VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%

Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 - 6,3%.

Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I/2021.

Điểm lại tình hình kinh tế trong 3 tháng đầu năm, PGS.TS. Phạm Thế Anh -  Kinh tế trưởng Viện VEPR cho biết, Quý I/2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,48%, bằng mức tăng trưởng Quý trước, nhưng cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân tăng 0,29%, tăng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong Quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%.

vepr
 Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 - 6,3%

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trên là nhờ Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh doanh trong nước.

Bên cạnh đó, việc kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại. Đặc biệt, môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Đặc biệt, với việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng - Nhà nước mới, với Chính phủ mới, trong năm 2021 sẽ hứa hẹn triển vọng kinh tế năng động trở lại.

"Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 – 6,3% với giả định Việt Nam chưa thể mở cửa du lịch hoàn toàn, Việt Nam tiếp tục duy trì xuất khẩu ấn tượng trong năm nay", ông Phạm Thế Anh dự báo.

Hiện, Việt Nam cũng đã và đang hưởng lợi từ gói kích cầu của Mỹ. Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu gói 1.900 tỷ USD tiêu hết như kế hoạch đề ra, giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 0,76 điểm % trong năm nay.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 từ 6,5-7%, đòi hỏi Chính phủ, bộ, ngành phải nỗ lực rất lớn. Đạt được mục tiêu đó, Quý II phải tăng 7,3-7,4%, Quý III, IV cũng phải tăng 6,3-6,8%.

Cảnh báo lạm phát và “bong bóng” tài sản

Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ trong Quý I, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc.

Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn. Điều này thể hiện rõ trong tháng 3, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giảm 38% so với tháng 2, trong khi đó, tháng 2 là tháng nghỉ Tết và tháng 3 doanh nghiệp mới quay trở lại sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tính cả Quý, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng và đóng cửa kinh doanh vẫn tiếp tục tăng.

Ngoài ra, rủi ro về tăng giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu trên thế giới hiện nay cũng còn nhiều thách thức. Dẫn số liệu về giá dầu thô từ đầu năm đến nay đã tăng 30%, hàng hóa cơ bản tăng 40% so với cùng kỳ, giá các loại nguyên vật liệu như sắt, thép, kim loại cũng tăng 30-40% từ đầu năm đến nay, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, điều này sẽ khiến CPI tổng thể của Việt Nam nếu không khéo giữ, có thể tăng 0,4-0,6 điểm %.

vepr
 Thời điểm hiện tại, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, nhưng rủi ro từ vấn đề này đang tiếp tục tích lũy

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, áp lực lạm phát này không quá lớn, do sức cầu còn yếu, đặc biệt sức cầu tiêu dùng vẫn còn yếu, người dân tiết kiệm, không chi tiêu nhiều như trước; chỉ số vòng quay đồng tiền chậm. Dự báo lạm phát cả năm khoảng 3,5-3,7%. Vì vậy, Chính phủ cần có quan điểm thận trọng ứng xử với lạm phát

Ngoài ra, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất trắc và rủi ro, theo các chuyên gia, việc ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu cũng cần chú trọng hơn nữa, nhằm tránh phụ thuộc vào một số đối tác kinh tế lớn.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc sẽ là một lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, cần chú trọng hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp này như 1 động lực tăng trưởng cho năm 2021.

“Cần tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên cho chi đầu tư, cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện 1 cách cương quyết nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời chia sẻ với nhân dân trong giai đoạn khó khăn", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Hạ An