Vai trò của nhà nước và thị trường trong giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế ở Việt Nam hiện nay

THS. HOÀNG THỊ HỒNG ĐÀO (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu một số vấn đề về vai trò của Nhà nước và thị trường trong việc bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế ở Việt Nam. Việc hài hòa lợi ích kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn. Trên cơ sở phân tích 3 nội dung về vai trò của Nhà nước - vai trò của thị trường và mối quan hệ giữa vai trò của Nhà nước, thị trường trong giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, tác giả đưa ra một số nhận xét, đề xuất giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: nhà nước, thị trường, vai trò, lợi ích kinh tế, hài hòa các lợi ích kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế thị trường ở các nước trên thế giới và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, lợi ích kinh tế là vấn đề đang được quan tâm. Để phát triển kinh tế bền vững, Đảng ta xác định: “Bảo đảm lợi ích, sự kết hợp hài hòa các lợi ích và phương thức thực hiện lợi ích công bằng, hợp lý cho mọi người, cho các chủ thể, nhất là lợi ích kinh tế”. Việc giải quyết các quan hệ lợi ích một cách hài hòa, chính là tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Vì vậy, phân tích để nhận thấy rõ tầm quan trọng của Nhà nước và thị trường trong việc bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế, nhằm gia tăng thu nhập cho các chủ thể kinh tế; hạn chế mâu thuẫn, tăng cường sự thống nhất; xử lý kịp thời khi có xung đột là rất cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết

Một số khái niệm

Lợi ích kinh tế là lợi ích vật chất, lợi ích thu được khi thực hiện các hoạt động kinh tế của con người. Lợi ích kinh tế phản ánh mục đích và động cơ của quan hệ giữa các chủ thể kinh tế. Về biểu hiện lợi ích kinh tế: lợi nhuận (gắn với chủ doanh nghiệp), thu nhập (gắn với người lao động). Lợi ích kinh tế giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định nhất, là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của mỗi con người nói riêng cũng như xã hội nói chung. Lợi ích kinh tế là động lực cho các hoạt động kinh tế của sự phát triển xã hội.

Phương thức thực hiện lợi ích kinh tế trong các quan hệ lợi ích chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc thị trường và thực hiện lợi ích kinh tế theo chính sách của Nhà nước và vai trò của các tổ chức xã hội.

Hài hòa các lợi ích kinh tế là sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích kinh tế của các chủ thể, trong đó mặt mâu thuẫn được hạn chế, tránh được va chạm, xung đột; mặt thống nhất được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, từ đó tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế, góp phần thực hiện tốt hơn các lợi ích kinh tế.

Quan hệ lợi ích kinh tế là sự thiết lập những tương tác giữa các chủ thể kinh tế nhằm mục tiêu xác lập các lợi ích kinh tế trong mối liên hệ với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng tương ứng của một giai đoạn phát triển xã hội nhất định. Đó là mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động và người lao động, giữa chính họ với nhau.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Vai trò của Nhà nước và thị trường trong giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích kinh tế

3.1.1. Vai trò của Nhà nước

Một là, bảo vệ lợi ích hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm lợi ích của các chủ thể kinh tế. Các hoạt động kinh tế bao giờ cũng diễn ra trong một môi trường nhất định. Môi trường càng thuận lợi, các hoạt động kinh tế càng hiệu quả và không ngừng mở rộng. Môi trường vĩ mô thuận lợi không tự hình thành, mà phải được Nhà nước tạo lập. Vì vậy, Nhà nước cần: giữ vững ổn định chính trị, xây dựng được môi trường pháp luật thông thoáng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế, đặc biệt là lợi ích của đất nước, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, tạo lập môi trường văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.

