VEPR: Tăng trưởng Việt Nam năm 2021 đạt 5,6 - 5,8%

Mặc dù đưa ra nhiều phân tích và các kịch bản tăng trưởng cho năm 2021, nhưng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách vẫn thận trọng dự báo "kịch bản cơ sở" tăng trưởng 5,6 - 5,8%.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2020 với một số nội dung mang tính khuyến nghị chính sách cho năm 2021 đáng chú ý. Trong báo cáo này, VEPR đã đưa ra 2 kịch bản kinh tế cho năm 2021.

Kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng có thể đạt 5,8%

Theo VEPR, kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là điểm sáng trong khu vực với mức tăng trưởng dương 2,91% hiếm hoi. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc.

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình bệnh dịch.

Ở kịch bản cơ sở, bệnh dịch không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 - 5,8%.

Ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của virus Covid-19 trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine vào đời sống đã diễn ra. Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi.

Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục. Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

VEPR: Tăng trưởng Việt Nam năm 2021 đạt 5,6 - 5,8%
Các chuyên gia của VEPR nghiêng về kịch bản cơ sở hơn. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8% trong cả năm 2021

Trong 2 kịch bản, các chuyên gia của VEPR nghiêng về kịch bản cơ sở hơn. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8% trong cả năm 2021.

Tuy nhiên, cả hai kịch bản nêu trên đều giả định hệ thống y tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh trong nước. “Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả sẽ ra sao”, báo cáo của VEPR nhận định.

Nhiệm kỳ mới, kỳ vọng chính sách mới

Trong mọi tình huống, VEPR nhấn mạnh mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định. Đây là điều hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì.

VEPR: Tăng trưởng Việt Nam năm 2021 đạt 5,6 - 5,8%
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, về mặt quốc tế, nước Mỹ cũng đã có một tổng thống mới được dự báo là sẽ dễ dự đoán hơn, và có khuynh hướng hành động đa phương thay vì đơn phương, khiến môi trường quốc tế có thể bớt bất định hơn.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục có những diễn biến mới không loại trừ những rủi ro mới sẽ xuất hiện. Do đó, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.

Cụ thể, VEPR cho rằng đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó là những nhóm chính sách vẫn được kêu gọi cần thực hiện trong suốt những năm qua nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu, từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính-ngân hàng, từ khoa học-công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm, và tôn trọng các xu thế phát triển mới.

Hạ An