Xác định nhu cầu để phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá

Để tạo ra những sản phẩm thuốc lá ổn định về chất lượng, phù hợp với thị hiếu người sử dụng cần có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định.

Vậy nhưng đến nay vấn đề đầu tư, phát triển nguyên liệu thuốc lá vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được xử lý thấu đáo.

Nhiều khó khăn trong phát triển nguyên liệu

 Đề án phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đặt mục tiêu, đến năm 2020: Diện tích và sản lượng thuốc lá do Vinataba đầu tư khoảng 16.000 ha, sản lượng trên 35.000 tấn. Vậy nhưng, đến năm 2020 chỉ đạt xấp xỉ 6.000 ha và xấp xỉ 11.500 tấn, tương ứng tỷ lệ lần lượt là 37% và 33% so với mục tiêu của Đề án.

Ông Hà Quang Hòa - Tổng giám đốc TCT phát biểu tại Hội thảo nguyên liệu thuốc lá
Ông Hà Quang Hòa - Tổng giám đốc TCT phát biểu tại Hội thảo nguyên liệu thuốc lá

Trong đó, theo Đề án, các đơn vị sản xuất nguyên liệu trong Tổng công ty đầu tư nguyên liệu tại 8 vùng trồng chính (Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Gia Lai, Đắk Lắk và Tây Ninh). Tuy nhiên, đến năm 2021, chỉ còn lại 5 vùng đang tiếp tục trồng.

Tính trung bình, giai đoạn 2016-2020, diện tích và sản lượng đầu tư có xu hướng giảm 7,4%/năm về diện tích và 1,1%/năm về sản lượng.

Nguyên nhân dẫn đến giảm sản lượng được xác định là do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra dịch bệnh tại một số vùng trồng. Các vùng trồng lại tập trung ở 1 số địa bàn xa xôi, khó khăn, tập quán canh tác, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của người nông dân còn hạn chế - ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, là những hệ lụy từ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tại các vùng trồng và cạnh tranh trực tiếp của các loại cây trồng nông nghiệp khác. Chưa kể, do chất lượng nguyên liệu trong nước chưa cao, không ổn định nên chưa đáp ứng được nhu cầu đối với các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu.

Ngoài ra, việc phát triển sản xuất công nghiệp thu hút lực lượng lao động nông thôn ra các khu công nghiệp và nhiều lao động khu vực giáp biên có xu hướng dịch chuyển sang các nước láng giềng làm thuê có thu nhập cao hơn dẫn tới khan hiếm nhân công. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm diện tích đầu tư trong giai đoạn qua.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu - chiến lược và giải pháp

Theo Dự thảo tiếp thu Nghị định về kinh doanh thuốc lá (Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP), một trong những điều kiện để cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá là các sản phẩm thuốc lá điếu của doanh nghiệp (trừ sản phẩm thuốc lá xuất khẩu và sản phẩm thuốc lá sản xuất theo hợp đồng với đối tác nước ngoài có yêu cầu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu) phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước theo lộ trình: Năm 2022 ≥15%; 2024 ≥20%; 2026≥25%; 2028 ≥30%; 2030 ≥40%…

1.Vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Ngân Sơn tại Huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Ngân Sơn tại Huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

Giải pháp quản lý điều hành của Vinataba

Để đáp ứng quy định trên, đồng thời thực hiện mục tiêu: tăng năng suất, chất lượng nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của đơn vị sản xuất thuốc lá điếu và xuất khẩu thông qua các chỉ tiêu lý-hóa, chỉ tiêu đường và nicotin. Vinataba sẽ rà soát, điều chỉnh Đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu hợp lý thông qua người đại diện phần vốn góp nhằm ổn định trong nước. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát việc đầu tư sản xuất, mua bán, sử dụng nguyên liệu thông qua người đại diện phần vốn góp tại các đơn vị nguyên liệu và vai trò của Hội đồng Thành viên, kiểm soát viên tại các đơn vị thuốc điếu.

