các nhiệm vụ đào tạo. Nhiều hoạt động theo hình thức trực tuyến thậm chí thể hiện rõ hiệu quả và ưu việt so với phương thức truyền thống.
Mặt khác, tăng cường phát triển hợp tác với các doanh nghiệp cũng là một trong những thành tựu Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đạt được trong những năm qua, giúp tạo mối liên hệ gắn kết trong đào tạo, học sinh sinh viên được tiếp cận thực hành nhiều hơn. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng được quan hệ hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có trên 100 doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên và chặt chẽ trong nhiều hoạt động như Công ty TNHH Điện tử Canon Viet Nam, Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất máy và thiết bị văn phòng Kyocera, Công ty LG Display Việt Nam, Công ty May Đông Mỹ thuộc tập đoàn Dệt may VIệt Nam, Ngân hàng Quân đội MB, Công ty G6,…
"Những thành tích đó là kết tinh của nhiều nỗ lực, phấn đấu, gắng sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý, giảng viên, người lao động và học sinh, sinh viên Nhà trường, góp phần quan trọng và tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của đất nước", Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận.
Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế trong Nhà trường (như Đảng ủy, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, nhất là việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo đa ngành, nghề như mục tiêu trong Chiến lược phát triển của Nhà trường đã đề ra.
Hai là, tiếp tục đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành và ứng dụng; lấy người học làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa việc đào tạo với đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Chú trọng đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học hiện đại; đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tiến tới vận hành Nhà trường theo mô hình trường học số để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Công Thương. Đồng thời, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giỏi kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ để làm tốt vai trò quản trị, hướng dẫn người học, phát huy tính chủ động sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên khi tốt nghiệp ra trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thế giới.
Ba là, tăng cường phát triển hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế để nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo chuẩn của Khu vực, nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh tiên tiến, hiện đại, qua đó gắn đào tạo của Nhà trường với nhu cầu thực tiễn và huy động các nguồn lực xã hội để bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, hỗ trợ sinh viên và xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với công tác giảng dạy và học tập; khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chuẩn cho các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến và điện tử), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của Nhà trường, của Ngành và của đất nước.
Năm là, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo về chuyên môn, Nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên, giúp các em hiểu biết sâu sắc và trân trọng các giá trị truyền thống, lịch sử của Nhà trường, của Đảng, đất nước và dân tộc; từ đó nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, phát triển toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, tạo nền tảng vững chắc để khi ra trường các em trở thành những con người trung thực, nhân văn, vừa có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để công tác, làm việc hiệu quả, vừa có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với xã hội.
Gửi lời cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội hứa sẽ cùng lãnh đạo Trường và tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên tiếp nối truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, kế thừa kết quả, tiền đề của 5 năm qua, quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu, đến năm 2026, trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều trình độ, hoạt động theo mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tự chủ, đạt chuẩn trường chất lượng cao, nằm trong top 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao của cả nước, dựa trên các giá trị cốt lõi “5K: Kiên định mục tiêu, Khẳng định chất lượng và hiệu quả, Khách hàng là trung tâm, Kết nối tạo sức mạnh, Khác biệt từ sáng tạo”.
Trong đó, hướng đến các mục tiêu cụ thể đến năm 2026 đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và vận hành theo mô hình tự chủ toàn diện với một cơ sở đào tạo mới tại Hà Nam; quy mô đào tạo đạt 5.000-6.000 học sinh sinh viên; quy mô đào tạo sơ cấp, ngắn hạn 1.000-2.000 lượt học viên/năm. Trong đó, 100% nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; 100% cán bộ quản lý và giảng viên đạt chuẩn quy định; 100% các hoạt động của nhà trường được quản lý trên hệ thống phần mềm, vận hành trường học điện tử, E-College; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo đạt chuẩn trường chất lượng cao. Đồng thời, định hình rõ nét văn hóa Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, tổng thu và thu nhập bình quân của cán bộ viên chức gấp 2 lần năm 2021.