Chi phí logistics Việt Nam cao gần gấp đôi thế giới
Báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility mới công bố, cho thấy Việt Nam tăng thêm 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP. Cụ thể, Báo cáo chỉ rõ, chi phí vận tải hiện chiếm khoảng 59% trong chi phí logistics tại Việt Nam. Chi phí này đang chiếm 30-40% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, trong khi các nước là 15%. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Hơn nữa, tỷ lệ giao hàng không thành công khá cao, khoảng 10%, đẩy chi phí doanh nghiệp logistics tăng thêm do phát sinh chi phí lưu kho, kiểm đếm...
Nhìn lại năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đây là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các quy định về cách ly, giãn cách xã hội, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động gần như bị tê liệt...
Trong cả hai trường hợp, nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn rất lớn để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, trong số hơn 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, có tới 95% là doanh nghiệp trong nước, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 3.215 tỉ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy ngành logistics vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chia sẻ, thị trường vận tải hàng không Việt Nam nói chung và thị trường logistics hàng không nói riêng còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Cùng với những điều kiện thuận lợi từ các chính sách của Chính phủ như: tham gia các tổ chức ASEAN, APEC, WTO, các hiệp định FTA và “mở cửa” bầu trời, tự do hóa trong vận tải hàng không đã mở ra những cơ hội kinh doanh mới.
Trong tương lại, để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngoài vấn đề về cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng, đại diện ACV cho rằng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành.
Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam, bà Ngô Thị Trúc Anh nêu quan điểm, để dịch vụ logistics phát triển, cần xây dựng hệ thống logistics chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
“Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng và các doanh nghiệp Việt Nam từ doanh nghiệp sản xuất đến các doanh nghiệp vận chuyển, logistics cần tập trung đầu tư cho công nghệ, nỗ lực số hóa các khâu, từ giao hàng đến thanh toán… để việc giao hàng được thực hiện nhanh chóng nhất có thể”, bà Ngô Thị Trúc Anh chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện chuỗi cung ứng SmartLog Việt Nam cho hay, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi doanh nghiệp thì các doanh nghiệp nên cùng nhau bắt tay hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm.
“Để cùng nhau phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai, chúng ta nên hợp tác, bắt tay cùng nhau làm việc. Bởi muốn đi thật xa không thể đi một mình, mà phải đi cùng nhau", đại diện chuỗi cung ứng Smartlog Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel cũng đề cập trách nhiệm của một doanh nghiệp có quy mô và độ phủ thị trường lớn với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Ông mong muốn, các doanh nghiệp lớn sẽ tạo ra một cơ sở hạ tầng dùng chung để các doanh nghiệp nhỏ có thể cùng tận dụng được nguồn lực mà các doanh nghiệp lớn đã đầu tư, qua đó tiết kiệm nguồn lực xã hội để tập trung cho phát triển thị trường
Về phía các chuyên gia, để mở rộng được “sân chơi”, các doanh nghiệp logistic Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần nhanh chóng hướng đến chuyển đổi số và bước chân được vào chuỗi cung ứng, linh hoạt cung cấp giải pháp thanh toán, giải pháp logistics, các mô hình mới với đặc thù... Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics cũng như có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp logistics. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có chính sách ưu tiên mở rộng quỹ đất, đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics, nâng cấp và kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải…