Từ thầu phụ hướng đến các sếu đầu đàn ngành Logistics

Liên kết doanh nghiệp Logistic để tận dụng cơ hội từ EVFTA
logistics
Liên kết doanh nghiệp Logistic để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Cơ hội gia tăng cùng thách thức cạnh tranh

Chia sẻ tại Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA" do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, những cơ hội dễ nhận thấy nhất mà hội nhập EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp logistics và ngành logistics nói chung là những cơ hội đến từ sự gia tăng thương mại Việt Nam - EU.

EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam, sau khi Hiệp định EVFTA được kí kết và thực thi thì khối lượng thương mại hàng hóa trao đổi song phương cũng gia tăng rất nhiều, trong đó có những mặt hàng khối lượng vận chuyển lớn như hàng dệt may, hàng da giày, thủy sản...

"Để đưa những mặt hàng này đến được khu vực EU với chi phí hợp lý và giá thành cũng như thời gian bảo đảm có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp dịch vụ logistics", ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, thực thi EVFTA và mở cửa nhiều dịch vụ logistics cũng làm gia tăng thách thức cạnh tranh từ các doanh nghiệp logistics EU trong khi doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt như: thiếu vốn, công nghệ có hạn, chưa đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc theo nhu cầu mới...

Từ góc độ doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ của ngành logistics, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết: Chi phí logistics là một chi phí lớn trong cấu thành giá trị của sản phẩm xuất nhập khẩu. Những giai đoạn như năm 2021 chi phí logistics tăng hàng chục lần gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải cân đối chi phí trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài về quy định kho ngoại quan, đóng tàu hàng...

"Thời gian qua chúng ta bị chi phối bởi các hãng tàu nước ngoài, có những lúc khó khăn, chúng ta không điều động được container rỗng, không chủ động được nguồn tàu, không khống chế được chi phí cao... là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp tham gia vận tải và công tác xuất nhập khẩu hàng hóa", ông Nhựt chia sẻ.

Đâu là động lực phát triển?

Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp dịch vụ logistics, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group cho biết: Khi thực thi Hiệp định EVFTA, để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp logistics lớn của châu Âu như Maersk hay DHL là rất khó. Bee Logistics Group lựa chọn hướng đi tạm thời làm đại lý, hợp tác làm thầu phụ cho các hãng lớn, từ đó gia tăng sự hiện diện đối với các doanh nghiệp châu Âu cũng như gia tăng cơ hội, khối lượng công việc của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo đại diện Bee Logistics, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam mà doanh nghiệp còn nỗ lực vươn tới thị trường các nước Châu Âu. "Chúng tôi đang tìm những đối tác EU để hợp tác và thậm chí là đặt văn phòng đại diện ở châu Âu để tiếp cận trực tiếp nguồn khách hàng cũng như thông qua các cơ hội liên doanh hoặc liên kết với họ để có thể học hỏi về những công nghệ hiện đại, tiên tiến trong vận hành...", ông Thuật chia sẻ.

Song song đó, để thực hiện mục tiêu kết nối hợp tác với những công ty lớn của EU hoặc liên kết làm một phần trong chuỗi cung ứng của họ tại thị trường Việt Nam thì Bee Logistics cũng chuẩn bị nhiều nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực…

Theo ông Trần Thanh Hải, việc doanh nghiệp nhận biết được vị trí của mình để có sự phấn đấu vươn lên và vươn ra thị trường nước ngoài thông qua những bước đi hợp lý như liên kết với các doanh nghiệp sở tại của EU hoặc là từng bước từ vai trò đại lý có thể nâng cấp, mở rộng được dịch vụ của mình là rất cần thiết.

Cũng nhấn mạnh tính liên kết giữa các doanh nghiệp nhưng ở góc độ khác, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng cần quan tâm phát triển các "sếu đầu đàn" trong logistics.

Ngay cả các doanh nghiệp logistics lớn liệu có thể tự tin cung cấp được toàn bộ chuỗi dịch vụ từ A – Z hay không, từ các dịch vụ logistics chủ yếu đến các dịch vụ liên quan hay không hay là chỉ cung cấp một số các dịch vụ cơ bản là thế mạnh của doanh nghiệp, còn các dịch vụ khác thì phải để các doanh nghiệp khác lo?”, ông Khanh đặt vấn đề. Như vậy vô hình trung chính các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, trong đó có cả những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh...

Theo ông Khanh, nếu tạo ra được các flagship (tạm dịch: doanh nghiệp dẫn dắt), ví dụ như một doanh nghiệp logistics lớn trở thành một flagship thì có nhiều doanh nghiệp khác hợp tác, hỗ trợ; khi đó không phải flagship làm hết mà sẽ có những dịch vụ được các đối tác trong chuỗi liên kết thực hiện và liên kết doanh nghiệp này có thể cung cấp full-service (tạm dịch: toàn bộ chuỗi dịch vụ), đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

"Nếu tạo ra được các "sếu đầu đàn” trong ngành logistics, sẽ giúp cạnh tranh tốt hơn với chính các doanh nghiệp EU, đồng thời là động lực kéo cả ngành phát triển", ông Ngô Chung Khanh nhận định.

Mặt khác, liên kết doanh nghiệp cũng sẽ góp phần thay đổi tư duy kinh doanh của doanh nghiệp, thay đổi những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh mà nếu tiếp tục thì chính các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đối thủ lấn át thị trường, thị phần của mình.

[Quảng cáo]

Việt Hằng