Kết nối, tăng hiệu quả đào tạo và sử dụng nhân lực logistics

Cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp logistics để tăng hiệu quả đào tạo và sử dụng nhân lực logistics, đáp ứng xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành hiện nay.

logistics

Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng khoảng 14 - 16% mỗi năm; ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua thì ngành vẫn giữ được tăng trưởng ổn định. 

Sự tăng trưởng tích cực cùng những cơ chế, chính sách phát triển ngành logistics cũng kéo theo xu hướng phát triển đào tạo và sử dụng nhân lực logistics.

Mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực logistics phát triển mạnh mẽ

Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt trong đào tạo trình độ đại học đối với lĩnh vực logistics khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 công bố Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học.

Theo đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mã ngành riêng là 7510605 thuộc nhóm ngành Quản lý công nghiệp (mã 75106). Điều này đã thúc đẩy các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở bậc đại học.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học cũng đồng thời tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành liên quan đến logistics thuộc 07 mã ngành: Quản lý công nghiệp (mã 7510601), Kinh tế quốc tế (mã 7310106); Kinh doanh quốc tế (mã 7340120), Quản trị kinh doanh (7340101), Khai thác vận tải (mã 7840101), Kinh tế vận tải (mã 7840104), Khoa học hàng hải (mã 7840106)...

Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 cho biết, trong giai đoạn 2008 - 2021, số lượng trường và quy mô tuyển sinh bậc đại học đối với ngành/chuyên ngành logistics tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh là trường đầu tiên tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Logistics và vận tải đa phương thức tại Việt Nam. Sau 4 năm, đến năm 2012, cả nước mới có trường đại học thứ hai mở chuyên ngành logistics là Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với tổng quy mô tuyển sinh của cả hai trường chỉ đạt 171 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, giai đoạn 5 năm tiếp theo 2013 - 2018, đã có 15 trường đại học đào tạo về logistics với tổng quy mô tuyển sinh tăng gần 9 lần, đạt 1.533 sinh viên/năm. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây được xem là giai đoạn bùng nổ trong đào tạo nhân lực ngành/chuyên ngành logistics.

Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.

đào tạo nhân lực logistics
Nguồn: Khảo sát của Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021

Kéo gần khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn sử dụng nhân lực logistics

Mặc dù phát triển mạnh mẽ nhưng năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế; trong đó, nhân lực chính là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành hiện nay.

Khảo sát của Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 cho thấy, so sánh giữa kết quả tự đánh giá của các trường đại học đối với việc đảm bảo chuẩn đầu ra của sinh viên và đánh giá của doanh nghiệp đối với nhân lực tuyển dụng trình độ đại học, đánh giá của doanh nghiệp chỉ cao hơn so với chuẩn đầu ra sinh viên do các trường đại học tự đánh giá ở 3 tiêu chí là: Hiểu biết về thủ tục, quy định pháp luật liên quan; Kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề; ngoại ngữ chuyên ngành. Điều này cho thấy những tiêu chí vốn bị doanh nghiệp đánh thấp trước đây đã bắt đầu được cải thiện dù chưa nhiều.

Tuy nhiên, đối với các tiêu chí còn lại, đánh giá của doanh nghiệp đều thấp hơn so với tự đánh giá của các trường đại học. Đặc biệt, các tiêu chí liên quan đến kỹ năng (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học văn phòng) và đạo đức nghề nghiệp đang có khoảng cách rất lớn giữa đánh giá của doanh nghiệp và của các trường đại học. Đây chính là những tiêu chí mà các trường đại học cần cải thiện trong quá trình đào tạo của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc mới đây giữa Ban Hội viên Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tại Công ty Cổ phần VINAFCO, các hội viên VALOMA là các giảng viên ngành/chuyên ngành đào tạo nhân lực logistics cho biết: Những năm gần đây, ngành/chuyên ngành logistics luôn là ngành hấp dẫn thu hút đông đảo sinh viên thi vào các trường có đào tạo ngành này; gần đây nhất điểm trúng tuyển vào ngành này năm 2022 tiếp tục ở nhóm đầu của nhiều trường đại học. Khung chương trình, nội dung đào tạo chuyên ngành logistics ở các trường cũng thường xuyên được đổi mới, bổ sung theo hướng phù hợp xu thế và năng lực người học.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn có khoảng cách giữa lý thuyết đào tạo với thực tiễn sử dụng nhân lực logistics”, giảng viên Phạm Hoàng Linh, Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.

VALOMA
Đoàn VALOMA làm việc tại Công ty Cổ phần VINAFCO

Từ thực tiễn sử dụng nhân lực của một doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VINAFCO cho rằng, có được nguồn nhân lực tốt thì doanh nghiệp sẽ là người hưởng lợi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại có mục tiêu, định hướng phát triển riêng, do đó nhu cầu và những yêu cầu đối với nhân lực logistics cũng có sự khác nhau.

Hương - VINAFCO
Bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VINAFCO

 

"Với VINAFCO, bên cạnh trình độ chuyên môn thì chúng tôi đề cao những kỹ năng mềm của nhân sự; có thể nói đó chính là yêu cầu đối với việc tuyển dụng nhân sự của Công ty và cũng là Văn hóa VINAFCO mà chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng và phát triển: Tận tụy - Học hỏi và Sáng tạo không ngừng - Xông pha - Cam kết - Hiệu quả", bà Hương chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA cho biết, buổi làm việc và tham quan thực tế tại Công ty Cổ phần VINAFCO là hoạt động nằm trong chương trình do Ban Hội viên VALOMA phối hợp với các doanh nghiệp logistics nhằm tạo điều kiện, kết nối cho các hội viên VALOMA đến từ các cơ sở đào tạo nhân lực logistics có cơ hội tìm hiểu thực tế, trao đổi với các doanh nghiệp logistics về nhu cầu, chất lượng nhân sự.

"Đây là hoạt động thiết thực cho các nhà trường, các giảng viên ngành/chuyên ngành đào tạo nhân lực logistics và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các hội viên - giảng viên", ông Hải cho biết.

anh Hải
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA

Tại buổi làm việc, các hội viên VALOMA là những giảng viên trực tiếp quản lý, giảng dạy ngành/chuyên ngành đào tạo nhân lực logistics tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã chia sẻ, trao đổi về tình hình tuyển sinh và đào tạo nhân lực logistics hiện nay, những khó khăn trong giảng dạy, học tập cũng như mong muốn Công ty Cổ phần VINAFCO có sự hợp tác, trao đổi với đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường để tăng sự kết nối giữa đào tạo và thực tiễn sử dụng nhân lực logistics.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần VINAFCO đã thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, những yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng và sử dụng nhân sự. Lãnh đạo Công ty cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Ban Hội viên và các hội viên VALOMA để triển khai các chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo và tiếp nhận sinh viên ngành/chuyên ngành logistic của các trường đến tìm hiểu, thực tập thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp.

công ty VINAFCO

Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đây là yếu tố quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Trong thời gian tới, Ban Hội viên VALOMA sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động kết nối giữa các hội viên là các cơ sở đào tạo với những doanh nghiệp trong ngành, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nhân lực logistics.

Việt Hằng