[Truyền thống Công Thương] Cụ thể hóa tầm nhìn xuyên thế kỷ của Bác Hồ trong mở cửa, hội nhập

Nắm bắt cơ hội, vượt qua nỗi lo, và những cuộc đấu trí qua hơn 200 cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO đã cụ thể hóa tầm nhìn xuyên thế kỷ của Bác Hồ trong mở cửa hội nhập. Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ, kiêm Trưởng đoàn Đàm phán gia nhập WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã trao đổi với Tạp chí Công Thương xung quanh nội dung trên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
. Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Chính phủ
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ, kiêm Trưởng đoàn Đàm phán gia nhập WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Nắm bắt cơ hội

TCCT: Trong suốt quá trình đàm phán gia nhập WTO từ 1995 đến 2006, cán cân thương mại nước ta luôn trong trạng thái nhập siêu, xin ông cho biết vì sao Việt Nam quyết định gia nhập WTO và quyết tâm đàm phán?

Ông Lương Văn Tự: Sau thống nhất đất nước, chúng ta bị bao vây cấm vận bởi Luật  Jackson - Vanik của Hoa Kỳ, nên kinh tế cực kì khó khăn, lạm phát có lúc lên tới gần 800%. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ có nhiều nghị quyết mở cửa hội nhập. Phải nói thêm rằng, chủ trương hội nhập đã có từ buổi đầu lập quốc.

Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946, Bác Hồ trình bày nguyên tắc đối ngoại: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế”. Trong thời kỳ Đổi mới, Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục cái chủ trương đó bằng Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị với mục tiêu hội nhập để mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ nước ta, thu hút vốn và công nghệ, kĩ năng quản lí cho chúng ta.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, chúng ta vận dụng triệt để tư tưởng mở cửa hội nhập “bình đẳng và hai bên cùng có lợi” của Bác; không phải kết thúc đàm phán mới mở cửa, mà trong quá trình đàm phán, đối tác nào yêu cầu mở cửa sớm, chúng ta sẽ cân nhắc để đáp ứng. Có những vấn đề vượt lên trên luật, ví dụ như bảo hiểm nhân thọ, khi đó chưa có luật, nhưng với quyết tâm mở cửa hội nhập, chúng ta vừa đám phán vừa mở cửa thị trường, trên tinh thần đảm bảo được lợi ích quốc gia.

TCCT: Quá trình đàm phán có 2 giai đoạn: minh bạch hoá chính sách và đàm phán trực tiếp với các nước, giai đoạn nào là khó khăn nhất và phải đánh đổi nhiều nhất, thưa ông?

Ông Lương Văn Tự: Có đến quá nửa thời gian là chúng ta minh bạch hoá chính sách. Việt Nam phải trả lời 3316 câu hỏi liên quan đến tất cả vấn đề minh bạch hoá chính sách - một con số khá lớn, do lúc đó chúng ta mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật còn khác nhiều so với những quy định của WTO. Muốn gia nhập, điều quan trọng là tất cả các cơ chế chính sách phải phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để làm việc đó, từng bộ từng ngành phải lo việc đó.

Trong đàm phán, có những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian. Ví dụ, ta có khái niệm cổ phần hoá, nhưng họ có khái niệm tư nhân hoá. Nên ngay từ phiên đầu đã tranh luận gay gắt, và cứ kéo dài sang các phiên sau. Đến phút chót, tôi phải xin ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, gộp câu chữ của 2 bên thành “tư nhân hoá - cổ phần hoá”, 2 khái niệm là 1, nhưng tên gọi khác nhau.

Qua kinh nghiệm đàm phán của các nước đã gia nhập WTO, sau khi EU kết thúc thì Hoa Kỳ mới kết thúc. Đàm phán với Mỹ kết thúc tại TP.HCM ngày 31/5/2006. Mỹ bỏ Luật bao vây cấm vận Jackson Venick và trao quyền thương mại thông thường vĩnh viễn. Với Mỹ lĩnh vực khó khăn nhất là mở cửa dịch vụ. Nền kinh tế của Mỹ dịch vụ rất mạnh, nên họ muốn mở cửa với dịch vụ ở mức cao nhất. Họ yêu cầu chúng ta mở 12 ngành và 120 phân ngành trong tổng số 159 phân ngành của dịch vụ. Đồng thời, yêu cầu chúng ta sửa luật. Do luật của chúng ta là chắp vá, nên mỗi năm Quốc hội chỉ sửa được 5 luật. Có chuyên gia nước ngoài bảo, mỗi năm Quốc hội Việt Nam sửa 5 luật, mất khoảng 20 năm mới sửa xong, báo chí nước ngoài liền tung lên.

Vì vậy, năm 2004 Mỹ đòi làm 1 “master law”, tôi hỏi làm  “master law” mất bao lâu? Họ nói sẽ hỗ trợ về kĩ thuật, chuyên gia, kinh phí làm “master law” trong 2 năm để chi phối các luật khác. Nhưng tôi nghĩ, người Mỹ nói 2 năm thì Việt Nam chắc phải mất 4 năm, chúng ta mất hết cơ hội. Nên cuối cùng, chúng tôi bàn nhau, đi đến quyết định đề xuất Sửa điều 8 Luật Điều ước Quốc tế. Nếu cam kết quốc tế  cao hơn nội luật thì áp dụng cam kết Quốc tế, với nội dung: nếu cam kết quốc tế cao hơn nội luật thì áp dụng cam kết quốc tế. Như thế được Hoa Kì chấp nhận, chúng ta tiết kiệm cho đất nước rất nhiều thời gian, công sức và cơ hội không bị mất.

Giải tỏa nỗi lo

TCCT: Trong đàm phán với các nước, lĩnh vực nào các đối tác “ép” mình nhiều nhất, ví dụ nông sản hay là lĩnh vực khác?

Ông Lương Văn Tự: Thực ra, họ “ép” mạnh nhất vẫn là sửa luật. Còn nông sản, họ yêu cầu mở cửa, nhưng vấn đề không phải ở nông sản mà nằm ở chỗ lượng định tình hình. Oxfam - tổ chức phi chính phủ hàng đầu trong phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu - lúc ấy đưa ra nhận định, nếu gia nhập WTO, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ sụp đổ. Thế nên, những người có trách nhiệm rất quan tâm lo lắng, vì lúc đó nông dân và thu nhập nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta chiếm tỉ lệ cao hơn bây giờ nhiều, khoảng 70% và 30%.

Tôi nhớ cuộc họp mà Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình - yêu cầu tất cả các ngành báo cáo thì ai cũng lo, mà lo cũng đúng thôi. Nông nghiệp chúng ta manh nhún, nông dân thì mỗi người chỉ có 3 sào ruộng, so với thế giới còn rất nhỏ. Tôi trình bày, ngành Nông nghiệp Việt Nam rất đặc biệt, tuy đất chật người đông, nhưng chúng ta có nhiều sản phẩm được xếp hạng kỉ lục thế giới, cà phê đứng thứ 2, gạo, hạt điều và hạt tiêu cùng đứng thứ 2, tôm cá xếp thứ 5-6, cao su thì thứ 6-7... Nhưng cái yếu nhất của Việt Nam không phải ở sản xuất nông sản, mà là chế biến nâng cao giá trị gia tăng. Thế là mọi người đều hiểu, nếu đầu tư vào chế biến để nâng giá trị lên là được, và vấn đề được giải tỏa.

Còn vấn đề nữa, mọi người cứ nói doanh nghiệp chúng ta nhỏ và vừa là chính, chỉ có 3% là lớn theo khái niệm của Việt Nam. Cho nên, ai cũng lo ra biển lớn, cá lớn nuốt hết cá bé, nên ông, Tổng giám đốc WTO lúc đó phải nói rằng, biển bao giờ cũng tồn tại cả cá lớn, cá bé, và không có cá bé thì cá lớn không sống được, ngược lại, không có cá lớn, cá bé cũng không sống được.

Quả thật, thời kì đầu mở cửa khó khăn, vì bắt đầu hàng hóa nước ngoài vào nhiều hơn, nhưng chỉ mất 2 năm thôi, ai cũng nghĩ gia nhập WTO là cần thiết.

TCCT: Trong quá trình đàm phán, các bộ ngành có thể lo lắng cho “sức khỏe” ngành mình khi mở cửa, ông có phải dàn xếp vấn đề này?

Ông Lương Văn Tự: Lúc đó Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, sau đó là Phó Thủ tướng Vũ Khoan chủ trì giao ban hàng tháng với các bộ ngành về hội nhập. Lúc đó ngành nào cũng lo bảo vệ lĩnh vực phụ trách, nếu không điều phối, không cân bằng lợi ích của các bộ, các ngành, của nền kinh thế, chúng ta cũng không gia nhập WTO được. Trong các cuộc giao ban đó, cấp thấp nhất là thứ trưởng, nếu Thủ tướng chủ trì, các bộ trưởng phải có mặt, cho nên tất cả những vấn đề vướng mắc hàng tháng được giải quyết.

TCCT: Thưa ông, có những vấn đề nào tưởng không thể giải quyết được, cuối cùng cũng vượt qua được không?

Ông Lương Văn Tự: Thế giới cũng thế, Việt nam cũng thế, luôn có hai cuộc đàm phán. Cuộc đàm phán thứ nhất ở Geneva hoặc các nước đối tác. Cuộc “đàm phán” thứ hai nhằm "đả thông tư tưởng" trong nước theo 3 hình thức. Hình thức thứ nhất, sau khi đàm phán ở nước ngoài xong về nước tổ chức họp báo. Thứ hai, làm cho tất cả doanh nghiệp chúng ta hiểu. Thứ ba, gặp mặt và thông báo tiến trình, nội dung đàm phán với các bác cao tuổi.

