VINATEX: Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại

Vinatex cho biết, Tập đoàn thường xuyên xem xét yêu cầu các tiêu chuẩn vật tư, phụ liệu, tìm cơ hội sử dụng hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ khoảng 20% để đưa vào sử dụng trong việc sản xuất.

Những năm qua, Đảng ủy và Cơ quan điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tích cực, kịp thời, liên tục triển khai các văn bản của Trung ương, Đảng ủy Khối về thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) đến các đơn vị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Tại Hội nghị Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết CVĐ đã phần nào làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng Việt Nam và người sản xuất; Một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức đã nhận thức được một cách cơ bản về lợi ích của việc dùng hàng nội địa.

Qua CVĐ, chất lượng hàng Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn. CVĐ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bố trí nguồn lực, các nội dung thiết thực, phù hợp 

Tham luận tại sự kiện đại diện lãnh đạo Vinatex cho biết tích cực hưởng ứng CVĐ doanh nghiệp quan tâm bố trí nguồn lực triển khai các hoạt động. Cụ thể tại Vinatex, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch Công đoàn Dệt May là Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ cấp Tập đoàn, các thành viên là lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và cán bộ quản lý các phòng, ban chức năng quản lý.

Hằng năm, Ban chỉ đạo được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, các cấp ủy trực thuộc đã triển khai những nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Tại các đơn vị thành viên Tập đoàn đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ đã hoạt động đi vào nề nếp.

Vinatex cho biết tại các đơn vị, Công đoàn cơ sở đã ký chương trình phối hợp với nhiều đối tác để người lao động được hưởng các chương trình ưu đãi, đồng thời mang lại phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn cũng như hưởng ứng CVĐ thông qua bán hàng trợ giá cho người lao động vào các ngày lễ lớn; tổ chức tuần lễ tri ân, tạo điều kiện để NLĐ được hưởng các tiện ích từ hệ thống thiết chế cơ sở… Số đoàn viên công đoàn được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi sản phẩm, dịch vụ trên 34.120 người, với tổng số tiền được hưởng hơn 1,7 tỷ đồng.

ảnh về chức chương trình “Tết sum vầy - Ngày hội công nhân
Năm 2020, dịp Tết Canh Tý lần đầu tiên Công đoàn Dệt May VN phối hợp với Tập đoàn tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” tại 6 điểm trên phạm vi cả nước. Chương trình thu hút hơn 30 nghìn lượt NLĐ đến thăm quan, mua sắm với tổng số tiền ưu đãi 9,52 tỷ đồng.

Chương trình có 181 gian hàng ưu đãi thuộc các ngành hàng may mặc, da giầy, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dịch vụ với tỷ lệ ưu đãi giảm giá từ 20-80%; 05 gian hàng “đồng giá” bán sản phẩm với giá tượng trưng; 01 gian hàng giá “không đồng”...

Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp Công đoàn Dệt May Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” với Công ty CP Sữa Hà Lan, công ty cổ phần Copmat và triển khai tới các công đoàn cơ sở, nâng tổng số các đối tác hiện nay của ngành là 26 đơn vị.

Chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng hàng nội địa

Vinatex cho biết các đơn vị trong Tập đoàn ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở; sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh; rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng thiết bị và hàng hóa dịch vụ hiện đang sử dụng;

Tập đoàn đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại; Rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ…. nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng nội địa và đặc biệt là dịch vụ, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối.

Riêng đối với nguồn vật tư, phụ liệu, máy móc thiết bị Vinatex cho biết thường xuyên xem xét yêu cầu các tiêu chuẩn vật tư, phụ liệu; đánh giá định kỳ các nhà cung ứng vật tư, phụ liệu để tìm cơ hội sử dụng hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ khoảng 20% để đưa vào sử dụng trong việc sản xuất.

Ngoài ra với các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm việc hàng ngày, các loại văn phòng phẩm, các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, y tế, phục vụ bữa ăn giữa ca của CBNV-NLĐ tại các đơn vị trong tổ hợp, Công đoàn các đảng/chi bộ trực thuộc ưu tiên chọn mua và sử dụng các sản phẩm của các công ty và các doanh nghiệp trong nước có uy tín.

hình ảnh tại Tổng công ty Đức Giang
Các đơn vị sản xuất kinh doanh Dệt May không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại nhằm sản xuất sản phẩm hàng hóa Việt có chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng

Linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường

Trước tình hình khan hiếm khẩu trang khi dịch Covid - 19 bùng phát tại Việt Nam, thực hiện sự chỉ đạo trong việc bình ổn giá, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất, chế tạo vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế và tổ chức nhiều kênh phân phối với giá bình ổn để cung cấp cho nhân dân cả nước chống dịch.

Công đoàn Dệt May VN đã phối hợp với Tập đoàn trao tặng hơn 2,6 triệu khẩu trang kháng khuẩn cho Lực lượng Bộ đội biên phòng tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Kon Tum, Đắc Lắc… các bệnh viện lớn và các cơ sở cách ly; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp có trụ sở đóng ở địa phương nào sẽ cung ứng sản phẩm khẩu trang chống dịch ngay tại địa phương đó.

Các đơn vị đã sản xuất khẩu trang phát miễn phí cho cho đoàn viên, NLĐ tại đơn vị, hỗ trợ cho người dân địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở... điển hình như Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty CP May Việt Tiến...

Song song với các mục tiêu phát triển ngành, phát triển thị trường xuất khẩu dệt may, Vinatex luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác mở rộng thị trường nội địa, thị trường thời trang, mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các đơn vị thành viên, với tôn chỉ và mục tiêu ưu tiên phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt, đưa hàng may mặc Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh đến trực tiếp người tiêu dùng.

Để CVĐ “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang lại các kết quả tốt hơn trong thời gian tới, tại Hội nghị đại diện Vinatex đề xuất 3 nội dung:

Một là: Tập trung lãnh đạo có các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, khai thác tối đa thị trường trong nước.

Hai là: Tăng cường các biện pháp trong công tác kiểm tra thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hàng kém chất lượng đang tồn tại nhiều trên thị trường, bảo vệ thương hiệu cho hàng dệt may Việt.

Ba là: Đầu mối liên kết, tận dụng việc thực hiện chuyển đổi số trong tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trong Khối, trong nước chủ động sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở các khâu sản xuất, kinh doanh, phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của đơn vị; tăng cường hợp tác, hỗ trợ, cùng phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác của nhau trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp; có lộ trình cụ thể tăng dần hàng năm tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ

Phan Vi