Vĩnh Phúc đầu tư 600 tỷ để khép kín đoạn cuối cùng của Vành đai 3

Dự kiến vào quý I/2024, Vĩnh Phúc sẽ khởi công tuyến đường nối Quốc lộ 2 đến đường ĐT.302, huyện Bình Xuyên. Sau khi hoàn thành, đoạn tuyến này sẽ khép kín đường vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vừa qua đã lập báo cáo liên quan đến dự án Đường vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường ĐT.302, huyện Bình Xuyên.

Tuyến đường vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc bao gồm 1 phần các tuyến đường: quốc lộ 2, ĐH.32, Trục Đông - Tây, quốc lộ 2C, ĐT.310C, ĐT.310 và ĐT.302. Vành đai 3 có chiều dài khoảng 44,1 km, hiện nay cơ bản đã thành hình, còn thiếu đoạn tuyến từ Quốc lộ 2 đi ĐT.302.

Vĩnh Phúc chi 600 tỷ để khép kín đoạn cuối cùng của Vành đai 3
Vĩnh Phúc sẽ đầu tư 600 tỷ để khép kín đoạn cuối cùng của Vành đai 3, dự kiến khởi công vào đầu năm 2024

Vừa qua, vào tháng 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn tuyến nối từ quốc lộ 2 đến ĐT.302, đây sẽ là tuyến đường xây dựng mới hoàn toàn.

Đoạn này có chiều dài khoảng 1,6 km, nằm trên địa bàn xã Quất Lưu, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Điểm đầu dự án nằm tại nút giao với Quốc lộ 2 tại xã Quất Lưu, điểm cuối giao với ĐT.302 tại xã Tam Hợp.

Về hướng tuyến, từ điểm đầu tại Quất Lưu, tuyến sẽ đi theo hướng Đông Bắc qua Quốc lộ 2 cũ, đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai tuyến rẽ phải đi theo hướng Đông và kết thúc tại điểm cuối ở xã Tam Hợp.

Nhìn chung, tuyến chủ yếu đi qua khu vực ruộng canh tác tạc các khu vực đồng Giếng Gáo, Dộc Dâu, Gò Khoai, Quán Đỏ và 1 phần đất thổ cư mặt đường ĐT.305B thuộc thôn Vải xã Quất Lưu. Tuyến cắt qua 2 khu nghĩa trang lớn của xã Quất Lưu tại vị trí đồng Dộc Dâu và thôn Giữa.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của tuyến đường này là hơn 12 ha đất. Hiện trạng gồm có đất trồng lúa nước; đất vườn chủ yếu trồng cây ăn quả bưởi, xoài,mít, chuối, ổi...; đất ở nông thôn có hiện trạng là các công trình nhà cấp 4, nhà tầng, tường rào xây gạch chỉ thuộc các thôn Vải, thôn Giữa thuộc xã Quất Lưu, thôn Phú Ninh và thôn Ngọc Liễn thuộc xã Tam Hợp.

Vĩnh Phúc chi 600 tỷ để khép kín đoạn cuối cùng của Vành đai 3
Vị trí tuyến đi qua khu vực dân cư tại thôn Vải mặt đường ĐT.305

Về hiện trạng giao thông, khu vực xung quanh dự án có nhiều công trình giao thông lớn: Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành và đi vào vận hành từ năm 2014; Quốc lộ 2 nối Vĩnh Phúc - Phú Thọ với 4 làn xe; đường vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đã thành hình và đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc; ĐT.310B; ĐT.302; ĐT.305.

Về mục tiêu, vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường ĐT.302 sẽ khép kín đường vành đai 3, kết nối quốc lộ 2 với ĐT.302 tạo thành tuyến đường tránh qua thị trấn Hương Canh giảm tải cho các tuyến đường trong nội thị thị trấn. Giai đoạn đầu tư, tuyến sẽ có mặt cắt ngang 36 - 37,5 m, trong đó bề rộng mặt đường là 22,5 m.

Bên cạnh đó, trên tuyến sẽ xây dựng hệ thống cầu vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai gồm 7 nhịp dầm, mặt cắt ngang 28 m.

Kế đến là thiết kế hoàn thiện nút giao giữa đường song song với đường sắt, tuyến phía Bắc, đoạn từ Khu công nghiệp Khai Quang đến đường 36 m Khu công nghiệp Bình Xuyên đi Khu công nghiệp Bá Thiện, quy mô nút giao gồm 2 tuyến nhánh rẽ với chiều dài mỗi tuyến khoảng 350 m.

Về tiến độ dự kiến, giai đoạn quý II - quý IV/2023, dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục, quý I/2024 khởi công và hoàn thành vào quý IV/2026. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 600 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chiếm 120 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030, mạng lưới giao thông tỉnh này được quy hoạch theo hệ thống liên hoàn giữa vùng lưu thông đối ngoại, đối nội và kết nối tròn theo các đường vành đai làm chủ đạo.

Trong đó, hệ thống đường vành đai 1, 2 và bán vành đai 3 là hệ thống liên kết vòng tròn giữa hệ thống giao thông đối ngoại và hệ thống giao thông hình nan quạt. Đây là hệ thống giao thông chủ yếu để nối liền các khu công nghiệp, các cụm du lịch và dịch vụ của tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn kết nối và phục vụ đắc lực cho hệ thống giao thông đối ngoại.

Ngoài ra sẽ có 2 tuyến kết nối với hệ thống đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai 4,5 và đường vành đai 5.

Huyền My