Có cuộc nói chuyện mà tôi nhớ mãi, là có rất nhiều bác cao tuổi lo lắng. Sau khi giải thích, chủ trương đường lối này từ Trung ương, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về hội nhập kinh tế, bắt nguồn từ tầm nhìn xuyên thế kỉ của Bác trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946, thì các bác cao tuổi không còn băn khoăn gì nữa!

Ông Lương Văn Tự giới thiệu chiếc búa mà Chủ tịch WTO, Eirick Glenne đã gõ trong Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng kết nạp Việt Nam gia nhập tổ chức này ngày 7/11/2006.
Ông Lương Văn Tự giới thiệu chiếc búa mà Chủ tịch WTO, Eirick Glenne đã gõ trong Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng kết nạp Việt Nam gia nhập tổ chức này ngày 7/11/2006.

 

Những cuộc đấu trí

TCCT: Trong hơn 10 năm đàm phán, ông thấy vấn đề nào khi mình ở trong nước đã lên kịch bản thế này, đến khi đàm phán lại phát sinh không?

Ông Lương Văn Tự: Đàm phán bao giờ cũng thế, chúng tôi luôn chuẩn bị 2 - 3 phương án. Mỗi phiên, mình đưa ra một liều lượng nhất định những cái mình có thể chấp nhận, chứ không “thả” hết.

Nhưng đến phiên cuối cùng, đoàn Thuỵ Sĩ yêu cầu chúng ta phải mở hết lĩnh vực vận tải biển, logistic. Trong khi  lúc đầu mình nghĩ Thuỵ Sĩ không quan tâm tới chuyện này vì họ không giáp biển. Nhưng hoá ra họ đã mua một công ty vận tải đa quốc gia, nên yêu cầu chúng ta mở hết. Mà đến phút chót rồi, hôm đó lại vào thứ sáu, mà “tây” thì rất kiêng “Friday the 13th”. Bà trưởng đoàn Thụy Sỹ gọi tôi ra bảo "phải đi đêm". Tôi bảo không đi đêm được nữa, tất cả mọi thứ công khai rồi, nếu đi đêm, các nước sẽ lật ngược lại. Thôi, cái yêu cầu của Thụy Sỹ, tôi ghi nhận sau đó đưa vào đàm phán song phương. Nhưng bà ấy chối khéo, bảo không có quyền. Tôi phải ra gặp ông Pascal Lamy, và ông Tổng giám đốc phải “dọa” sẽ công bố tất cả các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập rồi, riêng Thuỵ Sĩ không đồng ý, thì đoàn Thụy Sỹ mới chấp thuận từ bỏ yêu cầu này.

TCCT: Làm thế nào để cân bằng giữa mở cửa với duy trì sản xuất và thị trường trong nước?

Ông Lương Văn Tự: Để giữ ổn định thị trường trong nước thì điều quan trọng là giữ cho nông nghiệp. Chúng ta giữ được một số mặt hàng nhạy cảm bằng chế độ cô-ta như là đường, trứng gà, muối và trợ cấp đèn vàng được giữ nguyên... Thứ hai, chúng ta đàm phán được mức thuế nhập khẩu bình quân 13% mà doanh nghiệp trong nước có thể chịu được. Thứ ba, đoàn đàm phán kiến nghị với Chính phủ đẩy mạnh đầu tư và cho vay, giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh với đối tác bên ngoài.

TCCT: Có phải đàm phán vấn đề trợ cấp dệt may là “nút thắt” cuối cùng với đối tác Hoa Kỳ không, thưa ông?

Ông Lương Văn Tự: Trợ cấp dệt may thì đàm phán đến phiên cuối cùng vào tháng 4 năm 2006. Trước đây, chúng ta đưa ra chương trình khá tổng thể hỗ trợ ngành dệt may, thực chất là cho vay, nhưng khi dịch sang tiếng Anh, họ lại hiểu là trợ cấp. Tôi phải chứng minh cho Mỹ thấy họ trợ cấp ngành bông mỗi năm 4 tỷ USD, trong khi chúng ta là tiền cho vay, mang tính hỗ trợ chứ không phải cho không, mà cũng chỉ có 50 - 60 triệu USD, đây là do nhầm lẫn về ngôn ngữ. Câu chuyện giải thích như thế cứ căng thẳng đến phiên cuối cùng mới thôi.

Ngày 31/05/2006 kết thúc đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO, thì đến ngày 08/12/2006, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Luật dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Trước đó, theo BTA mỗi năm Quốc hội Mỹ xem xét gia hạn 1 lần.

TCCT: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc chia sẻ này!

Hào Nam (thực hiện)