Đổi mới toàn diện công tác đào tạo
Có thể nói công tác đào tạo gắn bó hữu cơ với tuyển sinh bởi, nếu chất lượng đào tạo tốt thì sẽ “thông luồng” cho công tác tuyển sinh. Qua khảo sát thực tế của Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội tại các doanh nghiệp cho thấy, điểm yếu của lao động qua đào tạo nghề của chúng ta hiện nay là thiếu các kiến thức, kỹ năng làm việc cơ bản, như: Kiến thức, kỹ năng về 5S, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng máy tính cho công việc, tính kỷ luật…
Để khắc phục những điểm yếu của “sản phẩm đào tạo”, những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã đổi mới nội dung, chương trình và tổ chức lại quá trình đào tạo theo hướng thiết thực hơn, thực tế hơn, với mô hình “3 giai đoạn”: Giai đoạn 1, năm thứ nhất, sinh viên được học các kỹ năng làm việc cơ bản (5S, giao tiếp, tin học, một số kỹ năng chuyên môn...) để có thể tham gia làm việc ngay trong quá trình học; Giai đoạn 2, năm thứ hai, sinh viên vừa học tại trường, vừa thực tập và làm thêm tại doanh nghiệp; Giai đoạn 3, trước khi tốt nghiệp, sinh viên đi thực tế, thực tập, làm việc tại doanh nghiệp. Với cách thức tổ chức đào tạo mới này, kết thúc năm học thứ nhất, sinh viên của Nhà trường đã có thể đáp ứng được một số công việc tại doanh nghiệp. Kết thúc khóa học, sau 2 -3 năm, sinh viên ra trường vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Khóa học đầu tiên tổ chức theo mô hình này, sinh viên của Trường sau năm học thứ nhất đã có một số kỹ năng làm việc cần thiết đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên đi làm thêm có thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Với kết quả này, chắc chắn kết thúc khóa học, các sinh viên Nhà trường sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố, các quá trình ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, Nhà trường cũng đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, như: Khảo thí, đảm bảo chất lượng, thanh tra , giám thị,… để hỗ trợ và giám sát chặt chẽ quá trình học tập của sinh viên và giảng dạy của giảng viên.
Từ năm học 2016-2017, Nhà trường đổi mới
hình thức tổ chức đào tạo, áp dụng đào tạo theo theo mô đun, tín chỉ. Điều này
vừa tạo thuận lợi cho người học, vừa thuận lợi cho việc tổ chức đào tạo và nâng
cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Nhờ đổi mới toàn diện cả nội dung, chương trình và hình thức tổ chức đào tạo theo hướng thiết thực, gắn với thực tế, công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo của Nhà trường đã có nhiều khởi sắc, ngày càng thu hút nhiều người học và uy tín của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội với xã hội, với các doanh nghiệp sử dụng lao động ngày càng tăng lên.
Muốn đầu vào tốt, chất lượng sản phẩm đào tạo và đầu ra phải tốt
Trong thời gian vừa qua, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội đã tích cực tìm tòi, sáng tạo để tìm hướng đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. Cách làm này cho thấy một tư duy mới trong công tác quản trị của lãnh đạo Nhà trường.
NGND. TS. Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội cho rằng: “Trường học cũng giống như doanh nghiệp, muốn tồn tại và phát triển, chất lượng sản phẩm đầu ra phải đáp ứng nhu cầu của xã hội, phải được thị trường chấp nhận; nhà trường phải học cách quản trị của doanh nghiệp”. Do đó, sản phẩm đào tạo của Nhà trường phải phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường. Những nội dung xa rời thực tế, nặng lý thuyết phải bị cắt bỏ, tăng cường thực hành, thực tập và bổ sung các kỹ năng làm việc, kỹ năng mềm, rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Bên cạnh đó, Nhà trường xác định rõ “chuẩn đầu ra” của từng sản phẩm đào tạo, và từng môn học, mô đun. Từng hoạt động giáo dục đào tạo trong Nhà trường đều phải đóng góp vào “chuẩn đầu ra” của sản phẩm.
Bên cạnh đó, để sản phẩm đào tạo sát với yêu cầu thực tế sản xuất, Nhà trường đã mời chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng “chuẩn đầu ra” và góp ý nội dung chương trình đào. Đồng thời, gắn công tác tuyển sinh với hỗ trợ việc làm cho sinh viên, với cam kết 100% học sinh, sinh viên vào học các chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội ra trường sẽ có việc làm. Điều này đã tạo niềm tin, yên tâm cho người học khi đăng ký, tham gia học tập tại Trường.
Nhằm đa dạng hoá các sảm phẩm, dịch vụ theo nhu cầu thị trường, ngoài các ngành/nghề đào tạo truyền thống, như: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Dịch vụ pháp lý, Quản trị văn phòng… Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội đã mở thêm các ngành học mới, như: May thời trang, Quản lý bán hàng và siêu thị,... Được biết, năm học 2018-2019, Nhà trường sẽ tiếp tục mở thêm một số ngành/nghề mới, như: Quản trị khách sạn du lịch, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Thương mại điện tử,... Ngoài ra, Nhà trường còn mở các lớp đào tạo ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, lãnh đạo, lý luận chính trị cho cán bộ công chức, viên chức, chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý các cấp của doanh nghiệp…; Liên kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đạo tạo khác trong nước và nước ngoài để cung cấp các khoá học, các dịch vụ xã hội có nhu cầu.
Nhờ những thay đổi về chất trong công tác đào tạo, đa dạng hoá các ngành nghề, các trình độ, các loại hình đào tạo và cải tiến mạnh mẽ công tác tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của Nhà trường đã dần khởi sắc. Năm học 2016-2017, hệ cao đẳng tuyển sinh được gần 400 sinh viên, hệ trung cấp tuyển sinh được hơn 700 học sinh. Năm học 2017-2018, tính đến tháng 11/2017, hệ Cao đẳng tuyển sinh được gần 400 sinh viên, trung cấp tuyển sinh được gần 1.500 học sinh.
Nhờ những giải pháp và kết quả bước đầu đạt được trong công tác tuyển sinh và đào tạo đã giúp Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua và tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.