Vai trò của tín dụng đối với sự phát triển kinh tế nông thôn

Tín dụng được các nhà kinh tế công nhận là có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về tầm quan trọng của nó trong phát triển nông nghiệ

 

 

Trường phái Trọng cung cho rằng, tín dụng là đầu vào quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đói. Tín dụng được coi là công cụ để đạt được mục đích cuối cùng, là phát triển kinh tế. Trong khi đó, trường phái Trọng cầu lại cho rằng, tín dụng là kết quả của sự phát triển kinh tế, và không có bằng chứng hay căn cứ nào chứng minh ảnh hưởng tích cực của phát triển tín dụng lên quá trình tăng trưởng kinh tế về mức độ, thời điểm và khu vực.

 Vai trò của tín dụng đối với phát triển kinh tế là điều hiển nhiên, nhưng nó không bao giờ được coi là điều kiện đủ. Tín dụng chỉ được coi là một trong rất nhiều điều kiện cần thiết và là trung gian phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Trong nền kinh tế thị trường vai trò cuả tín dụng cũng thay đổi về bản chất so với nền kinh tế tập trung trước kia. Tín dụng trong thời kỳ bao cấp được xem như một công cụ cấp phát thay ngân sách. Còn trong nền kinh tế thị trường: Tín dụng là tập trung huy động nhiều nguồn vốn, gắn liền với sử dụng vốn có hiệu quả để đầu tư phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện tích luỹ vốn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tín dụng thực sự là đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển cũng như mở rộng thương mại dịch vụ ở cả thành thị và nông thôn. Do đó tín dụng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn và được thể hiện như:

 1. Góp phần thúc đẩy hình thành thị trường tài chính nông thôn.

 Thị trường tài chính ở nông thôn là nơi giải quyết quan hệ cung cầu về vốn, nhằm thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn. Thị trường tài chính nông thôn bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong thị trường này, ngân hàng nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, vì nó có hệ thống chân rết đến tận huyện. Mặt khác từng xã, khu vực còn có quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Chính hoạt động tín dụng đã hình thành và đẩy nhanh sự phát triển của thị trường tài chính, tín dụng ở nông thôn.

 2. Hoạt động tín dụng đã góp phần đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung vốn, tư liệu sản xuất, khoa học công nghệ để phát triển kinh tế nông thôn.

 Trong nông thôn hiện nay, số hộ dân khá đang giàu lên chiếm tỷ lệ ngày càng cao do họ có trình độ sản xuất kinh doanh, tiếp thu được khoa học kỹ thuật, họ có vốn là điều thiết yếu ban đầu cho quá trình sản xuất và nắm bắt nhanh nhạy thị trường, họ quyết định được sản xuất cái gì? sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngược lại, có những hộ không có kinh nghiệm, kinh doanh không có hiệu quả dẫn đến lỗ, hoặc có ruộng đất quá ít so với nhu cầu của họ hoặc thiếu vốn cho quá trình sản xuất. Trong mọi trường hợp đồng vốn tín dụng của ngân hàng, đã giúp hộ có khả năng giải quyết được khó khăn trong sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu nhập cho hộ. Quy mô sản xuất của hộ càng lớn, thì càng có khả năng đứng vững hơn trong cạnh tranh, bởi lẽ khi có vốn, người nông dân có thể áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng tỷ trọng hàng hoá và hạ giá thành sản phẩm. Trên cơ sở đó, họ có khả năng dễ dàng trong việc tích tụ và tập trung vốn.

 3. Tín dụng đã góp phần tận dụng khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên.

 Tiềm năng về phát triển ở nông thôn nước ta là rất lớn, nếu được Nhà nước quan tâm đúng mức với những chính sách vĩ mô thích hợp, đặc biệt là nếu có chính sách đầu tư tín dụng hợp lý, thì chắc chắn những khả năng tiềm tàng mà lâu nay chưa được sử dụng sẽ được động viên khai thác triệt để và phát huy hiệu quả. Sức lao động được giải phóng kết hợp với đất đai được giao quyền sử dụng lâu dài cho từng hộ gia đình sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn hàng hoá nông sản thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu của đất nước.

 Sự thay đổi cơ chế quản lý tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về quan hệ tín dụng. Cơ chế tín dụng của ngân hàng phải xử lý như thế nào khi hộ nông dân là đơn vị hạch toán độc lập? Chỉ thị 202/CT của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng ngày 28/6/1991, quyết định 53, 93 và 94/TDNN ngày 12/7/1991 là những chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm giúp đỡ nông dân vay vốn, có điều kiện để khai thác tiềm năng tại chỗ, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, tạo điều kiện mở rộng thị trường nông thôn, tăng sức mua của thị trường nông thôn, biến nông thôn vừa là nơi tiêu thụ hàng hoá của các ngành sản xuất vật chất khác, vừa là nơi cung cấp sản phẩm cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

 4. Tín dụng đã góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

 Trong điều kiện hiện nay, đời sống nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu. Muốn cải thiện tình hình đó phải tăng cường đầu tư vốn phát triển nông thôn. Chính vì lẽ đó, vốn đầu tư của ngân hàng không những tham gia vào quá trình sản xuất bằng hình thức bổ sung vốn lưu động, mà còn là vốn đầu tư trung hạn và dài hạn nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến cho quá trình sản xuất. Các công trình đầu tư nhằm phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng đó là: công nghiệp chế biến nông sản phẩm, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, dịch vụ “đầu vào”, “đầu ra”, phát triển các ngành nghề mới, các hệ thống tưới tiêu, công trình thuỷ lợi, hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện... nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc đầu tư xây dựng và cải tạo những công trình trên Nhà nước còn cần đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kỹ thuật để tạo ra những giống cây, con mới đưa vào sản xuất, từ đó tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế.

