Văn phòng Tiết kiệm năng lượng với công tác chuẩn bị để đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011. Công tác chuẩn bị để khi Luật ban hành nhanh chóng đi

Tích cực tuyên truyền phổ biến Luật SDNLTK&HQ 

Trong tháng 11 và đầu tháng 12/2010, Văn phòng TKNL phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị Phổ biến Luật SDNLTK&HQ tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị đã thu hút hàng trăm đại biểu, với sự tham gia của đại diện các sở Công Thương, Điện lực, Trung tâm TKNL hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước do các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đồng thời là các thành viên trong ban soạn thảo và tổ biên tập Luật thuyết trình.

Ông Phương Hoàng Kim – Phó Chánh văn phòng TKNL cho biết, qua khảo sát, tiềm năng TKNL trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, thủy sản, hàng tiêu dùng... có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng không nhỏ. Do vậy, việc ban hành những văn bản nhằm luật hóa việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tại Việt Nam là rất quan trọng. Hội nghị Phổ biến Luật SDNLTK&HQ nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nắm vững tất cả các nội dung của Luật, để triển khai chính xác và hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, các địa phương, các sở Công Thương cũng tiếp tục chủ động giới thiệu nội dung của Luật tới những đơn vị phải chịu sự điều chỉnh của Luật tại địa phương. Điển hình có thể kể đến là thành phố Hồ Chí Minh. Bà Lương Xuân Nhung – Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Thành phố cho biết, chuẩn bị cho Luật SDNLTK&HQ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2011, Thành phố đã tổ chức tập huấn giới thiệu nội dung Luật đến 24 quận, huyện và phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức lớp đào tạo cán bộ quản lý năng lượng khóa 1 cho 25 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Mặt khác, Thành phố cũng tổ chức kiểm toán năng lượng cho 10 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm và các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, đang xúc tiến để thành lập Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng khu vực phía Nam. Bà Nhung cho biết thêm, nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm toán năng lượng tăng nhanh khi Luật có hiệu lực, Thành phố đã phối hợp với Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương chuẩn bị đào tạo cán bộ tư vấn về kiểm toán năng lượng.

Nhìn chung, về cơ bản, công tác tuyên truyền phổ biến Luật đã được Bộ Công Thương hoàn thành, chuẩn bị tốt cho giờ “G”.

Xây dựng các văn bản thực hiện Luật 

Đây là công tác cực kỳ quan trọng và mất nhiều thời gian. Với khối lượng công việc khổng lồ gồm 2 nghị định và 4 quyết định phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm soạn thảo 2 nghị định và 2 quyết định, gồm: Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm. Còn lại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây mới do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo; Quyết định của Thủ tướng chính phủ Quy định Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn chịu trách nhiệm soạn thảo, ban hành 4 thông tư gồm: Thông tư hướng dẫn cơ sở sử dụng năng lượng thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư quy định nội dung, chương trình đào tạo, thẩm quyền cấp, công nhận chứng chỉ quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng; Thông tư quy định về dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Thông tư hướng dẫn việc thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin thống kê về sử dụng năng lượng. Phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện vận tải; Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thiết kế các công trình xây dựng, vật liệu xây dựng.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Chánh Văn phòng TKNL thì công tác soạn thảo các văn bản dưới Luật đang được tích cực triển khai. Phía Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định, phần lại sẽ sớm trình tiếp trong tháng 1/2011. Các Thông tư hướng dẫn cũng sẽ khẩn trương xây dựng để đến tháng 6/2011 hoàn thiện và trong năm 2011 ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến hướng dẫn thực hiện Luật SDNLTK&HQ, đảm bảo tính khả thi của Luật sau khi ban hành.

Triển khai giai đoạn 2 của Chương trình mục tiêu 

Năm 2011 là năm đầu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ chuyển sang giai đoạn 2 (2011-2015). Nhiệm vụ năm nay sẽ tương đối nặng nề mà nổi bật là tập trung triển khai mạnh mẽ các dự án trình diễn trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải.

Phổ biến các thiết bị hiệu suất cao như chương trình đèn compact, chương trình đun nước nóng năng lượng mặt trời, các hầm khí sinh học qui mô công nghiệp, các chương trình truyền thông cộng đồng, đặc biệt là các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng cho các cơ sở trọng điểm theo Luật. Văn phòng TKNL cũng đã xây dựng, biên tập và xuất bản nội dung về đào tạo cán bộ quản lý năng lượng để chuẩn bị cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Hiệp cho biết, hiện nay Văn phòng cũng đang tính các phương án phối hợp với các Trung tâm TKNL Hà Nội, Hồ Chí Minh, trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công tác đào tạo trong lĩnh vực TKNL sao cho hiệu quả. Bản thân các cán bộ của Văn phòng cũng đảm nhiệm thêm công tác đào tạo trong giai đoạn hiện nay, khi các chuyên gia trong lĩnh vực này còn chưa nhiều. Và trong thời gian tới, công tác này cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các đơn vị làm về TKNL.