Định hướng các đơn vị thuốc điếu xây dựng nhu cầu nguyên liệu trong ngắn hạn, dài hạn làm cơ sở cho việc phát triển vùng trồng nguyên liệu. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của Tổng công ty về quản lý công tác nguyên liệu phù hợp với tình hình thực tế

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của Tổng công ty về quản lý công tác nguyên liệu phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị và lợi ích của toàn Tổ hợp Tổng công ty.

Đề xuất, phối hợp với Bộ Công Thương, Sở Công Thương, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, hậu kiểm các đơn vị có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá.

Giải pháp đối với các đơn vị sản xuất nguyên liệu

Nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu, từng bước ổn định và mở rộng diện tích đối với những khu vực thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng cho chất lượng nguyên liệu tốt.

Tập trung các giải pháp về kỹ thuật (cải tiến quy trình canh tác, giống thuốc lá, bón phân cân đối, loại bỏ lá chân cát, kiểm soát quá trình thu hoạch đúng độ chín và sấy đúng kỹ thuật…) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành nguyên liệu, giảm thiểu sản lượng nguyên liệu cấp thấp (cấp 4 và tận dụng). Thực hiện phân cấp nguyên liệu theo đúng quy định, nhằm đảm bảo yêu cầu về phối chế của các đơn vị thuốc điếu.

Xây dựng phương án đầu tư và thu mua hợp lý, tiết kiệm chi phí, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu các đơn vị thuốc điếu về sản lượng cũng như chất lượng với giá cạnh tranh nhất (đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân trồng thuốc lá, đơn vị đầu tư sản xuất nguyên liệu và đơn vị sản xuất thuốc lá điếu). Có lộ trình giảm, tiến tới không thu mua nguyên liệu cấp thấp và tận dụng.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu trong việc phân cấp, sản xuất mẫu đến quá trình chế biến tách cọng. Tăng cường nghiên cứu, phối chế nguyên liệu để tạo ra những lô hàng lớn, có độ đồng đều cao, ổn định qua nhiều năm để khách hàng dễ sử dụng và duy trì được các mác thuốc. Tích cực tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường xuất khẩu nguyên liệu thuốc lá.

Giải pháp đối các đơn vị sản xuất thuốc điếu

Thực hiện mua bán nguyên liệu thuốc lá theo đúng các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá chỉ thu mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá theo quy định tại Điều 15-Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013.

Cân đối, xây dựng nhu cầu nguyên liệu chi tiết (sản lượng, chủng loại, cấp loại, vùng, chỉ tiêu hóa lý….) theo sát kế hoạch và sản lượng thuốc điếu Tổng công ty giao hàng năm và từ đầu vụ mùa để ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất nguyên liệu làm cơ sở triển khai đầu tư phát triển vùng trồng. Lưu ý phải xác định sản lượng thu mua và dự kiến đơn vị cung cấp cho toàn bộ sản lượng nguyên liệu nội địa thu mua trong năm. Thực hiện công khai minh bạch trong các yêu cầu kỹ thuật khi thực hiện thu mua nguyên liệu.

Thực hiện đúng các hợp đồng nguyên tắc, Hợp đồng đầu tư đã ký với các đơn vị sản xuất nguyên liệu; tập trung thu mua đối với các đơn vị sản xuất nguyên liệu; hàng năm, phối hợp với các đơn vị sản xuất nguyên liệu đàm phán ký kết Hợp đồng mua bán và tổ chức giao nhận sớm nhằm ổn định thị trường nguyên liệu trong nước.

Nhằm ổn định nguồn cung cấp, đưa thị trường nguyên liệu cạnh tranh lành mạnh, các đơn vị sản xuất thuốc điếu nghiêm túc thực hiện đánh giá nhà cung cấp nguyên liệu và báo cáo Tổng công ty hàng năm theo Quy chế mua, bán và kinh doanh nguyên liệu đã ban hành.

PV