 5. Tín dụng tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong nông thôn.

 Chính việc xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các xí nghiệp chế biến nông sản đã thu hút một số lượng lớn lao động dư thừa trong nông thôn, tạo việc làm cho họ. Đồng thời dựa vào lợi thế so sánh của nước ta với khu vực và thế giới, giữa các vùng khác nhau cần thiết phải duy trì và phát triển ngành nghề ở nông thôn. Kinh tế hàng hoá càng phát triển thì sức mạnh cạnh tranh ngày càng lộ rõ, tất yếu dẫn đến phân hoá giàu nghèo ở nông thôn, có hộ sẽ phát triển thêm về nông nghiệp, có hộ sẽ rời khỏi nông nghiệp làm nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống. Do đó các ngành nghề này sẽ được phục hồi và phát triển. Hiện nay luật khuyến khích đầu tư trong nước được ban hành đã tạo luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp trong nứơc mạnh dạn đầu tư vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doamh, dịch vụ và tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển, trước hết là chăn nuôi và ngành nghề phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

 Như vậy tín dụng ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp đến sự phát triển của những ngành nghề truyền thống và ngành nghề mới. Thông qua tín dụng nông nghiệp, tổ chức tín dụng góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển từ đó tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống và ngành nghề mới phát triển, đồng thời các tổ chức tín dụng trực tiếp bổ sung vốn kịp thời cho các ngành nghề này phát triển. Những ngành nghề dịch vụ mới phát triển đã thu hút lao động trong nông thôn, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống ở nông thôn.

 6. Tín dụng đã tạo cho người dân không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, tăng cường hạch toán kinh tế đồng thời tạo tâm lý tiết kiệm tiêu dùng.

 Hộ gia đình là một đơn vị kinh tế tự chủ, sản xuất kinh doanh lời ăn lỗ chịu. Do vậy bắt buộc bản thân hộ gia đình muốn tồn tại và phát triển thì phải đáp ứng được những yêu cầu mới. Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão đòi hỏi người nông dân phải không ngừng nâng cao trình độ của mình. Kết quả cuối cùng đã ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và gia đình họ. Vì vậy ngoài việc hăng say lao động, họ phải áp dụng những quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

 Đặc trưng cơ bản của vốn tín dụng là sự vận động của đồng vốn trên cơ sở hoàn trả cả vốn và lãi. Cho nên đã kích thích các doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh một cách triệt để, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo điều kiện đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp, đảm bảo hoàn trả tiền vay ngân hàng.

 7. Tín dụng góp phần đảm bảo hiệu qủa xã hội, nâng cao cuộc sống tinh thần vật chất cho người nông dân.

 Hoạt động tín dụng thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi trong nông thôn. Trước đây chính sách đầu tư tín dụng không được quan tâm thích đáng nên vốn cho nông dân được cung cấp chủ yếu thông qua thị trường tài chính không chính thức. Từ năm 1990 về trước khi chưa có chính sách cho nông dân vay vốn, các hộ nông dân phải tự đi vay với lãi suất cao từ 10- 15%/tháng có khi đến 20%/tháng từ những người hoạt động cho vay nặng lãi ở nông thôn. Chính việc mở rộng cho các hộ nông dân vay vốn đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, người dân đỡ bị bóc lột hơn và kết quả là sau quá trình sản xuất người dân thực sự được hưởng thành quả lao động của họ. Việc cung ứng vốn tín dụng của ngân hàng cho những hộ sản xuất thiếu vốn, kể cả hộ giàu và hộ nghèo, đều đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Như vậy đồng vốn của ngân hàng đã đi sâu vào tận cùng thôn ấp, thúc đẩy nông thôn phát triển, làm cho hộ nghèo trở nên khá hơn, hộ khá trở nên giàu hơn, đời sống các tầng lớp dân cư trong nông thôn được nâng cao.

 Tóm lại, tín dụng có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nông thôn. Để phát huy vai trò to lớn đó, nên sử dụng tín dụng như một công cụ đắc lực để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông thôn.

 Tài liệu tham khảo

 1. Tín dụng ngân hàng đối với kinh tế hộ ở Việt Nam.PGS.TS Đỗ Tất Ngọc-NXB Lao động-Hà Nội 2006.

 2. Tín dụng ngân hàng.PGS.TS Nguyễn Đăng Dờn chủ biên-NXB Thống kê 2005

 3. Các định chế tài chính.TS Hồ Diệu chủ biên-NXB Thống kê 2004

 4. Tín dụng và thẩm định tín dụng ngân hàng.TS Nguyễn Minh Kiều - NXB Tài Chính 2006

  • Tags: