Lý do chậm nộp BCTC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn không được chấp thuận
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nhận được đề nghị gia hạn thời gian nộp và công bố Báo cáo tài chính quý 3/2023 (báo cáo riêng và hợp nhất) ngày 27/10 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC - sàn HoSE) nhưng lý do mà Vĩnh Hoàn đưa ra không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng.
Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị Thuỷ sản Vĩnh Hoàn thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định.
Trước đó, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đã có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin chậm nộp Báo cáo tài chính quý 3/2023 tới chậm nhất ngày 15/11/2023 do doanh nghiệp và các công ty con đang phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong thời gian từ ngày 19/10/2023 đến ngày 27/10/2023 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 (POR 19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, khiến doanh nghiệp chưa kịp lập báo cáo tài chính.
Theo quy định tại Khoản 3c Điều 14 của Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài Chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì Thuỷ sản Vĩnh Hoàn phải công bố Báo cáo tài chính quý 3/2023 chậm nhất vào ngày 30/10/2023.
Dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) cho thấy, tính đến ngày 31/10, chỉ còn 04 doanh nghiệp chưa nộp Báo cáo tài chính quý 3/2023 gồm Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã cổ phiếu DAG), Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã cổ phiếu IBC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã cổ phiếu SJF). HoSE cũng đã có nhắc nhở và đề nghị các công ty trên khẩn trương công bố Báo cáo tài chính quý 3/2023 theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Kỳ vọng kinh doanh phục hồi trong nửa cuối năm
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 cho thấy Thuỷ sản Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu 4.970 tỷ đồng và lãi ròng 655 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này mới thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và hơn 65% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Ban lãnh đạo Thuỷ sản Vĩnh Hoàn chia sẻ kết quả kinh doanh kém tích cực là do cả sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 6/2023, doanh nghiệp cho biết doanh thu từ thị trường Mỹ (chiếm 30% - 35% doanh thu) giảm 25%; và thị trường châu Âu (chiếm 20% doanh thu) giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tình trạng chung của toàn ngành thuỷ sản Việt Nam.
Thuỷ sản Vĩnh Hoàn hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần chi phối tại Mỹ, Canada và Anh.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ khởi sắc rõ rệt trong nửa cuối năm nay khi các thị trường trọng điểm bước vào mùa cao điểm tiêu thụ cũng như lượng hàng tồn kho đã giảm xuống.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, đơn đặt hàng trong quý 3/2023 đã được cải thiện so với quý 2/2023 cả về sản lượng và giá tiêu thụ. Trong quý 2/2023, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này sang Mỹ và Trung Quốc đã lần lượt tăng 31% và 43% so với quý 1/2023. Đồng thời, tỷ suất lãi gộp cũng được cải thiện từ mức 17,3% lên 20,7% trong quý 2/2023.
Ngoài ra, giá cá giống đang tăng lên do nguồn cung suy giảm sẽ là điểm hỗ trợ cho giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn nói riêng tăng lên. Việc tái thả nuôi và cho ăn cầm chừng trong giai đoạn đầu quý 2/2023 sau giai đoạn giá cá lao dốc và dịch bệnh phức tạp đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cung cá tra trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 7/11, cổ phiếu VHC có giá tham chiếu tại mức 69.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với thời điểm đầu năm nay.