Vai trò của việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

ThS. HOÀNG VĂN MẠNH (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:
Hiện nay, đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu xã hội (NCXH) đang từng bước trở thành nhu cầu tự thân và có vai trò quyết định đối với sự sống còn của các trường đại học, cũng như đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH, tuy nhiên trong thực tế tồn tại những khác biệt trong nhận thức và những hạn chế trong thực tiễn thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Bài báo này có mục tiêu làm rõ vai trò của việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH.
Từ khóa: Đào tạo, trường đại học, nhu cầu xã hội, trách nhiệm giải trình.

1. Quan niệm về đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu xã hội
Có nhiều quan điểm khác nhau về đào tạo đại học đáp ứng NCXH hay đào tạo đại học theo NCXH.
Lương Xuân Quỳ & cộng sự (2010) cho rằng: “Đào tạo đại học theo NCXH là phương thức đào tạo mà ở đó: đào tạo cái gì? đào tạo như thế nào? đào tạo bao nhiêu? mức giá nào? được định hướng bởi nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động có trình độ đại học và sự sẵn sàng thanh toán của người học hoặc người sử dụng. Để từ đó đáp ứng được đòi hỏi về quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động có trình độ đại học của các nhà tuyển dụng”[7]. Nguyễn Đăng Bằng (2011) đưa ra ba cách hiểu về đào tạo theo NCXH: (1) Đào tạo đúng những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, không đào tạo thừa, lãng phí; (2) Đào tạo sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu về năng lực mà nhà tuyển dụng đưa ra; (3) “Đào tạo theo địa chỉ”, trong đó doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội đặt hàng cho nhà trường. Trong đó, quan điểm được thừa nhận khá rộng rãi khi cho rằng đào tạo đại học đáp ứng NCXH là phương thức đào tạo mà ở đó: đào tạo cái gì? đào tạo như thế nào? đào tạo bao nhiêu? chi phí cho đào tạo ra sao? là do nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động trình độ đại học và sự sẵn sàng thanh toán của người học quyết định [8]. Nguyễn Thế Hệ & cộng sự (2011) xác định “đào tạo đại học theo NCXH là đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động đại học của các cơ quan, doanh nghiệp, của thị trường lao động, đào tạo cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phục vụ cho sự phát triển lực lượng sản xuất của đất nước”[3]. Hồ Cảnh Hạnh (2013) cho rằng đào tạo đáp ứng NCXH là đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề. Và thị trường lao động bao gồm nhà nước, các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân có sử dụng lao động[2]. Hoàng Đức Thân (2016) cho rằng đào tạo theo NCXH có thể được hiểu theo hai cách: (1) Các trường đại học phải đào tạo đúng các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu và không đào tạo thừa tránh gây lãng phí; (2) Có thể hiểu đào tạo đáp ứng NCXH là trình độ người học khi tốt nghiệp phải đáp ứng được mong đợi của người sử dụng[8].
Như vậy thực chất đào tạo đại học theo NCXH là đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan trong những bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau. Hiện nay có thể nhìn nhận trường đại học tiếp cận đào tạo đại học theo NCXH tương tự như doanh nghiệp tiếp cận thị trường khi phải trả lời các câu hỏi: Sản xuất cái gì?, sản xuất như thế nào ? và sản xuất cho cho ai? là căn cứ vào thị trường. Ở đây trường đại học phải trả lời các câu hỏi đào tạo cái gì? đào tạo như thế nào? đào tạo cho ai? đào tạo bao nhiêu? là căn cứ vào nhu cầu của các bên liên quan. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa, đào tạo đại học không thể chủ yếu xuất phát từ cái nhà trường có mà phải chủ yếu xuất phát từ cái xã hội cần và yêu cầu. Đó là quá trình trường đại học cung ứng dịch vụ đào tạo, theo đó là sản phẩm của dịch vụ đào tạo - người học tốt nghiệp thỏa mãn nhu cầu của các bên liên quan cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng và đó cũng được xem là đào tạo đại học đáp ứng NCXH.
2. Trách nhiệm giải trình và các hình thức thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học
2.1. Trách nhiệm giải trình của các trường đại học
Có nhiều quan điểm khác nhau về trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Theo Phạm Thị Ly (2012), trách nhiệm giải trình (accountability) là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý và thực hiện công việc. Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh cho hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai và chịu sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý [4]. Phùng Xuân Nhạ (2016) cho rằng, trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ của trường đại học phải công khai chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, các điều kiện đảm bảo chất lượng theo các cam kết của chính nhà trường cho các bên liên quan[6]. Như vậy có thể hiểu trường đại học phải có trách nhiệm giải trình trước các bên liên quan là người học (sinh viên và sinh viên tiềm năng) cũng như các bậc phụ huynh của sinh viên, giải trình trước cán bộ giảng dạy và nhân viên của nhà trường, giải trình trước nhà nước, các cơ quan liên quan và toàn xã hội về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Các trường đại học, trong đó trước hết là bộ máy lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm minh bạch hóa toàn bộ các hoạt động của nhà trường, nhằm giúp các bên liên quan có câu trả lời cho các câu hỏi về kết quả hoạt động của nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác; trong đó cho biết mức độ trách nhiệm của nhà trường trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được cam kết và đảm bảo đến đâu.