Hai là, điều hòa lợi ích giữa cá nhân - doanh nghiệp - xã hội: Nhà nước cần phải có các chính sách, trước hết là chính sách phân phối thu nhập nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường, một mặt phải thừa nhận sự chênh lệch về mức thu nhập giữa các tập thể, cá nhân, mặt khác phải ngăn chặn sự chênh lệch thu nhập quá đáng. Sự phân hóa xã hội thái quá có thể dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột xã hội. Đó là những vấn đề mà chính sách phân phối thu nhập phải tính đến. Phân phối thu nhập không chỉ dựa vào quan hệ sở hữu, mà còn phụ thuộc vào sản xuất. Nhà nước phải tích cực, chủ động thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập. Ở mỗi giai đoạn phát triển, người dân phải đạt được mức sống tối thiểu. Nhà nước cần thực hiện hiệu quả các chính sách, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững,…

Ba là, kiểm soát, ngăn ngừa các quan hệ lợi ích có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển xã hội. Trong cơ chế thị trường, thu nhập từ các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu, làm hàng giả, lừa đảo, tham nhũng… tồn tại khá phổ biến. Để chống lại các hình thức thu nhập bất hợp pháp, bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế, trước hết phải có bộ máy nhà nước liêm chính. Bộ máy nhà nước phải tuyển dụng và sử dụng được những người có tài, có tâm, sàng lọc được những người không đủ tiêu chuẩn. Cán bộ công chức nhà nước phải được tạo cơ hội thăng tiến một cách công bằng, được đãi ngộ xứng đáng và chịu trách nhiệm đến cùng mọi quyết định trong phạm vi quyền hạn và chức trách của họ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm khắc phục những bất cập, thực hiện công bằng xã hội và quan trọng hơn là ngăn chặn các hình thức thu nhập bất hợp pháp.

Bốn là, giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ lợi ích kinh tế. Mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là khách quan, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động lực của các hoạt động kinh tế. Khi các mâu thuẫn phát sinh cần được giải quyết kịp thời. Do vậy, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần phải thường xuyên quan tâm, phát hiện mâu thuẫn và chuẩn bị chu đáo các giải pháp đối phó. Nguyên tắc để giải quyết mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là phải có sự tham gia của các bên liên quan, có nhân nhượng và phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết. Ngăn ngừa là chính nhưng khi mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế bùng phát, có thể dẫn tới xung đột (đình công, bãi công…). Khi có xung đột giữa các chủ thể kinh tế, cần có sự tham gia hòa giải của các tổ chức xã hội liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước.

3.1.2. Vai trò của thị trường

Một là, cung cấp môi trường cho các chủ thể kinh tế trao đổi, thực hiện lợi ích của mình. Thị trường là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, cung cấp cho các chủ thể kinh tế môi trường để thực hiện các hoạt động kinh tế. Có vai trò thông tin, định hướng cho mọi nhu cầu sản xuất - kinh doanh, nhờ đó giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong mua bán, trao đổi trên thị trường. Trên thị trường lao động, người lao động xuất hiện với tư cách là người bán, người sử dụng lao động - người mua. Sau khi thực hiện quá trình lao động, người lao động được trả lương, người sử dụng lao động thu được lợi nhuận. Lợi ích kinh tế của hai bên được thực hiện.

Hai là, thị trường kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, tạo ra cách thức phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế. Thị trường thúc đẩy các quan hệ kinh tế không ngừng phát triển, đòi hỏi các thành viên trong xã hội phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo để thích ứng với sự phát triển của thị trường. Sự sáng tạo được thị trường chấp nhận, chủ thể sáng tạo sẽ được thụ hưởng lợi ích tương xứng. Từ đó, trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy, kích thích sự sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội. Thông qua các quy luật thị trường, các nguồn lực cho sản xuất được điều tiết, phân bổ tới các chủ thể sử dụng hiệu quả nhất, tạo sự công bằng trong hoạt động kinh tế, cũng như nhận được những lợi ích kinh tế tương xứng với hoạt động kinh tế đó.

Ba là, bảo đảm sự thỏa mãn lợi ích kinh tế của các chủ thể khi tiến hành hoạt động kinh tế: Các chủ thể kinh tế khi tham gia vào thị trường đều phải chịu sự điều chỉnh của các quy luật kinh tế. Các quy luật này điều tiết thị trường thông qua giá cả. Khi không được thụ hưởng lợi ích tương xứng với công sức của mình, các chủ thể kinh tế sẽ ngừng, hoặc hạn chế các hoạt động kinh tế. Lúc này, thị trường sẽ tự động điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích kinh tế của các bên liên quan sao cho hoạt động kinh tế đó tiếp tục được diễn ra. Nhà nước sẽ can thiệp trong trường hợp thị trường không tự điều chỉnh được.

