Nhiên liệu sinh học góp phần bảo vệ môi trường

Sau gần 4 năm thực hiện “Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, từ 01/8/2010, Việt Nam đã sản xuất được Ethanol và xăng sinh học E5 đã có mặ
Hiện nay, người tiêu dùng ở nước ta đang quen dần với xăng sinh học E5, giá rẻ hơn các loại xăng khác, không ảnh hưởng đến máy móc, động cơ và giảm tác hại đối với môi trường. Xăng sinh học E5 là loại xăng hỗn hợp giữa Ethanol (C¬2H5OH) và xăng A92 dùng cho động cơ đốt trong chạy bằng xăng như máy nổ, máy bơm, động cơ ô tô, xe máy… Nhờ tỷ lệ không khí/nhiên liệu cần thiết để cháy hoàn toàn 1 kg xăng E5 thấp hơn xăng thông thường (tỷ lệ 9/14,6) đã làm cho khí hyđrô cacbon (HC) và mônôxít cacbon (CO) phát thải giảm bớt, có loại trên 30% so với xăng thông thường. Chính điều đó đã góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, ít gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường. Xăng E5 có trị số octan cao đã làm giảm hiện tượng kích nổ, tăng hiệu suất cháy làm cho công suất động cơ tăng lên 6,5%, động cơ vận hành êm hơn, không gây ra hiện tượng ăn mòn kim loại và tăng tuổi thọ động cơ, trong khi lượng tiêu thụ nhiên liệu gần như không thay đổi. Các nhà khoa học tính toán rằng: Ethanol có trị số octan (RON=109) cao hơn xăng A92 (RON=92) nên khi hòa vào xăng sẽ tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu lên 1,5 đơn vị (tức RON=93,5), thích ứng với các loại xe máy đời mới và động cơ có tỷ số nén cao. Với tỉ lệ 5% Ethanol thì khi sử dụng xăng E5, động cơ, máy móc không cần thay đổi, hoặc sửa chữa. Hiện nay, chất lượng xăng sinh học E5 của nước ta đều được kiểm định bởi Quatest 1 - Hà Nội và Quatest 2 - TPHCM theo tiêu chuẩn QCVN1:2009/BKHCN và TCVN8063:2009. 

Cách đây hơn 10 năm, việc kiểm kê khí nhà kính ở nước ta đã được tiến hành bao gồm 4 lĩnh vực: năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, chất thải, với tổng khí thải hơn 103 triệu tấn CO2 quy đổi, bình quân khoảng 1,4 tấn/người, trong đó lĩnh vực công nghiệp (do đốt nhiên liệu, đốt than, khai thác than, khai thác dầu khí) chiếm 25%, đã ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Để bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhập khẩu xăng dầu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thông qua “Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó có mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô mỗi năm 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5 (gồm 95% điêzen dầu mỏ truyền thống pha với 5% điêzen sinh học) bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2015, sản lượng Ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2025, sản lượng Ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước”. 

Thực hiện Đề án này, đến nay, 6 nhà máy nhiên liệu sinh học đã được cấp phép,. ngoài Nhà máy Ethanol ở Đại Tân (Quảng Nam) đã đi vào sản xuất, 3 nhà máy khác đều có công suất 100 triệu lít Ethanol/năm đang xây dựng ở Tam Nông (Phú Thọ), Dung Quất (Quảng Ngãi), Bù Đăng (Bình Phước)… Để những nhà máy này hoạt động, đến năm 2015, nước ta cần 4,2 triệu tấn sắn lát để sản xuất ra 750 triệu lít Ethanol. Ngoài ra, nếu tổ chức tốt quy hoạch và thực hiện vùng nguyên liệu trồng cây có dầu như cây cọc rào, dầu cọ, hạt bông… theo hướng sử dụng đất triệt để và có công nghệ tách dầu phù hợp, ước tính mỗi năm nước ta có thể sản xuất khoảng 500 triệu lít điêzen sinh học. Đó là chưa kể mỗi năm, nước ta có 40 triệu tấn rơm rạ, hàng triệu tấn bã mía sau khi sản xuất đường có thể làm nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.