UNCTAD: Thương mại toàn cầu đã phục hồi nhưng tương lai còn nhiều điểm chưa chắc chắn

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết giá trị thương mại hàng hoá trên toàn cầu trong quý 1/2021 đã vượt qua mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, hoạt động thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều điểm chưa chắc chắn trong thời gian tới.

Thương mại hàng hoá phục hồi mạnh

Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết hoạt động thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Tổng giá trị thương mại hàng hoá trên toàn cầu trong quý 1/2021 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4% so với quý 4/2020. Con số này cũng cao hơn đến 3% so với quý 1/2019 – thời điểm đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Sự hồi phục thương mại toàn cầu trong những tháng vừa qua chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu của các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, tăng mạnh. Đây cũng là những quốc gia sớm khống chế được đại dịch Covid-19 so với nhiều nước khác trên thế giới. Điều này cho phép các nền kinh tế Đông Á phục hồi sớm hơn và tận dụng được cơ hội khu nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu bùng nổ, đặc biệt là các loại trang thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại thông minh và trang thiết bị y tế.

Phục hồi thương mại toàn cầu
 Hoạt động thương mại toàn cầu chỉ mất 4 quý để phục hồi trở lại sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra (Ảnh: UNCTAD)

Nhà kinh tế học Alessandro Nicita thuộc UNCTAD cho biết sự phục hồi hoạt động thương mại toàn cầu sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đang diễn ra nhanh hơn so với hai lần khủng hoảng gần nhất. Theo đó, sau khi rơi xuống đáy dưới các tác động của dịch bệnh, hoạt động thương mại toàn cầu chỉ mất 4 quý để phục hồi và đến quý thứ 5 đã trở lại ngang bằng mức trước khi khủng hoảng xảy ra.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thương mại toàn cầu diễn ra hồi năm 2015 cần đến 13 quý để phục hồi trở lại nhờ sự thay đổi về cấu trúc kinh tế của nhiều quốc gia tại khu vực Đông Á cũng như sự suy giảm mạnh của giá các loại hàng hoá cơ bản. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009, nền kinh tế thế giới cũng cần đến 9 quý để hoạt động thương mại quốc tế hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD cũng cho biết hoạt động thương mại dịch vụ vẫn đang ở dưới ngưỡng trung bình.

Triển vọng thương mại toàn cầu trong năm 2021

UNCTAD nhấn mạnh triển vọng thương mại toàn cầu trong năm nay vẫn tiếp tục phụ thuộc vào mức độ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các nền kinh tế phát triển được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh đà phục hồi thương mại toàn cầu trong cả năm 2021.

Theo dự báo của UNCTAD, tổng giá trị thương mại hàng hoá – dịch vụ trên toàn cầu trong năm nay ước đạt 6.600 tỷ USD. Con số này cao hơn 31% so với mức đáy hồi năm 2020 và cao hơn khoảng 3% so với hồi năm 2019. Giá trị thương mại hàng hoá trên toàn cầu tăng lên phần nào cũng nhờ vào xu hướng tăng giá của các loại hàng hoá. Tuy nhiên, UNCTAD cũng cảnh báo hiện vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn khiến bức tranh thương mại toàn cầu chưa thực sự được định hình trong giai đoạn tới.

Theo UNCTAD, nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ chứng kiến những điểm chính như sau:

Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt sự phục hồi không đồng đều khi một số quốc gia bật tăng trưởng nhanh hơn và mạnh hơn so với một số nhóm nước khác sau đại dịch Covid-19. Trong đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu trong suốt năm 2021. Hoạt động thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo động lực lan toả đến các quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi như các quốc gia khu vực Đông Á, Canada và Mexico. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn tiếp tục gây ra tình trạng đứng gãy kinh tế và giao thương của nhiều nước đang phát triển cho ít nhất đến hết năm nay.

Thứ hai, xu hướng thu hẹp khoảng cách chuỗi cung ứng hoặc đưa hoạt động sản xuất về chính quốc sẽ tiếp tục nổi lên. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy và gây ra sự không chắc chắn đáng kể trong hoạt động của nhiều chuỗi giá trị vốn đang trải dài trên nhiều quốc gia hoặc cách xa thị trường tiêu thụ chính. Điều này đã thúc đẩy xu hướng thu ngắn chuỗi cung ứng và dịch chuyển hoạt động sản xuất về gần hơn khu vực tiêu thụ.

Xu hướng xuất hiện các hiệp định thương mại cấp khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do lục địa Châu Phi (AfCFTA) cùng với các căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn sẽ góp phần thay đổi mô hình hoạt động của các chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng khu vực hoá. Ngoài ra, khủng hoảng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao trong thời gian dài sẽ càng tạo động lực cho xu hướng thu hẹp khoảng cách chuỗi cung ứng và đưa hoạt động sản xuất về gần người tiêu dùng hơn.

Tàu container
 Khủng hoảng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao sẽ khiến các chuỗi cung ứng có xu hướng thu hẹp khoảng cách hơn (Ảnh: Angel DiBilio)

Thứ ba, nguy cơ dòng chảy thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn bởi các chính sách. Dự kiến các chính phủ trên toàn cầu sẽ sử dụng một loạt các chính sách nhằm phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh một số xung đột ngoại giao đã xuất hiện giữa các nền kinh tế cùng với đó là các thách thức trong hệ thống thương mại đa phương hiện nay, hoạt động thương mại toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro bị đứt gãy khi một số nền kinh tế tung ra các chính sách hạn chế thương mại như tăng cường bảo hộ nền kinh tế nội địa hoặc trả đũa kinh tế đối với các đối thủ.

Bên cạnh đó, việc nhiều nền kinh tế lớn hướng tới phát triển kinh tế bền vững hơn hậu đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các mô hình thương mại toàn cầu vốn đã được thiết lập từ trước đến nay. Ví dụ, các chính sách nhằm giải quyết tình trạng phát thải khí carbon thông qua việc điều chỉnh giá hàng hoá nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu.

Thứ tư, bất ổn kinh tế vĩ mô tăng cao do nợ tăng. Việc các chính phủ đẩy mạnh vay nợ nhằm chống đỡ các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 có thể khiến tình trạng bất ổn tài chính tăng lên. Ngay cả khi không có một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu nào xảy ra, việc gia tăng nợ và các nghĩa vụ tài chính khác vẫn đẩy các nền kinh tế vào tình trạng bất ổn.

Bất kỳ sự gia tăng nào của lãi suất cũng sẽ gây áp lực lên cả nền kinh tế đi vay cũng như khu vực tư nhân, từ đó dẫn đến những tác động tiêu cực đến dòng chảy vốn đầu tư và dòng chảy thương mại quốc tế. Các nước đang phát triển vốn có không gian chính sách tài khóa hạn hẹp sẽ là những đối tượng đối mặt rủi ro bất ổn cao nhất.

Cuối cùng, hành vi tiêu dùng thay đổi sau đại dịch Covid-19. Một số thay đổi trong hành vi tiêu dùng dưới các tác động của đại dịch Covid-19 có thể tồn tại lâu dài và ảnh hưởng đến nhu cầu một số nhóm hàng hoá và dịch vụ được nhập khẩu. Dưới các tác động của dịch bệnh, nhu cầu đối với một số loại hàng hoá đã tăng lên như: sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, thiết bị truyền thông và sản phẩm văn phòng tại nhà. Trong khi đó, một số sản phẩm và dịch vụ khác lại chứng kiến nhu cầu giảm xuống như thiết bị vận tải, du lịch quốc tế và dịch vụ khách sạn.

Duy Quang