Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phát triển không ngừng trong quan hệ song phương trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua.
Hiện nay, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 1,6 tỷ USD, tăng 36,4% so với năm 2019.
Cơ cấu mặt hàng của hai nước có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel và giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Israel tạo điều kiện và tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến thương mại (trực tiếp và trực tuyến) nhằm thúc đẩy đưa các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, gạo, thuỷ sản, giày dép, hàng dệt may… sang thị trường Israel.
Về lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Israel quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp nền tảng... tại Việt Nam.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Israel tại thị trường Đông Nam Á và mong muốn mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển hơn nữa.
Ngoài ra, đối với việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), Đại sứ Israel cho biết ông đánh giá cao tiến triển tốt đẹp trong công tác đàm phán Hiệp định. Với quyết tâm và sự đồng thuận về chính trị được thể hiện tại cuộc điện đàm ngày 12/7/2021 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel Naftali Bennet, Hiệp định được kỳ vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán và đi đến ký kết.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao việc mặc dù Hiệp định VIFTA chưa được kết thúc đàm phán và ký kết, cũng như tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp của cả Việt Nam và Israel đã thể hiện sự quan tâm lớn vào các hoạt động đầu tư – kinh doanh song phương.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Israel trong đầu tư, chuyển đổi và chuyển giao công nghệ số và công nghệ phát triển bền vững nhằm tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ và khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán hướng tới việc sớm đạt được một Hiệp định thương mại tự do cân bằng về lợi ích giữa hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương đi vào chiều sâu trong thời gian tới.