VIFTA - Tạo dư địa lớn cho hàng Việt tiến vào thị trường Israel

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định VIFTA giữa Việt Nam và Israel kỳ vọng sẽ là một điểm sáng trong phát triển quan hệ hợp tác song phương, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện nói chung và quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư nói riêng.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nir Barkat ký Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Israel

Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại vào năm 2004. Ngày 2/12/2015, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel bắt đầu khởi động đàm phán. Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc tại Israel để thống nhất nội dung, chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA).

“Với việc kết thúc đàm phán Hiệp định VIFTA và dự kiến sẽ được chính thức ký kết trong thời gian tới đây, khung khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư,… giữa hai nước sẽ được nâng cấp lên tầm phạm vi rộng hơn, với nhiều lĩnh vực, hợp tác cụ thể hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác đầu tư, dịch vụ, đặc biệt là mỗi bên có thể xâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường hàng hoá của nhau.” - Ông Lê Thái Hoà, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel nhận định.

Dư địa lớn

Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là một trong những đối tác hợp tác đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Trao đổi thương mại Việt Nam - Israel giai đoạn 2018 - 2022

quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel

Có thể thấy, nếu như năm 2018, trao đổi thương mại hai nước mới đạt 1,2 tỷ USD thì đến năm 2020 đã đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, và đến năm 2021 tiếp tục tăng và đạt khoảng 1,9 tỷ USD bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn ra căng thẳng và nhiều biến động.

Đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.

Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm có điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,3% và là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất.

Các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, quần áo, giày dép, hàng điện tử… chiếm tỷ lệ 62,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Israel. Cà phê đạt 24,3 triệu USD, hàng dệt may đạt 32,8 triệu USD, giày dép đạt 92,3 triệu USD; đây là các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh từ 20%-50%.

Ngoài ra, còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như: hàng điện tử, máy móc thiết bị điện, hàng gia dụng, đồ nhà bếp, nước giải khát, lương thực thực phẩm chế biến sẵn thuộc nhóm hàng khô, bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…

Riêng đối với nhóm hàng thủy hải sản, hàng năm, Israel thuộc trong Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2022, hàng thuỷ sản đạt 80,4 triệu USD, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản).

Xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.

quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Isarel
các mặt hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng như thuỷ hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, dệt may, giày dép các loại cũng có thêm lợi thế

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel là cơ hội cho thị trường Việt Nam được mở rộng. Đầu tiên, phải kể đến mặt hàng gia vị, bởi lẽ, thị trường Trung Đông nói chung và Israel nói riêng tiêu thụ lượng mặt hàng gia vị mỗi năm rất lớn. Trước đây, do chưa đàm phán được FTA nên việc xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu,… sang thị trường Trung Đông phải chịu thuế suất cao.

Bên cạnh đó, các mặt hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng như thuỷ hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, dệt may, giày dép các loại cũng có thêm lợi thế. Nếu tại thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), doanh nghiệp có thể khai thác các sản phẩm thương phẩm của nông nghiệp Việt Nam ở phân khúc cao cấp thì các thị trường ngách như Israel, Bangladesh, Pakistan Ấn Độ, các doanh nghiệp có thể đưa các mặt trung cấp và thấp cấp.

Với tiêu chuẩn thị trường không quá khắt khe như Mỹ, EU,… việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel được ký kết sẽ là cơ hội đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng gia vị của Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Israel nói riêng và Trung Đông nói chung.

Khai thác cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu

Trong khi Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và có lĩnh vực công nghiệp mạnh, thì Israel nổi tiếng với nền công nghiệp công nghệ cao, sáng tạo và các công ty khởi nghiệp. Những ngành công nghiệp này bổ sung cho nhau và đang hợp tác chặt chẽ. Mục tiêu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel là nhằm khuyến khích hơn nữa sự hợp tác này.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA được chính thức ký kết sẽ mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta.

Về thu hút đầu tư FDI từ Israel vào Việt Nam, theo số liệu thông kê mới nhất, từ ngày 01/01-20/3/2023, Israel có 02 dự án đầu tư vào Việt Nam được cấp phép mới, với số vốn đăng ký cấp mới là 60,01 triệu USD; ngoài ra, còn có số lượt góp vốn mua cổ phần là 02 lần, với giá trị góp vốn mua cổ phần là 0,17 triệu USD.

Tính chung trong 3 tháng dầu năm 2023, tổng số vốn đăng ký của Israel là 60,18 triệu USD, tăng 18.341,4% so với cùng kỳ năm trước và Israel đứng thứ 12 trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư của Israel vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực, theo thứ tự từ cao xuống thấp, như công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghệ thông tin, môi trường, xử lý nước thải, bất động sản du lịch…

Theo địa bàn đầu tư, Israel đã có đầu tư tại trên dưới 06 tỉnh, thành phố của Việt Nam như tỉnh Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh An Giang, thủ đô Hà Nội và tỉnh Đồng Nai…

Một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel cũng đang quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, tự động kiểm soát theo dõi các phương tiện giao thông hoạt động trên đường cao tốc và trong nội đô thành phố, công nghệ sản xuất năng lượng sạch, công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo, đầu tư vào các dự án năng lượng điện mặt trời, công nghệ cao...

Ông Lê Thái Hoà - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel nhấn mạnh: “Mỗi một hiệp định thương mại tự do được ký kết vừa mở ra cơ hội nhưng cũng đem lại không ít thách thức, để tận dụng hiệu quả hiệp định này thì doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường cũng như chuyên nghiệp hơn trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.”

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Israel. Israel là quốc gia có nhiều biến động về an ninh có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp khi có ý định đầu tư sang thị trường này, đồng thời ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là tiếng Do Thái.

Mặc dù hội nhập mạnh nhưng quốc gia này lại bảo hộ thị trường rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức thuế nhập khẩu lương thực, thực phẩm hiện tại trung bình ở mức 19,1%, cao hơn nhiều so với mức 3% của nhóm hàng phi nông sản.

Cùng với đó, Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao, khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác.

Ông Lê Thái Hoà cũng lưu ý, Israel không thuộc danh sách các nước có yêu cầu cấp chứng thư đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhưng áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ. Hầu hết tiêu chuẩn của Israel tuân theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ. Doanh nghiệp cần tuân thủ để tránh bị từ chối nhận hàng và tái xuất.

Và trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời cũng như được cung cấp các thông tin hữu ích khi giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác bạn hàng tại thị trường Israel.

Huyền My