Theo thông tin các nhà nhập khẩu tại Nhật, hàng hóa Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tại Nhật, đặc biệt là thực phẩm vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nhật rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 13 về thị trường nhập khẩu của Nhật Bản trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Hiện tại, các mặt hàng nông sản Nhật nhập khẩu nhiều từ Việt Nam gồm: tôm, cà phê, tôm chế biến.

Nhật có số dân 120 triệu người, đây là thị trường tiềm năng. Các mặt hàng Việt nam xuất khẩu chủ yếu sang Nhật vẫn là các mặt hàng như thủy sản, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, hàng công nghiệp chế tạo, khoáng sản. Tổng mức tiêu dùng trong nước của Nhật Bản tăng nhanh, đạt khoảng 55% trong tổng mức tăng trưởng GDP. Do đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn để thâm nhập thị trường này. Theo các chuyên gia nhận định, ngoài các mặt hàng truyền thống nêu trên, trong thời gian tới, Việt Nam còn có thể tăng cường xuất khẩu mạnh vào thị trường Nhật Bản thêm ba nhóm hàng khác nữa là: nhóm hàng công nghiệp như sản xuất cơ khí, đúc…; thực phẩm chế biến; hàng rau, quả và hoa.

Tuy nhiên, Nhật vốn nổi tiếng là thị trường khó tính đối với hàng nhập khẩu về chất lượng sản phẩm cũng như về vấn đề an toàn sử dụng. Do đó, cho đến nay mặc dù Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam, thế nhưng tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản cũng như thị phần của hàng hóa Việt Nam trên đất Nhật vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Theo cam kết quả hiệp định đối tác kinh tế Việt Nhật ký cuối năm 2008, các thuế suất các mặt hàng thực phẩm nông sản như sầu riêng (2,5%), đậu bắp (3%) đã được áp thuế nhập khẩu 0%; cải ó xôi đông lạnh (6%) và ớt chuông (3%) sẽ được miễn thuế trong vòng 5 năm. Còn bắp ngọt (6%), gia vị cà ri (17%) miễn thuế sau 7 năm; cà phê rang (10%), trà (17%) và sẽ được miễn thuế trong 15 năm; mật ong tự nhiên (25%), song mặt hàng này được thiết lập giới hạn miễn thuế dưới 100 tấn/năm có thuế suất 12,8% và sau mỗi năm được tăng hạn mức lên 5 tấn và từ năm thứ 11 trở đi thì hạn mức là 150 tấn. Còn mặt hàng nước sốt cà chua hiện có thuế suất là 17% nhưng sẽ được giảm một nửa trong vòng 5 năm. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu tốt. Nếu đảm bảo về vấn đề chất lượng sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường Nhật. Như ý kiến của các chuyên gia, các mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống để đảm bảo tốt về chất lượng cần sản xuất theo phương pháp GAP trong nông nghiệp.

Để thâm nhập nhanh vào thị trường Nhật Bản, theo đại diện của tập đoàn Aeon, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa lớn nhất của Nhật cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành nhà cung cấp cho các nhãn hiệu riêng của các nhà bán lẻ tại Nhật. Dựa vào thương hiệu hiện có của đối tác Nhật để phát triển sản phẩm, doanh nghiệp cần tìm hiểu và lựa chọn đối tác để hợp tác.

Tuy nhiên, nếu làm nhà cung cấp cho nhãn hiệu riêng của các nhà phân phối hàng hóa của Nhật thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó quảng bá được thương hiệu của mình nhưng làm theo cách này lại tiết kiệm được chi phí và tiếp cận thị trường nhanh. Còn nếu “một mình một ngựa” đi vào thị trường Nhật sẽ gặp không ít rủi ro như bị phân biệt đối xử, doanh số bán hàng không cao do chưa có được lòng tin của người tiêu dùng.

Để có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại, các doanh nghiệp sẽ phải làm sao để hạ giá thành nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. ngoài ra, nhà sản xuất cần trao đổi với đối tác về các phương thức để cải thiện điều kiện sản xuất hàng hóa, từ đó sẽ giúp các mặt hàng vượt qua các quy định nghiêm ngặt của thị trường Nhật.

  • Tags: