Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao bắt nhịp khu vực và thế giới

Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Chương trình gồm 3 chương trình thành phần gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương chủ trì) và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì).

Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 20/8/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn mới, Chương trình được xác định sẽ tiếp tục kế thừa, phát triển hơn nữa các thành quả khoa học công nghệ trước đó, đồng thời triển khai các nhiệm vụ, dự án bám sát vào yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương và đất nước trong bối cảnh tham gia sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chương trình có mục tiêu nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và hệ sinh thái doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo đó, Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm:

Thứ nhất, phát triển và làm chủ một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Thứ hai, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong Danh mục sản phẩm được khuyến khích phát triển, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong đó, tập trung định hướng ưu tiên phát triển các lĩnh vực có nhiều ưu thế cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hoá. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, triển khai thành công ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp, có tính lan tỏa về mặt khoa học công nghệ và kinh tế-xã hội.

Thứ ba, góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao; hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Về chỉ tiêu đánh giá, Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đánh giá cụ thể bao gồm chỉ tiêu về ứng dụng và chỉ tiêu về trình độ khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và đào tạo.

Với chỉ tiêu ứng dụng, yêu cầu 100% dự án tham gia phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp và được ứng dụng, thử nghiệm tại doanh nghiệp. Tối thiểu 70% đề tài, dự án có vốn đối ứng ngoài ngân sách và không dưới 70% đề tài, dự án đủ điều kiện trở thành sản phẩm thương mại, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường.

Chỉ tiêu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và đào tạo đặt ra yêu cầu tối thiểu 70% công nghệ đạt chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật tương đương với công nghệ tiên tiến các nước trong khu vực hoặc trên thế giới. Ngoài ra, ít nhất 80% đề tài, dự án phải được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ uy tín trong nước hoặc quốc tế. Đồng thời không dưới 60% đề tài, dự án phải được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong giai đoạn trước đó, Chương trình đã triển khai thành công nhiều nhiệm vụ, xây dựng một số dự án điển hình ứng dụng công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hóa.

Một số dự án thành công điển hình như làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh thông tin quang, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hội chẩn y tế từ xa và kết nối liên thông dữ liệu các bệnh viện, ứng dụng công nghệ cao trong y sinh hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh ở người và sản xuất kit xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung… Các dự án đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng làm chủ các công nghệ cao tiên tiến trên thế giới, thúc đẩy sản suất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao theo danh mục ưu tiên, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực.

Trong quá trình thực hiện, Vụ Khoa học và Công nghệ với vai trò được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý tổ chức sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị đăng ký tham gia, hướng dẫn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình thủ tục. Đồng thời, Vụ cũng sẽ thúc đẩy, giúp kết nối doanh nghiệp và các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để đảm bảo các nhiệm vụ, dự án có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học - sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao vượt trội, có sức cạnh tranh trên thị trường, theo đúng mục tiêu và định hướng đã đề ra.

Linh Chi