3.1.3. Mối quan hệ giữa vai trò của nhà nước và thị trường trong giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế

Lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Nhà nước và thị trường đều rất cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng Nhà nước và thị trường như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội vẫn có nhiều quan điểm khác nhau. Kinh tế thị trường có rất nhiều ưu việt, nhưng cũng có không ít nhược điểm như phát triển không ổn định, không đáp ứng được yêu cầu về hàng hóa công cộng, sự xuất hiện của độc quyền, hiện tượng thiếu hụt và sai lệch thông tin; xuất hiện nhiều vấn đề xã hội và môi trường... ảnh hưởng xấu đến sự hài hòa giữa các lợi ích kinh tế. Để hạn chế những nhược điểm đó, đồng thời phát huy tính ưu việt của kinh tế thị trường và của Nhà nước, cần phải kết hợp cả hai. Nguyên tắc kết hợp là: Nhà nước chỉ làm và phải làm thật tốt những gì thị trường không làm được, công khai, minh bạch các hoạt động của Nhà nước.

3.2. Liên hệ thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

3.2.1. Những thành tựu đạt được

Thứ nhất, Nhà nước ta bảo vệ lợi ích hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm lợi ích của các chủ thể kinh tế. Việt Nam đã thực hiện rất tốt vấn đề giữ vững ổn định chính trị. Nhờ đó đã thu hút, khiến các nhà đầu tư yên tâm khi tiến hành đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước đã và đang không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng: phục vụ mục tiêu kiến tạo phát triển, tạo dựng hành lang pháp lý an toàn cho phát triển và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Kết cấu hạ tầng của nền kinh tế nước ta ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu các hoạt động kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, nước ta có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn 1590,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về số vốn đăng ký, với tổng số lao động là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm 2021. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, kết hợp chống dịch với phát triển kinh tế của nước ta hiện nay cũng tạo ra môi trường thuận lợi để đầu tư hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nhà nước đã nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhà nước đẩy nhanh hoàn trả tiền nợ cho các công ty và tạm hoãn thanh toán tiền điện, nước cho doanh nghiệp. Nhà nước đặc biệt hỗ trợ lao động tự do, hộ kinh doanh, người nhập cư, người dân tộc thiểu số chịu tác động nặng nề hơn.

Thứ hai, điều hòa lợi ích cá nhân - doanh nghiệp - xã hội. Để điều hòa lợi ích giữa cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, Nhà nước đã thực hiện phân phối công bằng các yếu tố sản xuất nhằm hạn chế sự chênh lệch giàu nghèo giữa người với người; thực hiện phân phối thu nhập, phân phối theo lao động. Lợi ích kinh tế là kết quả trực tiếp của phân phối thu nhập, phân phối công bằng hợp lý, góp phần quan trọng đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế. Chính sách tiền lương của Nhà nước đã đem lại những hiệu quả nhất định. Các quy định về thuế thu nhập cá nhân cũng góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư. Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng cao kỷ lục, đạt gần 168.000 tỷ đồng, vượt 38% dự toán.

Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong những năm qua đã tạo lập những giá trị mới của xã hội. Đời sống của mỗi cá nhân không ngừng được nâng lên, quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ, nhất là trong sở hữu và phân phối. Trong giai đoạn (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt khoảng 5,8%/năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP tăng 2,91%, nhưng vẫn thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới; tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 268.4 tỷ USD, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010 đạt 116 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,23 triệu đồng/người/tháng; tính đến ngày 14/1/2021, đã có 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 90,85% dân số cả nước)… Tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đời sống vật chất của người dân vẫn được đảm bảo ở mức cơ bản.

Thứ ba, kiểm soát, ngăn ngừa các quan hệ lợi ích có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển xã hội. Để bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế giữa các chủ thể và loại bỏ các ảnh hưởng tiêu cực trên nước ta, quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu quả, kỷ luật kỉ cương. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, có nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng lậu. Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng. Để vai trò của thị trường trong giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế được phát huy một cách hiệu quả, Nhà nước còn can thiệp để tránh những tác động tự phát có hại của thị trường, như: quản lý những tác động ngoại lai, điều tiết độc quyền, bảo hiểm xã hội,…

3.2.2. Một số hạn chế

Trong thực tế, vẫn còn có hiện tượng người lao động ở không ít ngành, nghề lao động giản đơn lại có thu nhập cao hơn nhiều lần so với lao động phức tạp; nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa được hưởng phúc lợi xã hội như ở các trung tâm, các thành phố lớn,...

Chính sách tiền lương chưa vận hành theo cơ chế thị trường mà do Nhà nước quy định, bị ràng buộc với nhiều chính sách xã hội khác và bị phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vẫn bị coi là gánh nặng của ngân sách nhà nước.

Việc thu thuế thu nhập cá nhân còn bỏ sót nhiều đối tượng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, chưa đảm bảo công bằng cho những người phải nộp thuế. Chính sách trợ cấp xã hội, phân phối lại thu nhập của Chính phủ trong thời gian qua còn bất cập. Trong quá trình hoạt động, lực lượng quản lý thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và phức tạp. Tình trạng nhân danh lợi ích xã hội để vi phạm vẫn tồn tại và tiềm ẩn nhiều vấn đề cần giải quyết. Biểu hiện là tình trạng tham ô, tham nhũng, hoạt động của các “nhóm lợi ích” tiêu cực; các hành vi xây dựng trái phép trong các thành phố lớn và các khu đô thị;... làm cho lợi ích xã hội bị tổn thất lớn.

3.2.3. Một số giải pháp đề xuất

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tốt hơn việc giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để đảm bảo gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội tham gia và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Xây dựng hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trên thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình quản lý, xử lý nghiêm những hành vi tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm” tiêu cực gây tổn thất cho xã hội. Đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thứ hai, tạo sự đồng thuận trong phân phối thu nhập, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách tiền lương. Quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo, người có công với cách mạng và những người dân ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế trong xã hội. Có chính sách đãi ngộ tốt với người tài, đảm bảo mức tiền lương thỏa đáng cho công nhân viên chức và người lao động.

Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp, giáo dục người dân biết đặt lợi ích của mình trong mối quan hệ với lợi ích của những chủ thể khác để tạo ra sự thống nhất trong quan hệ lợi ích, tránh xung đột, mâu thuẫn. Thông qua hoạt động giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ lợi ích, về phân phối thu nhập để phân chia hợp lý giữa tiền lương và lợi nhuận. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân, mọi nhà đầu tư mở mang ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động, phát triển dịch vụ việc làm;...

4. Kết luận

Việc hài hòa lợi ích kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong nền kinh tế hội nhập, mở cửa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, vai trò của Nhà nước và thị trường trong giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế ở Việt Nam vô cùng quan trọng. Các giải pháp cần phải triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, đòi hỏi phải có sự tác động của Nhà nước nhằm gia tăng thu nhập cho các chủ thể kinh tế; hạn chế mâu thuẫn, tăng cường sự thống nhất; xử lý kịp thời khi có xung đột. Song các chủ thể tham gia thị trường cần có sự thống nhất với nhau về mặt lợi ích kinh tế. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục đích công bằng xã hội, dân chủ văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2021). Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến Kế hoạch năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.
  2. Chính phủ (2022). Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
  3. Chính phủ (2022). Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2026). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2020). Hội thảo khoa học, An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Tổng cục Thống kê (2021, 2022). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, năm 2021, 2022. Nxb Thống kê, Hà Nội.

The role of the State and the market in the harmonization of economic benefits in Vietnam

Master. Hoang Thi Hong Dao

Hung Yen University of Technology And Education

Abstract:

This paper explores some issues about the role of the State and the market in the harmonization of economic benefits in Vietnam. The economic benefit harmonization will support the country’s economy grows sustainbly. The paper analyzes the role of the State, the role of the economic market, and the relationship between the State and the economic market in the economic benefit harmonization. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to better harmonize economic benefits in Vietnam.

Keywords: the State, the market, role, economic benefits, economic benefit harmonization.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]