Văn hoá kinh doanh trong hoạt động của Ngân hàng thương mại

Bài viết sau đây tổng quan những lý luận cơ bản về văn hoá kinh doanh, sau đó phân tích những đặc trưng cụ thể của từng yếu tố văn hoá kinh doanh trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Những nội du

1. Tổng quan về văn hóa kinh doanh.

Văn hóa kinh doanh (VHKD) một cụm từ được sử dụng phổ biến và thường nhật trong thời gian gần đây, đặc biệt khi kinh tế thị trường được thừa nhận và phát triển - các doanh nhân và doanh nghiệp được tôn vinh, xu thế hội nhập trở thành mục tiêu trung tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, thì VHKD đã và đang trở thành một điều kiện tiên quyết, góp phần quyết định vào sự thành bại trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, nói đến “văn hoá kinh doanh”, nhiều người sẽ cảm thấy mâu thuẫn khi bản chất của kinh doanh là kiếm lời, còn văn hoá lại là chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, liệu “lợi – chân - thiện  - mỹ” có thể cùng tồn tại hay không?

Trên thực tế, những sắc thái văn hoá có trong mọi hoạt động của quá trình kinh doanh. Điều này được thể hiện từ cách chọn và cách bố trí máy móc và dây chuyền công nghệ; phương thức tổ chức bộ máy về nhân sự và hình thành quan hệ giao tiếp ứng xử giữa các thành viên trong tổ chức cho đến những phương thức quản lý kinh doanh mà chủ thể kinh doanh áp dụng sao cho có hiệu quả nhất. Hoạt động kinh doanh cố nhiên không lấy các giá trị của văn hoá làm mục đích trực tiếp, song nghệ thuật kinh doanh, từ việc tạo vốn ban đầu, tìm địa bàn kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, cách thức tổ chức thực hiện, chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và bảo hành sau bán... được “thăng hoa” lên với những biểu hiện và giá trị tốt đẹp, thì kinh doanh cũng là biểu hiện sinh động văn hoá của con người.

Bản chất của VHKD là làm cho cái “lợi” gắn bó chặt chẽ với cái “đúng”, cái “tốt” và cái “đẹp”, do vậy VHKD có thể được hiểu là “toàn bộ các nhân tố văn hoá được chủ thể kinh doanh chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh của chủ thể đó”.

2. Đặc điểm văn hóa kinh doanh của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại (NHTM) một tổ chức rất quan trọng đối với nền kinh tế. Việc tìm hiểu ngân hàng là gì, để từ đó nghiên cứu VHKD trong các NHTM nhằm phát huy các mặt tích cực, giảm thiểu các mặt hạn chế là vấn đề rất đáng quan tâm.

NHTM là một trung gian tài chính hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ nên có quan hệ mật thiết tới sự phát triển của tất cả các thành phần trong nền kinh tế quốc dân, khách hàng của ngân hàng là mọi thành viên của xã hội nếu có nhu cầu, hoạt động của ngân hàng liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Hệ thống NHTM chiếm một tỷ trọng đáng kể trong các hoạt động trung gian trao đổi tiền tệ, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng và đồng thời cung ứng các dịch vụ ban đầu nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Do đó, VHKD trong hoạt động của NHTM là rất cần thiết, nó góp phần không chỉ vào sự tăng trưởng lâu dài của chính bản thân ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững của toàn xã hội. VHKD trong các NHTM có những đặc điểm tương đồng với những đặc điểm chung của văn hoá kinh doanh, nhưng do hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ nên nó có những đặc điểm riêng như:

Triết lý kinh doanh

Ngân hàng vừa là người huy động vốn, vừa cho vay với khách hàng; xuất phát từ vị trí trung gian đó, sứ mệnh – hay bản tuyên bố lý do tồn tại của NHTM là “kết nối các nhu cầu tiền khác nhau trong nền kinh tế”.

