Ngày 24/7/2021, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Viet Nam Association for Logistics Manpower Development - VALOMA) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2024 theo hình thức trực tuyến.
VALOMA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn 3 năm qua, đơn vị tiền thân của Hiệp hội là Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam đã đứng ra tổ chức nhiều chương trình và hoạt động bổ ích cho giảng viên, sinh viên nhằm kết nối giữa các trường với nhau và với các doanh nghiệp logistics trên khắp cả nước như: Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam, tọa đàm “Khởi nghiệp cùng logistics”, các chuyến đi khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp logistics...
Nhân lực logistics cần được đầu tư
TS. Mai Xuân Thiệu, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội cho rằng, nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực ngành logistics ở Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Không chỉ vậy, hệ thống giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo logistics vẫn còn thiếu và chất lượng chưa cao. Chương trình đào tạo, nội dung đào tạo còn thiếu và chưa được chuẩn hóa, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam và thương mại, hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa gắn kết trong đào tạo và tuyển dụng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dù những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics bậc đại học, nhưng đào tạo nhân lực logistics vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực logistics.
Đó là nhận thức chưa đồng đều của các trường cũng như xã hội, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hệ thống giáo trình chưa được chuẩn hóa, tính kết nối với doanh nghiệp còn thấp...
“Đây là điểm yếu mà chúng ta cần phải cải thiện nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics”, bà Thuỷ nhận định.
Xây dựng đội ngũ nhân lực logistics đủ về số lượng, mạnh về chất lượng
Những bất cập trên đòi hỏi ngành logistics cần có “bà đỡ” cho bài toán nhân lực. Hơn nữa, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về logistics cũng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với 5 nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành và tổ chức thực hiện tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021.
Do vậy, “việc thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp dành cho các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp tham gia công tác phát triển nhân lực logistics. Là một nhu cầu tất yếu, cấp bách để cùng đóng góp cho sự phát triển ngành logistics tiến nhanh, tiến mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ”, TS. Mai Xuân Thiệu nhấn mạnh.
Nhất trí với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, Hiệp hội ra đời là một sự kiện quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân luôn có chung khát vọng xây dựng một đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và hiệu quả của ngành logistics Việt Nam.
Việc thành lập Hiệp hội là một bước tiến cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Song để phát huy vai trò của Hiệp hội, bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, hoạt động của Hiệp hội cần tập trung vào việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành logistics; hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo logistics; nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên.
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, gắn đào tạo với thực hành, thực tập và thực nghiệp tại doanh nghiệp; thu hút và tạo ra nguồn nhân lực logistics chuyên nghiệp, chất lượng.
Hiệp hội cũng phải đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong đào tạo logistics; chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về logistics, tăng tính kết nối với doanh nghiệp và thực tiễn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội có thêm vai trò tư vấn, phản biện cho các cơ quan hoạch định chính sách của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến đào tạo logistics; nghiên cứu, cung cấp thông tin, tư vấn về các vấn đề liên quan đến logistics và đào tạo logistics.
Cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam, ... Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam sẽ cùng chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới.
Sau 4 giờ làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tích cực và dân chủ. Đại hội lần thứ I Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2024 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2021-2024 và thông qua Nghị quyết của Đại hội với tỷ lệ nhất trí cao của hội viên Hiệp hội.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2024: Ông Mai Xuân Thiệu (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cũng tại Đại hội, đại diện Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đã công bố việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội và các hiệp hội đối tác bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.