Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã gặp sự cố, gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore của tuyến từ sáng 27/9.
Đơn vị vận hành tuyến cáp AAE-1 chưa công bố nguyên nhân gây ra sự cố. Các ISP tại Việt Nam cũng chưa nhận được thông báo của đối tác quản lý tuyến cáp về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
AAE-1 là tuyến cáp quang biển được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, có chiều dài 23.000km, giúp Việt Nam kết nối hướng đến khu vực châu Âu, Trung Đông cũng như bổ sung lưu lượng dự phòng đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn 1 tuyến cáp quang biển quốc tế khác là Asia Pacific Gateway (APG) cũng đang gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.
APG là một trong những tuyến cáp biển truyền dung lượng lớn kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Trong năm 2023, APG đã gặp sự cố từ gần cuối tháng 1 trên nhánh S9. Lịch khôi phục hoàn toàn tuyến cáp biển này đã liên tục bị lỗi hẹn do phát sinh thêm nhiều lỗi mới trên các nhánh S7, S9.
Như vậy, hiện tại có 2/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố, ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng kết nối Internet khi truy cập đến các trang web, dịch vụ và máy chủ đặt tại nước ngoài.
Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, để đảm bảo tính an toàn, bền vững của hệ thống cáp viễn thông kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, nằm trong kế hoạch triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống cáp viễn thông kết nối Việt Nam đi quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến cuối năm 2026 sẽ có thêm 3 tuyến cáp quang biển ADC, SJC2 và ALC có các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia đầu tư được đưa vào khai thác sử dụng. Đến năm 2030, các nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư thêm ít nhất 6 tuyến cáp biển kết nối quốc tế, trong đó có 3 tuyến do doanh nghiệp Việt Nam chủ trì.