Chiều 21/5, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII (2021-2024). Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tham dự trực truyến tại đầu cầu Hà Nội và có bài phát biểu chỉ đạo.
Logistics - ngành dịch vụ quan trọng
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.
Nhìn lại Nhiệm kỳ VII (2015 - 2020), ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, nhiệm kỳ VII là nhiệm kỳ có sự phát triển mạnh cả về chất và lượng của Hiệp hội và ngành dịch vụ logistics nói chung. Cụ thể, trong nhiệm kỳ, số lượng hội viên tăng từ 269 lên 483 (tính đến hết ngày 30/4/2021), gần gấp đôi, có nhiều Hội viên tiềm năng.
Đi cùng với đó, vai trò và vị thế của Hiệp hội đã được nâng lên rõ rệt đối với các cơ quan Nhà nước và tổ chức, hợp tác trong nước và quốc tế liên quan. Hiệp hội thực sự đại diện cho Hội viên và ngành dịch vụ logistics Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện 5 mục tiêu của Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Song, cũng theo Chủ tịch VLA, từ tháng 1/2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành logistics nước ta.
“Hầu hết các hội viên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng, các hội viên VLA đã thể hiện sự chống đỡ và thích ứng tốt với đại dịch để khôi phục và phát triển hoạt động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước”, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VII (2015-2020), đặc biệt là những đóng góp của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế; quảng bá, giới thiệu, kết nối hợp tác ngành nghề trong nước, khu vực và thế giới.
“Sự tham gia, góp ý của Hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành dịch vụ logisyics. “Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục 19,96 tỷ USD. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản được đảm bảo, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh.
Khẳng định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Cụ thể, chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14-16%. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.
“Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, logistics là lĩnh vực dịch vụ quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Chúng ta đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, nhưng so với yêu cầu của nền kinh tế vẫn còn cần nhiều hơn những nỗ lực”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Do đó, ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, "sát cánh" với cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Việt Nam có lợi thế trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế, đây là hướng đi mà cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Phát huy vai trò trung tâm, cánh tay nối dài của doanh nghiệp logistics
Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hiệp hội VLA là vô cùng quan trọng.
Cụ thể, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, Hiệp hội VLA phát huy vai trò, nói lên tiếng nói của mình trong những vấn đề nóng liên quan đến logistics. Điển hình như trong việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy do Covid-19, lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương bị hạn chế do các biện pháp chống dịch, tình trạng tăng cước vận chuyển đường biển và thu phí bất hợp lý…
Hiện nay có nhiều tổ chức, hiệp hội liên quan đến logistics ra đời như Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics, các hiệp hội logistics ở cấp địa phương... phản ánh sự quan tâm và nhu cầu hợp tác để phát triển dịch vụ logistics. VLA cần thể hiện vai trò của mình là một hiệp hội trung tâm, có tiếng nói đại diện cho cộng đồng logistics nói chung. Muốn vậy, bản thân VLA cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để khắc phục những hạn chế hiện tại, nâng cao vị thế của chính mình.
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý; Đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh đàm phán và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Cùng với đó, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật kịp thời cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực logistics cũng như những diễn biến mới, những sự kiện nóng của kinh tế thế giới và trong nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang.
Đây sẽ là hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng khẳng định.