2.2. Một số hình thức thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học
Hiện nay, các hình thức phổ biến trong thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học bao gồm thực hiện trách nhiệm giải trình bên ngoài như: Thực hiện trách nhiệm báo cáo đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản; chịu sự kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện kiểm định chất lượng thông qua đánh giá ngoài; công bố công khai các hoạt động và các nội dung về nhà trường; tham gia vào các bảng xếp hạng... Và thực hiện trách nhiệm giải trình bên trong thông qua thực hiện chức năng giám sát của Đảng ủy (các trường đại học của Việt Nam), cơ quan Hội đồng trường; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các văn bản về quản trị và quản lý nội bộ đối với mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường; thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục thông qua đảm bảo chất lượng bên trong - kiểm định nội bộ; thực hiện kiểm toán nội bộ; công khai việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trước giảng viên, nhân viên, sinh viên của nhà trường...
3. Vai trò của việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH
Trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng được đẩy mạnh, các trường đại học ngày càng độc lập ở mức cao trước các tác nhân can thiệp từ bên ngoài, trong đó có tác nhân là cơ quan nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan chủ quản), việc các trường đại học phải thực hiện trách nhiệm giải trình có tính tất yếu khách quan, thực hiện trách nhiệm giải trình là để phát huy tốt các ưu điểm đồng thời ngăn chặn những tác động tiêu cực phát sinh từ tự chủ đại học, hướng các trường đại học thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế - xã hội. Theo Ngân hàng Thế giới (2012), nếu chỉ bằng tự chủ đại học thì sẽ khó có thể đạt được tiềm năng nếu không có những cơ chế bảo đảm trách nhiệm vận hành tốt. Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) có thể có quyền tự chủ trong điều chỉnh chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp nhưng chỉ có thể làm được điều đó nếu tập hợp nhà nước, sinh viên, phụ huynh đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm về kết quả tìm việc làm sau này của người học khi ra trường[1]. Theo Phạm Thị Ly (2014), mục đích tối hậu của việc thực hiện trách nhiệm giải trình là bảo đảm rằng nhà trường đã và đang duy trì những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong việc thực thi công việc của mình. Đó là những nguyên tắc được đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích công, bảo vệ nguồn lực công được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo nhà trường thực hiện đúng những gì đã hứa hẹn với người học và xã hội[5]. Như vậy, khi các trường đại học được mở rộng quyền tự chủ thì việc thực hiện trách nhiệm giải trình có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH, gắn kết đào tạo đại học với nhu cầu của các bên liên quan:
- Đó là bởi vì khi được tự chủ, cơ quan nhà nước không còn kiểm soát trực tiếp hoạt động của nhà trường, để đảm bảo nhà trường thực hiện tốt sứ mạng, mục tiêu cùng với huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà xã hội đã dành cho, đòi hỏi phải có cơ chế mới thay thế để giám sát cũng như thúc đẩy các trường đại học đang ngày càng tự chủ thực hiện đào tạo đáp ứng NCXH. Cơ chế phù hợp với việc thực hiện tự chủ đại học đồng thời đảm bảo thực hiện tốt vai trò giám sát của nhà nước, xã hội cũng như các bên liên quan đối với các trường đại học được hình thành phổ biến ở các nước trên thế giới hiện nay là cơ chế về trách nhiệm giải trình.
- Đó là bởi vì thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học sẽ giúp cho các bên liên quan có được thông tin làm cơ sở cho việc ra các quyết định liên quan đến GDĐH. Những thông tin đầy đủ và tin cậy về các trường đại học sẽ giúp người học lựa chọn được ngành học và nơi học phù hợp với năng lực, sở trường cũng như nguyện vọng nghề nghiệp trong tương lai. Những thông tin đầy đủ và tin cậy về các trường đại học sẽ giúp các nhà tuyển dụng đưa ra các quyết định về liên kết, hợp tác với các nhà trường, từ đó giúp cho các nhà trường xây dựng được chương trình đào tạo đảm bảo tích hợp nhu cầu của các nhà tuyển dụng, bổ sung đội ngũ tham gia vào công tác đào tạo là các doanh nhân, các nhà quản lý với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đảm bảo môi trường nghề nghiệp thực tế cho người học được trải nghiệm trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, tạo môi trường điều kiện cho phát triển các nguồn tài trợ từ xã hội mà trước hết là các nhà tuyển dụng đối với các trường đại học... Những thông tin đầy đủ và tin cậy về các trường đại học cũng giúp cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH.
- Phản hồi của các bên liên quan thông qua việc ra quyết định cụ thể về các vấn đề liên quan đến GDĐH có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các trường đại học nhận thức rõ về những điểm mạnh, điểm yếu cũng như những đóng góp, hạn chế của nhà trường để từ đó giúp nhà trường có biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm hướng đến đào tạo đáp ứng NCXH.