Từ sứ mệnh, chiến lược kinh doanh của ngân hàng sẽ được xây dựng, kết hợp với điều kiện kinh tế - xã hội thích hợp trong từng hoàn cảnh, sao cho tạo được những điều kiện tốt nhất cho khách hàng đến gửi và vay tiền. Chiến lược kinh doanh của các ngân hàng khác nhau là khác nhau và nó cũng phụ thuộc vào môi trường kinh doanh tại từng thời điểm, tuy nhiên những nội dung chính về chiến lược mà ngân hàng phải bảo đảm đó là: Không ngừng hoàn thiện các sản phẩm phục vụ tốt nhất cho các nhu cầu của khách; có những dịch vụ hỗ trợ để khách hàng khai thác được tối đa các sản phẩm đã cung ứng; tạo những tiện nghi, cải tiến thủ tục hồ sơ…

Như vậy, triết lý kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động của ngân hàng vì nó là hệ thống các tôn chỉ, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược… có vai trò định hướng cho toàn bộ quá trình hoạt động của ngân hàng. Việc xây dựng được bộ triết lý kinh doanh đúng đắn sẽ là điều kiện hàng đầu cho việc thực hiện các hoạt động tiếp theo.

Đạo đức kinh doanh

Đối với nhân viên ngân hàng, các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ lại càng có vai trò quan trọng hơn ai hết, vì họ là người trực tiếp tạo ra các sản phẩm phục vụ các nhu cầu của khách hàng và do đặc trưng của hoạt động ngân hàng là gắn liền với “tiền” – lĩnh vực rất nhạy cảm – rất dễ làm cho con người thay đổi. Ngay từ khi mới được thành lập, các quy định về chuẩn mực đạo đức của nhân viên ngân hàng phải được chú ý xây dựng. Từng ngân hàng đều có những quy định về tiêu chuẩn cần phải có của nhân viên ngân hàng, song các tiêu chuẩn đấy đều phải hướng đến một mục tiêu cụ thể là nhân viên ngân hàng phải “vừa có Tâm vừa có Tầm, giỏi nghiệp vụ, hành động theo pháp luật, có đạo đức trong kinh doanh ngân hàng, văn minh trong giao tiếp, có nếp sống lành mạnh”…

Những quy tắc đạo đức, hình thức khen thưởng và chế độ đãi ngộ là một trong những nội dung của đạo đức kinh doanh của ngân hàng, nó có tác dụng điều chỉnh các hoạt động hàng ngày của ngân hàng, răn đe đội ngũ nhân viên tu dưỡng rèn luyện đạo đức giúp hình thành nên những con người hết lòng vì sự nghiệp chung trong một tổ chức có kỷ luật và ứng xử có văn hoá.

Văn hoá của ban lãnh đạo ngân hàng

Nếu hình dung NHTM như một con tàu, thì ban lãnh đạo của ngân hàng sẽ có vị trí của một thuyền trưởng, ban lãnh đạo chính là linh hồn và là người có vai trò quyết định trong việc tạo nên văn hóa kinh doanh của NHTM. Có thể ban lãnh đạo ngân hàng không liên tục có mặt, không tham gia trực tiếp vào các hoạt động của ngân hàng, nhưng khi cần thiết, đặc biệt là những lúc khó khăn, họ luôn là chỗ dựa vững chắc cả trong công việc lẫn tinh thần cho toàn ngân hàng. Họ không chỉ là người quyết định cơ cấu tổ chức, công nghệ, chiến lược hoạt động, nhóm khách hàng mục tiêu của ngân hàng, mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ và huyền thoại của ngân hàng, là người tạo ra môi trường cho các cá nhân phát huy tính sáng tạo và là người góp phần mang đến không gian tự do, bầu không khí ấm cúng trong ngân hàng. Trong quá trình hình thành và phát triển, văn hóa của người lãnh đạo sẽ phản chiếu lên văn hóa ngân hàng. Những gì nhà lãnh đạo quan tâm, cách thức mà người lãnh đạo đánh giá, khen thưởng hoặc khiển trách nhân viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của toàn bộ nhân viên dưới quyền.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng góp phần tích cực trong việc đóng góp kinh nghiệm, những giá trị văn hóa học hỏi được trong quá trình xử lý các vấn đề chung. Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ sử dụng các kinh nghiệm này để đạt hiệu quả quản trị cao, tạo nên môi trường văn hóa hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của ngân hàng.

Các hình thức vật thể và phi vật thể khác

- Biểu tượng: Là một công cụ biểu thị đặc trưng của VHKD của NHTM, nó biểu thị niềm tin giá trị mà ngân hàng muốn gửi gắm. Các công trình kiến trúc, lễ nghi, giai thoại truyền thuyết, khẩu hiệu, hình thức mẫu mã của sản phẩm, cách bố trí trong ngân hàng… đều chứa đựng những đặc trưng của biểu tượng, bởi thông qua giá trị vật chất cụ thể, hữu hình, các biểu trưng này đều muốn truyền đạt những giá trị, những ý niệm, những ý nghĩa tiềm ẩn bên trong, sâu xa cho khách hàng tiếp nhận theo các cách thức khác nhau. Nên biển hiệu của các chi nhánh các cấp cũng phải thống nhất về kiểu mẫu và mầu sắc.

- Ngôn ngữ, khẩu hiệu, trang phục và quy cách kiểu mẫu: Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có thể lựa chọn một hay nhiều ngôn ngữ khác nhau, song trong xu thế hội nhập thì việc sử dụng thành thạo tiếng Anh cũng là một trong những điều kiện thiết yếu của cán bộ công nhân viên ngân hàng.

- Khẩu hiệu là hình thức dễ nhập tâm, ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ và là cách diễn đạt ngắn gọn nhất của triết lý kinh doanh. Không chỉ nhân viên mà cả các đối tác luôn nhắc đến khẩu hiệu. Khẩu hiệu thường được sử dụng với các ngôn từ đơn giản nên để hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn của chúng, cần liên hệ với bản tuyên bố sứ mệnh của ngân hàng.

- Về trang phục, trong giờ làm việc, tại trụ sở, quầy giao dịch thì cán bộ công nhân viên đều phải thực hiện mặc đồng phục, mang phù hiệu, huy hiệu logo theo quy định thống nhất. Màu sắc của trang phục được thống nhất theo màu nền của logo.

- ấn phẩm điển hình: Đây là những tư liệu chính thức có thể giúp những người hữu quan nhận thấy rõ hơn về VHKD của ngân hàng. Những tài liệu này giúp làm rõ hơn về mục tiêu, phương châm hành động, niềm tin, giá trị chủ đạo, thái độ với cán bộ công nhân viên, khách hàng và xã hội của ngân hàng. Nó là một biểu trưng quan trọng và là căn cứ quan trọng để nhận biết về VHKD của một ngân hàng.

- Các tập quán: Trong hoạt động nghề nghiệp và sinh hoạt tập thể, các cá nhân và từng chi nhánh thành viên sẽ xây dựng nên những tập quán ứng xử mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn trong nội bộ, đối với cộng đồng xã hội nó được mọi người ủng hộ. Nó được thể hiện bằng các hình thức như: Tập quán trong nội bộ ngân hàng; Tập quán với cộng đồng xã hội; Tập quán với khách hàng...

Như vậy, VHKD với các bộ phận của mình ngày càng chứng minh là nhân tố tất yếu, góp phần thành công cho các chủ thể kinh doanh trong xã hội hiện đại. Đặc biệt với các NHTM, việc xây dựng và phát huy các giá trị VHKD sẽ tạo nên nguồn lực to lớn cho việc duy trì khách hàng hiện tại, tạo dựng khách hàng tiềm năng và sự phát triển bền vững của ngân hàng.q

Tài liệu tham khảo:

1- PGS. TS Dương Thị Liễu: Văn hoá kinh doanh và giải pháp xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, Tạp chí Kinh tế phát triển - 2004

2- PGS. TS Dương Thị Liễu: Văn hoá kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân- 2006

3- TS Đỗ Minh Cương: Văn hoá và Triết lý kinh doanh, NXB CTQG, Hà nội – 2001

4- Ban tư tưởng văn hoá trung ương, Bộ văn hoá - Thông tin, Viện Quản trị kinh doanh: Văn hoá và kinh doanh, NXB Lao động,  Hà Nội – 2001.
  • Tags: