Ứng phó với phòng vệ thương mại: Kinh nghiệm của ngành Xi măng

Ngành xi măng là một trong số những ngành thời gian qua phải ứng phó với việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu.
Ông Long - Hiệp hội Xi măng
TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã trao đổi với Tạp chí Công Thương về kinh nghiệm ứng phó của ngành Xi măng với các vụ việc phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xi măng Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh sẽ nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại

PV: Ông có thể chia sẻ về một số đặc điểm của những vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại mà ngành xi măng phải ứng phó trong thời gian vừa qua và chúng ta đã ứng phó ở những thị trường nào? Những vụ việc đó diễn biến như thế nào, có kết quả ra sao, thưa ông?

TS. Lương Đức Long: Về sản xuất xi măng, hiện nay chúng ta cũng có thể nói là một cường quốc sản xuất xi măng với sản lượng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xuất khẩu xi măng của chúng ta ngày càng tăng.

Khi trở thành một nhà xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh sẽ hay bị các nước chú ý để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với ngành xi măng cũng thế. Theo số liệu năm 2021 Việt Nam trong nhóm nước thứ nhất hoặc thứ hai về xuất khẩu xi măng trên thế giới và chúng ta xuất khẩu đi rất nhiều thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, Úc…. Trong đó Philippines và Trung Quốc, Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất, đặc biệt Philippines là nước hiện nay đang nhập khẩu xi măng và Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất, chiếm khoảng 92% tổng lượng xi măng nhập khẩu vào Philippines.

Có lẽ vì vậy nên các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ và năm 2021 các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam bị họ kiện chống bán phá giá.

Với vụ việc này, trong ngành xi măng lần đầu tiên chúng tôi lần đầu tiên biết đến câu chuyện phòng vệ thương mại và cũng lần đầu tiên biết đến chuyện mình bán xi măng ra nước ngoài đã chấp hành đầy đủ tất cả các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, quy định của nước nhập khẩu và quy định của nước mình nhưng cuối cùng lại bị kiện bán phá giá.

Ngay cả định nghĩa về bán phá giá đối với hàng xuất khẩu vào Philippines khi tiếp cận với vụ việc này chúng tôi mới biết được khái niệm thế nào là bán phá giá khi xuất khẩu; không phải là bán dưới giá thành mà người ta lại so sánh với giá bán trong nước họ. Đối với chúng tôi những khái niệm đấy cũng khá mới mẻ.

Khi đó Philippines thành lập Ủy ban điều tra và họ yêu cầu các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải trả lời rất nhiều câu hỏi điều tra và nếu như Philippines áp dụng thuế chống bán phá giá thì khả năng có những doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế lên đến 23%, thiệt hại rất lớn cho công tác xuất khẩu. Chính vì việc đó cho nên mặc dù là lần đầu tiên nhưng chúng tôi đã bàn bạc với nhau và cũng đã tập hợp lực lượng để có thể đối phó lại với việc kiện bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất xi măng Philippines.

Kinh nghiệm ứng phó từ vụ việc xi măng bị kiện ở Philippines

PV: Ông có thể chia sẻ ngành xi măng đang gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào trong quá trình hội nhập cũng như khi thực hiện các giải pháp để hạn chế việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ở góc độ hiệp hội có những hành động như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế những rủi ro này?

TS. Lương Đức LongNhư tôi đã trao đổi, đây là lần đầu tiên trong ngành xi măng mới tiếp cận việc khi xuất khẩu bị kiện biện pháp phòng vệ thương mại từ phía các nước nhập khẩu. Khi chúng tôi được thông báo thì việc đầu tiên chúng tôi phải tìm hiểu xem ở bên kia là ai kiện mình và họ kiện với nội dung gì.

Sau khi tìm hiểu chúng tôi biết rằng các nhà sản xuất xi măng nội địa của Philippines gọi là nội địa nhưng đấy lại là những công ty đa quốc gia có nhà máy ở Philippines. Họ kiện mình bán phá giá làm cho họ khó khăn tại thị trường trong nước, không bán được sản phẩm.

Thứ hai chúng tôi tìm hiểu xem mình xuất vào thị trường đó loại sản phẩm nào, ví dụ xi măng có hàng chục loại thì mình xuất vào đấy loại gì và họ kiện loại gì thì mình phải tìm hiểu.

Vấn đề thứ ba phải tìm hiểu, lúc bấy giờ chúng tôi có trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) xem nếu như họ kiện thế này mà mình không làm gì họ sẽ áp thuế thế nào. Chúng tôi thấy nếu như không làm gì, không có thái độ phản ứng lại thì sẽ rất thiệt hại và có khả năng nếu như họ đánh thuế đến hơn 20% thì không thể xuất khẩu xi măng vào Philippines, sẽ mất thị trường xuất khẩu khá lớn.

Sau khi tìm hiểu xong, chúng tôi thấy rằng bản thân từng doanh nghiệp không thể làm được việc này cho nên bước đầu tiên thực tế Hiệp hội phải đứng ra làm đầu mối tập hợp tất cả các nhà xuất khẩu để bàn thảo, trao đổi về việc chúng ta xuất khẩu vào thị trường, hiện nay gặp vấn đề như thế này, nội dung như thế này, mục đích của họ như thế này… Sau đó chúng tôi phải tìm đến một tổ chức về luật có kinh nghiệm để phối hợp với nhau ứng phó.

