Ứng phó phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu: Chủ động và kết nối

Phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài xuất hiện những tính chất mới, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự chủ động và kết nối với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp với nhau để ứng phó hiệu quả với các vụ việc.

Tọa đàm phòng vệ thương mại

Thời gian qua, số lượng vụ việc hàng hóa của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 10/2022 đã có 224 vụ việc; chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm nay thì đã có 16 vụ hàng hóa của Việt Nam bị điều tra tại các thị trường xuất khẩu.

Xu hướng của thương mại quốc tế

Chia sẻ về việc có nhiều vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra/ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, đầu tiên đó là việc hàng hóa của chúng ta ngày càng phát triển và các mặt hàng xuất khẩu ngày càng chiếm được thị phần lớn hơn tại thị trường nước ngoài.

Điều này có thể tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sử dụng những công cụ phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các cam kết quốc tế cho phép các nước áp dụng trong mức độ nhất định mà không vi phạm các cam kết đã có.

Bên cạnh đó, đây cũng là sự song hành giữa xu hướng hội nhập, mở cửa kinh tế của kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế khu vực với những công cụ bảo hộ được phép sử dụng khi cần thiết.

ông Trung - PVTM
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương

"Xu hướng hội nhập và xu hướng mở cửa ngày càng diễn ra sâu rộng hơn thì những biện pháp phòng vệ thương mại cũng sẽ tiếp tục xuất hiện và trở thành một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế; quan trọng là làm thế nào xác định được những rủi ro đó và có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó", ông Trung nhận định.

Theo ông Trung, với xu hướng hiện nay thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Những tính chất mới ở các vụ việc phòng vệ thương mại

Đáng lưu ý, không chỉ số lượng các vụ việc tăng lên thì cũng có những đặc điểm, tính chất mới ở các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải gần đây.

Thứ nhất, bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thì hiện nay bắt đầu xuất hiện các vụ việc mà nước ngoài, đặc biệt là một trong những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta như Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp mang tính chất biện pháp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một cách thức điều tra mới của cơ quan điều tra nước ngoài để mở rộng các biện pháp phòng vệ thương mại, không chỉ áp dụng với những nước đối tượng ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng với các nước khác.

Trong số 16 vụ việc chúng ta đang phải xử lý trong 11 tháng đầu năm 2022 cũng có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ hai, về thị trường điều tra phòng vệ thương mại hiện nay với hàng hóa của Việt Nam. Không chỉ giới hạn ở một số ít thị trường như Hoa Kỳ hay Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU… hiện nay nhiều vụ việc mới mở rộng ra ở các thị trường khác, liên quan đến những thị trường gần như một số nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Philippines… và những thị trường mà chúng ta vừa mới có hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra những cơ hội rất thuận lợi để phát triển hoạt động xuất khẩu như Mexico cũng đã có những vụ việc điều tra phòng vệ ban đầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, các tiêu chuẩn điều tra và các yêu cầu thủ tục của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp cũng có xu hướng chặt chẽ hơn, khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài nhằm đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho các doanh nghiệp của Việt Nam. 

trao đổi

Chia sẻ ý kiến của ông Chu Thắng Trung, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, khi Việt Nam trở thành đối tác của nhiều quốc gia hơn trong các FTA đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng trở thành một điểm đến thu hút hơn về mặt đầu tư, có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài từ rất nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trên thế giới có sự chuyển dịch sang Việt Nam tương đối đáng kể.

Điều này góp phần làm gia tăng rất nhiều các vụ việc nhắm vào Việt Nam trong giai đoạn gần đây, riêng trong năm 2022 các vụ việc phòng vệ thương mại có sự gia tăng đáng kể đối với loại hình điều tra mới là điều tra chống lẩn tránh.

Về bản chất, điều tra chống lẩn tránh nghĩa là biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng ở tại một quốc gia khác nhưng sau đó có thể các doanh nghiệp nước này chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước áp dụng biện pháp đó thông qua Việt Nam, từ đó dẫn tới hàng hóa Việt Nam cũng bị áp dụng hoặc là bị điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại.

"Với việc đó thì các doanh nghiệp của Việt Nam phải hết sức cẩn trọng và ngoài vấn đề quan tâm đến giá bán, chi phí sản xuất của chính mình thì còn phải quan tâm đến diễn biến liên quan tới các vụ việc hoặc là các biện pháp áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế", bà Thảo khuyến cáo.

Thy Thảo
Dẫn chương trình Tọa đàm - Nhà báo Thy Thảo

Khó khăn của doanh nghiệp

Chia sẻ về vụ việc xi măng Việt Nam bị Philippines điều tra phòng vệ thương mại, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, lần đầu tiên doanh nghiệp trong ngành Xi măng làm quen với việc hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài bị khởi kiện, điều tra.

Là một trong những nhà xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, Việt Nam xuất khẩu xi măng đi rất nhiều thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, Úc.... Trong đó Philippines, Trung Quốc, Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất, đặc biệt Việt Nam hiện chiếm khoảng 92% tổng lượng xi măng nhập vào Philippines.

"Có lẽ chính vì vậy cho nên các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ và năm 2021 các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam bị Philippines kiện chống bán phá giá", ông Long thông tin.

ông Long - Xi măng
Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Ông Long cho biết, khi xảy ra vụ việc, các doanh nghiệp ngành xi măng mới bắt đầu tiếp cận tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề như: thế nào là phòng vệ thương mại, thế nào là bán phá giá khi xuất khẩu tại thị trường nước ngoài, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải trả lời nhiều câu hỏi điều tra của Ủy ban điều tra phía Philippines... và nhận thức được rằng, nếu như Philippines áp dụng thuế chống bán phá giá thì khả năng sẽ có những doanh nghiệp phải chịu mức thuế lên đến 23%, gây thiệt hại rất lớn cho công tác xuất khẩu của ngành.

Qua thực tiễn tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có vụ việc của xi măng tại Philippines, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, thực ra Việt Nam đã va vấp với các vụ việc về phòng vệ thương mại đầu tiên từ những năm 2002, 2003; tuy nhiên những vụ việc đó thường tập trung vào một số ngành hàng cụ thể và có thể chỉ những doanh nghiệp đó bị va vấp nên nắm được, còn những doanh nghiệp khác chưa va vấp bao giờ.

"Như xuất khẩu xi măng năm vừa rồi khi bị kiện cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp liên quan biết đến khái niệm về điều tra chống bán phá giá là điểm không thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Quan trọng nhất bởi vì họ chưa nắm được thông tin dẫn đến họ cũng chưa nhận thức được đầy đủ về những rủi ro trong vấn đề nếu như không tham gia hoặc tham gia nhưng biện hộ không hiệu quả", bà Thảo chia sẻ.

bà Thảo - VP Luật
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN

Chủ động và tận dụng mọi kết nối, hỗ trợ

Với xu hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như các FTA thế hệ mới hiện nay đều có riêng một chương quy định về phòng vệ thương mại thì có thể nói xu hướng các nước tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung, trong đó có hàng hóa Việt Nam ngày càng trở thành hoạt động thông thường của thương mại quốc tế.

Các FTA cho phép áp dụng cơ hội tiếp cận thị trường cũng kèm theo những rủi ro mà nếu như tiếp cận thị trường ở mức độ nhất định gọi là tăng trưởng nhanh có thể sẽ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp phải những rủi ro về việc bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại giống như câu chuyện của ngành xi măng.

