Sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện trong nước và quốc tế.
Về điều kiện trong nước, trước hết, Người khẳng định công nghiệp hóa là một tất yếu khách quan và trở thành nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điểm độc đáo là, xuất phát từ một nước nông nghiệp lạc hậu, với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn xa, Người đã đi đến một quyết định rất đúng đắn: Cơ sở và tiền đề công nghiệp hóa là nông nghiệp, phải lấy nông nghiệp là khâu đột phá, công nghiệp hóa trên nền tảng nông nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc.
Từ điểm xuất phát ấy, Người đã xử lý thành công hàng loạt vấn đề mang tính lý luận liên quan đến cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp, coi công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế, chỉ rõ vai trò của thương nghiệp. Trong bài viết cho Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số 2 năm 1960) Người khẳng định: “Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà”.
Cùng với phát triển công nghiệp và nông nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa không thể thiếu vai trò đòn bẩy của thương nghiệp. Người khẳng định: “Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp”.
Nhìn nhận về các thành phần kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, căn cứ vào đặc điểm của kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng lớn mạnh, Người chủ trương: “Không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh”. (Mấy điểm lớn trong nội dung dự thảo hiến pháp sửa đổi - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12).
Về điều kiện quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra vai trò của cách mạng khoa học kỹ thuật, hợp tác, liên kết kinh tế, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ tiến bộ đối với cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa nói riêng. Trong các nguồn lực, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải coi nội lực là chính, có tính chất quyết định, nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng.
Trên cơ sở chỉ ra những điều kiện trong nước và quốc tế làm tiền đề thực hiện công nghiệp hóa ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến khái quát lý luận, có giá trị chỉ đạo toàn bộ quá trình công nghiệp hoá. Đó là: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường để tiến hành công nghiệp hóa. Cách đặt vấn đề và quan niệm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này trở thành nội dung trọng yếu của đường lối công nghiệp hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội III (năm 1960) đến nay