Dữ liệu sơ bộ của Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa nước này và Trung Quốc trong năm 2020 đã đạt 77,7 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn mức 85,5 tỷ USD của năm 2019, nhưng cũng đủ để giúp Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ trong năm 2020 đạt 75,9 tỷ USD do nhu cầu về hàng hoá giảm sút khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Mặc dù căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng giới phân tích nhận định Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực máy móc hạng nặng, thiết bị viễn thông và đồ gia dụng.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại mà Ấn Độ chịu thâm hụt thương mại lớn nhất với mức thâm hụt lên đến gần 40 tỷ USD trong năm 2020. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 58,7 tỷ USD giá trị hàng hoá từ Trung Quốc, con số này lớn hơn tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ từ Hoa Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), vốn lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của nước này.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở nên căng thẳng sau những đụng độ dọc khu vực biên giới tranh chấp phía Tây Himalaya. Sau đụng độ, Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng di động của Trung Quốc, trì hoãn phê duyệt các khoản đầu tư của nước này cũng như kêu gọi tăng cường năng lực sản xuất nội địa nhằm giảm bớt phụ thuộc vào trung Quốc.
Nhà kinh tế học Amitendu Palit thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định Ấn Độ sẽ phải trải qua một chặng đường dài trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang thực hiện chương trình liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các hoạt động liên kết này thường mất ít nhất từ 4 – 5 năm để tạo ra các năng lực sản xuất mới, cho đến lúc đó Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục cần đến Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã vượt Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2020. Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU với Trung Quốc đạt 586 tỷ EUR (711 tỷ USD) trong năm ngoái, cao hơn mức 555 tỷ EUR (673 tỷ USD) của EU với Hoa Kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đã tăng 2,2% lên 202,5 tỷ EUR nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng 5,6% lên 383,5 tỷ EUR. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Hoa Kỳ giảm 13,2% và nhập khẩu từ thị trường này giảm 8,2%. EU và Trung Quốc đang hướng tới một thỏa thuận đầu tư cho phép các công ty Châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.
Trong bản chiến lược thương mại mới được công bố, EU khẳng định quan hệ thương mại với Hoa Kỳ là "quan hệ đối tác lớn nhất và quan trọng nhất về kinh tế trên thế giới". EU cũng nhấn mạnh họ có quyền thực hiện các hành động nhằm loại bỏ các “tác động tiêu cực” từ cách tiếp cận của Trung Quốc trong thương mại và đầu tư.