Tuy nhiên, theo ông Chu Thắng Trung, những rủi ro đấy chúng ta cũng xác định được rằng có thể có, và bằng những giải pháp phù hợp chúng ta có thể hạn chế hoặc thậm chí tiến tới ngăn ngừa những biện pháp phòng vệ thương mại không mong muốn xảy ra với các doanh nghiệp của Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta cũng đang tiếp cận theo phương pháp đó để các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có vai trò đặc biệt của Bộ Công Thương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các địa phương để có những giải pháp hỗ trợ ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Trước hết là những cảnh báo trước đối với các doanh nghiệp về những mặt hàng, những nhóm hàng, những thị trường có khả năng bị sẽ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời tiếp tục có những hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp hiểu về cách thức và những nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, vai trò của doanh nghiệp như thế nào…

Ngoài những công tác hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có sự tiếp cận với cơ quan điều tra nước ngoài để chia sẻ và có những ý kiến chính thức của Bộ Công Thương Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng các cuộc điều tra với các doanh nghiệp Việt Nam đều phải tiến hành một cách công khai minh bạch và tuân thủ các cam kết quốc tế và các FTA, cũng như trong các tổ chức thương mại đa phương như Tổ chức thương mại thế giới, làm sao đảm bảo được hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp.

Hiện nay, với việc tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, theo thời gian tham gia vào các đợt rà soát hành chính hằng năm, nhận thức cũng như đầu tư của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng ngừa và khắc phục các biện pháp phòng vệ thương mại cũng được nâng cao; không chỉ trong quá trình tham gia biện pháp phòng vệ thương mại mà còn trong việc hỗ trợ và hợp tác với Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước để giảm thiểu được tác động từ các biện pháp đó.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia vụ việc xi măng bị điều tra phòng vệ thương mại hiện vẫn chưa kết thúc, ông Lương Đức Long cho rằng phải có nhiều mũi nhiều lực lượng tập hợp với nhau để giải quyết vụ việc.

"Khi được thông báo, việc đầu tiên chúng tôi phải tìm hiểu xem ở bên kia ai kiện mình và họ kiện với nội dung gì, kiện sản phẩm nào của mình xuất vào thị trường đó. Chúng tôi phải trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại về các khả năng nếu như họ kiện thế này mà mình không làm gì, không có phản ứng lại thì nếu như họ đánh thuế đến hơn 20%, mình sẽ rất thiệt hại và có khả năng mất một thị trường xuất khẩu khá lớn. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy, bản thân từng doanh nghiệp không thể làm được việc này, cho nên bước đầu tiên thực tế chúng tôi phải tập hợp tất cả các nhà xuất khẩu để trao đổi, chia sẻ về vụ việc. Sau đó chúng tôi phải tìm đến một tổ chức về luật có kinh nghiệm để được tư vấn bởi vì khi chúng ta làm với các cơ quan, đối tác nước ngoài thì chúng ta phải dựa trên luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại...", ông Long chia sẻ. 

Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần khắc phục tâm lý e ngại và chủ động tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, công ty tư vấn luật,... các diễn giả cho rằng, chính các doanh nghiệp có một vai trò chủ động và tích cực trong việc tham gia các hoạt động điều tra áp dụng biện pháp bảo vệ thương mại này, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các vụ việc điều tra thì mới có thể đảm bảo được kết quả tốt nhất cho chính mình.

Cùng với đó cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng; với vai trò đầu tàu của hiệp hội để kết nối các doanh nghiệp đảm bảo khi xử lý một vụ việc phòng vệ thương mại thì đó không chỉ là công việc của một doanh nghiệp mà là công việc của cả một ngành sản xuất. Bởi lợi ích sẽ ảnh hưởng là lợi ích của cả một ngành và sẽ có những thông tin cần sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau thông qua cầu nối hiệu quả là hiệp hội ngành hàng.

Một điểm nữa là sự liên kết với các đối tác, những bên liên quan có thể có chung lợi ích với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như những đối tác nhập khẩu của doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu. Trong một vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, khi cần thiết các đối tác nhập khẩu sẽ có những hoạt động đấu tranh, phản biện và là một kênh thông tin hữu ích từ nước sở tại cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý vụ việc phòng vệ thương mại làm sao đảm bảo hiệu quả nhất.

tọa đàm

Việt Hằng