- Các bên liên quan có được nhận thức, thông tin về cơ sở GDĐH từ nhiều nguồn khác nhau, trong bối cảnh tự chủ đại học thì nguồn thông tin chủ yếu là từ việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó họ ra các quyết định liên quan đến GDĐH và do đó có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của mỗi cơ sở GDĐH. Vì vậy các trường đại học buộc phải không ngừng phát triển năng lực đào tạo đáp ứng NCXH.
- Cơ chế trách nhiệm giải trình được xem như là một cơ chế buộc các cơ sở GDĐH phải thực hiện những cam kết của nó với các bên liên quan và công khai việc thực hiện những cam kết đó, nó như là tấm lưới vô hình ngăn cơ sở GDĐH không vi phạm các chuẩn mực đạo đức cũng như các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện cam kết với các bên liên quan, các trường đại học phải không ngừng phát triển các năng lực nội tại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bao gồm chức năng đào tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên liên quan mà trước hết là nhu cầu của người học, nhà tuyển dụng và nhà nước.
- Thực hiện trách nhiệm giải trình còn được xem như một phương thức quảng bá hình ảnh, học hiệu của các trường đại học. Thông qua các cơ chế kiểm định chất lượng GDĐH; công khai các năng lực, thế mạnh của nhà trường; tham gia xếp hạng đại học... sẽ giúp cho nhà trường khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống GDĐH trong nước cũng như quốc tế. Điều đó cho phép hình ảnh của các trường đại học được truyền tải đến với các bên liên quan, từ đó giúp cho nhà trường thu hút người học, thu hút đối tác cũng như các nhà tài trợ, các bên có nhu cầu liên kết, hợp tác với nhà trường.
Như vậy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các trường đại học là một sự cần thiết mang tính khách quan, đang dần trở thành nhu cầu tự thân của mỗi trường đại học và nó có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH. Vì vậy, hệ thống giáo dục đại học có xu hướng thực hiện tự chủ đại học cần được hoạt động trong một môi trường thể chế, chính sách mà trong đó việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải được thực hiện ở mức tốt nhất, đảm bảo thông tin về nhà trường được minh bạch, có sự cam kết và đảm bảo của nhà trường về trách nhiệm trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.
4. Giới hạn và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu
Bài báo giới hạn phân tích về vai trò của việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH về phương diện lý luận dựa trên tổng quan và hệ thống hóa các nghiên cứu đã công bố về các vấn đề liên quan. Mặc dù vậy, bài báo có ý nghĩa làm rõ cơ sở lý luận cho các nghiên cứu về thực trạng và giải pháp tăng cường trách nhiệm giải trình nhằm thúc đẩy các trường đại học đào tạo đáp ứng NCXH. Hạn chế này cần được bổ sung bằng một nghiên cứu thực tiễn việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong mối quan hệ với đào tạo đại học đáp ứng NCXH đối với một hệ thống GDĐH cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á Thái bình dương (2012), Phát huy hiệu quả của Giáo dục đại học - Kỹ năng và nghiên cứu để tăng trưởng ở khu vực Đông Á.
2. Hồ Cảnh Hạnh (2013), Quản lý đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục trung học cơ sở vùng Đông Nam Bộ, Tiến sĩ Quản lý giáo dục Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
3. Nguyễn Thế Hệ & cộng sự (2011), Giải pháp phát triển đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội đối với hình thức vừa làm vừa học khối ngành kinh tế ở Việt Nam, Đề tài NCKH cấp bộ, Trường ĐH KTQG chủ trì.
4. Phạm Thị Ly (2012), "Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và xã hội", Tạp chí Phát triển Khoa học - Công nghệ. Tập 15 (Q1-2012).
5. Phạm Thị Ly (2014), Trách nhiệm giải trình của trường đại học và cơ cấu thẩm quyền ở trường ngoài công lập, truy cập ngày 23/4/2016, tại trang web: http://cheer.edu.vn/vn/?p=4694.
6. Phùng Xuân Nhạ (2016), "Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để nâng cao chất lượng", Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở. Số 112 (4-2016), tr. 36-41.
7. Lương Xuân Quỳ & cộng sự (2010), Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu xã hội, Đề tài NCKH cấp bộ, Trường ĐH KTQD chủ trì.
8. Hoàng Đức Thân (2016), "Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo cử nhân đại học", Đào tạo các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và POHE theo chuẩn quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

ROLE OF PERFORMANCE ACCOUNTABILITY IN BOOSTING THE HIGHER EDUCATION INSTITUTES TRAINING ACTIVITIES TO MEET SOCIAL NEED

MA. HOANG VAN MANH

Thuongmai University

ABSTRACT:

Nowadays, social need driven higher education has become an increasing demand of universities themselves due to its vital importance for both universities and high quality human resource development of Vietnam. Performance accountability implementation transparently plays important role in enhancing the institutes training activities to meet social requirement. However, the current implementation has several problems in both perception and practices of the universities. The present study targets to reveal the role of performance accountability in strengthening the higher education institutes operation to meet social need.

Keywords: Education, higher education institute, social need, accountability.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây