Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nêu rõ:
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nên chúng ta đã cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%, nhưng do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp chủ yếu như điện tử, dệt may, da giầy, đồ gỗ do một số nước là bạn hàng lớn của ta phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát và biện pháp bảo hộ để duy trì tăng trưởng, dẫn đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung, trong đó giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, ở chiều ngược lại nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do yếu tố thị trường.
Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, kinh tế nước ta với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án lớn, trọng điểm; đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công các Thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Để thực hiện kịp thời, hiệu quả cao các nội dung, công việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, các đề xuất và kiến nghị cụ thể... (đề cương nội dung báo cáo gửi kèm), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13/4/2023 để tổng hợp chung về các nhóm vấn đề cần phải xử lý, giải quyết tháo gỡ ở các địa phương và để dự kiến phân công đồng chí Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với địa phương; đồng thời, gửi đến các bộ, ngành liên quan để biết và chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị báo cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất phân công và xây dựng kế hoạch làm việc của các Thành viên Chính phủ sau khi có báo cáo nhanh của các địa phương, bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, kêu gọi chung chung; tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong đó phân loại các nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết và gửi Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 3/2023, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,6% so với tháng 2/2023 nhưng so với cùng kỳ có sự giảm nhẹ (giảm 1,6%). Tính chung quý I/2023, IIP giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15%); cán cân thương mại ước xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,87 tỷ USD).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%.