Vấn đề thứ hai khi chúng ta làm với nước ngoài, các đối tác thì chúng ta phải dựa trên luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại. Các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại ngoài việc hỗ trợ giải thích, cập nhật thông tin về tiến trình vụ việc còn là một kênh trao đổi đàm phán giữa Nhà nước Việt Nam, giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Philippines.

Theo chúng tôi thấy có một số vấn đề cần lưu ý. Phải hiểu rõ và trả lời một cách chuẩn mực và đúng thời hạn những câu hỏi điều tra của cơ quan điều tra của nước nhập khẩu. Bởi vì chỉ cần không đúng thời hạn là họ không chấp nhận hồ sơ hoặc trừ điểm của mình trong quá trình điều tra, cho nên phải hiểu rõ để đáp ứng yêu cầu, mà muốn hiểu rõ phải phối hợp rất nhiều cơ quan.

Ví dụ như vụ việc của xi măng, muốn so sánh, chứng minh, phản bác là chúng ta không bán phá giá ở nước họ thì phải hiểu đấy là loại xi măng nào và loại xi măng đấy ở Việt Nam bán như thế nào, phải phân tích cơ cấu giá bán, chi phí logistics, quá trình phân phối… của nhà sản xuất như thế nào, sau khi cung cấp những dữ liệu đấy cho luật sư; luật sư thay mặt doanh nghiệp, hiệp hội để cung cấp các tài liệu phản bác gửi sang Cơ quan điều tra của Philippines.

Đồng thời, chúng tôi cũng phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước là Cục Phòng vệ thương mại để dưới góc độ giữa Nhà nước với Nhà nước cũng có ý kiến ủng hộ doanh nghiệp, hiệp hội.

Trong giải trình thì theo kinh nghiệm của chúng tôi, phải nói được rõ hai vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, phải chứng minh giá bán của chúng ta và thị trường Philippines không phải là bán phá giá, không thấp hơn giá chúng ta bán sản phẩm ở Việt Nam.

Vấn đề thứ hai phải chứng minh rằng chúng ta không làm tổn hại đến sản xuất xi măng trong nước họ mà xi măng trong nước họ gặp khó khăn vì những yếu tố nội tại, không phải do chúng ta bán phá giá.

Nói về yếu tố nội tại ngành xi măng Philippines làm thế nào để biết được là vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải liên hệ mới có được thông tin. Khi đấy chúng tôi có liên hệ với Hiệp hội Xi măng Philippines và chúng tôi trao đổi để họ nắm được nội dung vụ việc, những căn cứ, lý giải chúng tôi không bán phá giá và mong muốn giải trình để nhận được sự ủng hộ của họ.

Một yếu tố rất quan trọng trong vụ việc xi măng vừa rồi là các nhà nhập khẩu. Về mặt tâm lý, các nhà nhập khẩu Philippines ủng hộ chúng ta bởi chúng ta là khách hàng của họ, những nhà nhập khẩu có liên quan quyền lợi cùng doanh nghiệp chúng ta cho nên chúng tôi liên hệ cơ quan tư vấn luật làm việc với các nhà nhập khẩu Philippines để tranh thủ sự ủng hộ, như vậy chúng ta phải có nhiều mũi, nhiều lực lượng tập hợp với nhau để giải quyết vụ việc.

Lần đầu ứng phó với phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu, chúng tôi cũng nhận thức rằng vụ việc sẽ còn kéo dài, nhưng có thể nói với việc thực hiện nhiều hành động nên đến nay dù vụ việc chưa kết thúc hoàn toàn, tuy nhiên đã giành được những thắng lợi ban đầu.

PV: Ông vừa chia sẻ về hành trình mà ngành xi măng ứng phó với việc bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Philippines. Vậy từ câu chuyện mà ngành xi măng đã đối diện, ông có đề xuất những hỗ trợ như thế nào từ phía cơ quan quản lý trong thời gian tới và có những khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp của chúng ta để có thể giảm thiểu hơn nữa những rủi ro bị điều tra hay bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu?

TS. Lương Đức Long: Qua vụ việc vừa rồi của xi măng, chúng tôi thấy có mấy vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, đối với những vụ kiện như kiện bán phá giá thì cơ quan điều tra của nước nhập khẩu không hỏi Hiệp hội Xi măng mà họ hỏi, điều tra từng doanh nghiệp liên quan, do đó từng doanh nghiệp phải hiểu rất rõ các câu hỏi và phải trả lời đúng. Để hiểu rõ và hiểu đúng rất cần hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại, hỗ trợ từ Hiệp hội với những chuyên gia cung cấp, phân tích thông tin tổng thể cho các doanh nghiệp.

Vấn đề thời hạn trả lời cũng rất quan trọng. Đặc biệt có những trường hợp doanh nghiệp trả lời chậm bởi vì chưa bao giờ tiếp xúc với các vụ việc phòng vệ thương mại, thậm chí quản trị của doanh nghiệp đôi khi còn thiếu đồng bộ. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có khi không phải kiện thời điểm hiện tại mà họ kiện từ số liệu mấy năm trước, nếu doanh nghiệp không có được dữ liệu ấy sẽ không trả lời được câu hỏi chính xác. Mặt khác, nếu không có những phân tích kỹ thuật bởi vụ việc cũng liên quan đến kỹ thuật thì câu trả lời cũng sẽ không chính xác.

Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng sự hiểu biết của các doanh nghiệp về việc khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể sẽ gặp khó khăn gì, gặp rào cản gì… và có nguy cơ gì về vấn đề phòng vệ thương mại... còn rất ít. Cho nên theo tôi cần tăng cường công tác truyền thông, tập huấn cho các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Phương