Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh sang với thị trường CPTPP kèm theo đó tạo ra áp lực cạnh tranh đối với những doanh nghiệp trên địa bàn sở tại. Vì vậy các nước thành viên có thể sử dụng những công cụ phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới cũng như Hiệp định CPTPP cho phép để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này.
Rủi ro phòng vệ thương mại làm mất cơ hội xâm nhập thị trường CPTPP
Trao đổi tại Tọa đàm "Hạn chế và rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP" do VTC News tổ chức gần đây, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh chúng ta đã tham gia ký kết và đưa Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực, hiện nay chúng ta đang có quan hệ đối tác thương mại tự do với 10 quốc gia thành viên của CPTPP. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình thông qua tận dụng các cam kết giảm thuế trong Hiệp định CPTPP.
Cụ thể, trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sang thị trường các nước CPTPP đạt đến 45,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chỉ trong tám tháng đầu năm 2022 xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này đạt 41 tỷ USD, tăng 38% so cùng kỳ năm trước.
Hai thị trường chúng ta lần đầu có quan hệ đối tác thương mại tự do là Canada và Mexico ghi nhận tăng trưởng mạnh. Đối với Canada, trong năm 2021 chúng ta đã xuất khẩu 5,3 tỷ USD, tăng 75% so cùng kỳ trước; với Mexico chúng ta xuất khẩu 4,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng 100% so cùng kỳ trước đó.
Tuy nhiên cần phải lưu ý rủi ro đi kèm từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà Hiệp định CPTPP cho phép các thành viên được áp dụng nếu như đáp ứng một số điều kiện nhất định. Các biện pháp phòng vệ thương mại này bao gồm những biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ nếu được áp dụng sẽ khiến cho mức thuế nhập khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng ở mức rất thấp sẽ bị đẩy lên mức rất cao, như vậy sẽ khiến hàng hóa của chúng ta mất đi cơ hội xâm nhập vào thị trường các nước CPTPP.
"Trong số những điều kiện đó, một trong những điều kiện ban đầu là lượng xuất khẩu của chúng ta có sự tăng trưởng lên gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu là điều kiện rất dễ dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một rủi ro mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm lưu ý có sự chuẩn bị trước để có thể tận dụng tốt được những cơ hội duy trì được hoạt động xuất khẩu bền vững của các doanh nghiệp", ông Trung lưu ý.
Chủ động phòng tránh những rủi ro
Các chuyên gia cho rằng, để phòng tránh những rủi ro bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bên cạnh hệ thống thông tin cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng hay thông tin từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài thì doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện. Khi bị kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện xem đó là thị trường quan trọng không thể bỏ được thì đầu tư tham gia ứng phó hay là chuyển hướng sang thị trường khác. Mặt khác, trong bất kỳ vụ kiện phòng vệ thương mại nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của các cơ quan, chuyên gia về lĩnh vực này.
Để ứng phó với việc bị điều tra phòng vệ thương mại có thể xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CCPP, theo ông Chu Thắng Trung, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để việc bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu.
Trước tiên doanh nghiệp phải nắm được nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, qua đó doanh nghiệp mới biết được cần phải làm những gì. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm để tránh lệ thuộc vào một sản phẩm của một thị trường nhất định, nhằm đảm bảo nếu rủi ro xảy ra chúng ta có thể có những hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, phân tán bớt rủi ro.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng cạnh tranh chất lượng, không cạnh tranh giá, hạn chế thấp nhất rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại.
Nếu chẳng may bị điều tra phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, phối hợp với hiệp hội cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Cục Phòng vệ thương mại để được cung cấp thông tin, cách thức xử lý; Duy trì hệ thống sổ sách chứng từ liên quan hoạt động giao dịch sản xuất, xuất khẩu, lưu trữ khoa học để phòng trường hợp xảy ra vụ việc điều tra chúng ta chứng mình bằng chứng từ với cơ quan điều tra. Tùy theo từng vụ việc doanh nghiệp cân nhắc sử dụng hỗ trợ tư vấn luật sư chuyên về phòng vệ thương mại, phối hợp với đối tác xuất nhập khẩu.